16/11/2022 Lượt xem: 263
Tình trạng mất ngủ trong nhịp sống vội vã, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid, cùng với việc ngày càng có nhiều công nghệ mới tốt hơn đã khiến ngành công nghệ hỗ trợ giấc ngủ (sleep tech) bùng nổ.
Người dân các nước giàu đang bị thiếu ngủ. Hiện một người Mỹ trưởng thành trung bình ngủ ít hơn hai giờ đồng hồ so với cách đây ba thế hệ. Hơn một phần ba người Mỹ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm. Kết quả là họ mệt mỏi mà hệ quả là có thể dẫn đến bệnh mất trí nhớ Alzheimer, tăng huyết áp và các bệnh khác. The Economist ước đoán thiếu ngủ khiến nền kinh tế khổng lồ này tiêu tốn đến 400 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
CEO Vũ Ngọc Tâm của Earable (người ngồi ở bìa phải) cùng làm việc với các đối tác Nhật Bản tại TPHCM năm 2019. Ảnh: Earable Vietnam
Người Nhật cũng thiếu ngủ nghiêm trọng. Theo Nikkei Asia, trung bình người Nhật ngủ 7 giờ 22 phút mỗi đêm, ít hơn một giờ so với mức trung bình 8 giờ 24 phút của các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Hãng Rand Corporation của Mỹ ước tính thiệt hại kinh tế do thiếu ngủ tại Nhật Bản vào khoảng 15.000 tỉ yen mỗi năm, khoảng 117 tỉ đô la.
Tình trạng mất ngủ tương tự cũng đang diễn ra ở các quốc gia giàu có khác. Rượu và caffein có thể là nguyên nhân chính, cùng với nó là việc tiếp xúc quá lâu với màn hình điện thoại và máy tính.
Theo Statista, trong năm 2020, ngành công nghiệp chăm sóc giấc ngủ này có quy mô thị trường đạt 459 tỉ đô la, dự kiến tăng lên đến 585 tỉ đô la vào năm 2024 với mức tăng trưởng trung bình 6,3% mỗi năm.
Đa dạng sản phẩm “công nghệ ngủ ngon”
Các cảm biến siêu nhỏ được đưa vào các thiết bị đeo để theo dõi các thông số của người đang ngủ. Những hãng công nghệ như Apple, Google, Samsung và Huawei cung cấp các thiết bị đeo tay có công nghệ chăm sóc giấc ngủ.
Giãn cách xã hội khiến tỷ lệ mất ngủ ở các nước tăng vọt, ở một số nơi lên đến 40%. Các startup “công nghệ ngủ ngon” còn cung cấp các sản phẩm táo bạo hơn. Hãng Oura Health, startup của Phần Lan trị giá gần 1 tỉ đô la, bán một chiếc nhẫn titan trị giá 300 đô la nặng vài gam và được tích hợp máy theo dõi nhịp tim, oxy và các hoạt động khác. Ngôi sao Kim Kardashian là người chuộng và cổ vũ cho sản phẩm này. Còn hãng Kokoon của Anh sản xuất tai nghe không dây có bộ phận phát âm thanh thư giãn. Tai nghe còn có các bộ cảm biến phân tích về các giai đoạn trong giấc ngủ của người đeo, đo nồng độ oxy trong máu (SpO2). Hãng Eight Sleep của Mỹ bán mỗi chiếc nệm với giá 2.000 đô la có thể điều chỉnh nhiệt độ lên xuống tùy theo thân nhiệt trong đêm của người ngủ. Viện Khoa học Giấc ngủ Nhật Bản cũng phối hợp với hãng nệm Nishakawa từ năm 1984 chế tạo loại nệm tương tự. Năm 2020, hãng Brain Sleep ở Tokyo bán chiếc gối có độ thoáng khí cao. Sản phẩm giúp tản nhiệt cơ thể ngay sau khi người bệnh chìm vào giấc ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Triết lý về giấc ngủ của người Nhật có vẻ khác phương Tây. Thị trường công nghệ hỗ trợ giấc ngủ vì thế lại đa dạng hơn. Thị trường sleep tech đã định hình ở Nhật Bản và có thể được chia thành bốn loại chính: phương pháp điều trị y tế, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm giấc ngủ nói chung và sản phẩm kỹ thuật số. Dược phẩm như thuốc ngủ được xếp vào danh mục “điều trị y tế”, trong khi đồ uống và thực phẩm chức năng mang lại giấc ngủ ngon là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Yakult 1000 là thức uống sữa lên men phổ biến do hãng Yakult Honsha sản xuất. Thành phần chính của sữa là chủng vi khuẩn lactobacillus casei Shirota, được cho là có tác dụng nâng cao chất lượng giấc ngủ. Công ty bắt đầu tiếp thị sản phẩm Yakult 1000 trên khắp Nhật Bản vào năm 2021. Các công ty Nhật Bản cũng đang nghiên cứu các thiết bị nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hãng điện tử Panasonic đã bán ra thị trường mẫu máy lạnh Eolia Sleep đi kèm với một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Điện thoại được đặt gần gối của người ngủ sẽ phát hiện khi nào người đó ngủ bằng cách theo dõi các yếu tố như tần suất trở mình. Một cảm biến bên cạnh giường sẽ đo nhiệt độ và độ ẩm ở khu vực xung quanh đầu, điều chỉnh nhiệt độ của máy điều hòa. Sản phẩm có thể kết nối với các sản phẩm chiếu sáng của Panasonic. Trong khi đó, hãng sản xuất máy điều hòa Daikin Industries đang nghiên cứu cách đánh thức dễ chịu hơn. Máy sẽ theo dõi vị trí khuôn mặt của người ngủ bằng cách sử dụng cảm biến nhiệt trên trần nhà và thổi một luồng không khí vào mặt người ngủ, tạo “cảm giác được vuốt ve nhẹ nhàng”. Daikin đã sử dụng công nghệ này kết hợp với ánh sáng của nhà sản xuất gốm sứ Kyocera, mô phỏng ánh sáng mặt trời. Kết quả thử nghiệm trên 20 sinh viên Đại học Tohoku cho thấy họ tỉnh táo hơn sau khi thức dậy so với cách cổ điển là dùng đồng hồ báo thức. Tuy nhiên, Nikkei Asia nói rằng các công ty Nhật Bản đang tụt hậu so với các đối thủ nước ngoài trong việc phát triển loại thiết bị như đồng hồ đeo tay. Startup ACCELStars ở thành phố Kurume, miền tây Nhật Bản đang nghiên cứu loại đồng hồ đeo tay điều trị chứng rối loạn giấc ngủ, dự kiến có thể bán cho các cơ sở y tế trong năm 2023. Học cách chăm lo giấc ngủ Các nhà nghiên cứu ngành sleep tech nói rằng rất khó giải quyết một cách cơ bản các vấn đề về giấc ngủ nếu chỉ sử dụng các sản phẩm vật lý. Điều này là do giấc ngủ có sự khác biệt đáng kể giữa các cá nhân và chỉ sử dụng các sản phẩm có lợi cho giấc ngủ có thể không mang lại kết quả mong muốn.
Các thiết bị công nghệ giấc ngủ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả các nhà khoa học. Các chuyên gia đánh giá rằng cần phải có các thử nghiệm lâm sàng để xác thực hiệu quả của các thiết bị sleep tech. Ảnh: Alamy / The Economist Các chuyên gia cho biết, để giải quyết cơ bản các vấn đề về giấc ngủ, mọi người cần thay đổi cách họ nghĩ về giấc ngủ, bao gồm cả nhận thức về sử dụng thời gian ban ngày và các hoạt động trước khi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Năm 2020, Rakuten Group đã giới thiệu chương trình cải thiện giấc ngủ do startup NeuroSpace ở Tokyo phát triển trong nỗ lực nâng cao sức khỏe và năng suất của nhân viên Rakuten. Chihiro Yonemori thuộc bộ phận chăm sóc sức khỏe của Rakuten nói rằng: “Tỷ lệ nhân viên nói mình ngủ đủ giấc trong một cuộc khảo sát nội bộ đã cải thiện 10 điểm phần trăm”. Rakuten tổ chức các cuộc hội thảo để cung cấp cho nhân viên thông tin về các kiểu ngủ phù hợp với lối sống của công ty, cũng như chương trình cải thiện giấc ngủ chuyên sâu cho các nhóm nhỏ nhân viên đăng ký tham gia. Tập đoàn thu thập dữ liệu về trạng thái giấc ngủ của những người tham gia bằng cách cho họ mượn đồng hồ thông minh Fitbit và cung cấp các mẹo về cách cải thiện thói quen ngủ của họ. Theo nghiên cứu mà Rakuten thực hiện với Đại học Waseda ở Tokyo, năng suất đã được cải thiện sau khi chương trình được áp dụng, tạo ra lợi ích cho công ty ước tính khoảng 120.000 yen (938 đô la) mỗi người hàng năm. Chủ tịch Takanori Kobayashi của NeuroSpace nói: “Nhiều công ty Nhật quan tâm đến sức khỏe và quản lý năng suất. Họ nhận thức rằng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến năng suất của nhân viên đã tăng lên”. NeuroSpace nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của các công ty về tầm quan trọng của giấc ngủ thông qua chương trình cải thiện giấc ngủ của mình. Số lượng người muốn biết thêm về các vấn đề liên quan đến giấc ngủ của họ đã tăng lên, ngay cả khi họ không có các triệu chứng cụ thể của chứng rối loạn giấc ngủ. Chi nhánh Akasaka của chuỗi khách sạn “con nhộng” Nine Hours ở Tokyo vào tháng 12 năm ngoái đã giới thiệu một dịch vụ trong đó camera hồng ngoại, micro và cảm biến chuyển động được thiết lập bên trong khoang ngủ để đo trạng thái giấc ngủ của khách. Dịch vụ cung cấp cho khách dữ liệu, bao gồm nhịp tim và khoảng thời gian họ ngừng thở trong khi ngủ. Khách sạn tính phí khoảng 3.000-4.000 yen mỗi đêm, so với hàng chục ngàn yen khi đến các phòng khám. “Thông tin này không phải là chẩn đoán y tế nên trong tương lai, chúng tôi dự định đưa ra dịch vụ giới thiệu khách đến các cơ sở y tế nếu họ cần”, CEO Takahiro Matsui nói. Nhưng không phải mọi sản phẩm công nghệ, mọi mô hình kinh doanh mới sẽ hoàn hảo ngay từ đầu. Người ta có cảm thấy nhàm chán với các thiết bị đeo và và thất vọng khi sản phẩm không được cải tiến. Theo khảo sát của hãng tư vấn Rock Health Advisory trong năm ngoái, gần 40% người dùng thiết bị đeo khi ngủ đã từ bỏ thiết bị của họ, chủ yếu là vì không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều nhà khoa học lo lắng rằng, cũng như với nhiều công nghệ sức khỏe mới nổi, sleep tech thường thiếu các nghiên cứu lâm sàng khi sản phẩm được thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân và chống lại giả dược. Nhiều khi công nghệ ngủ chỉ là những ý tưởng thật đơn giản – như cách suy nghĩ của người Nhật. Nhưng người thật sự áp dụng ý tưởng này lại là các khách sạn châu Âu. Họ thường thuê người đến nằm ít giờ trên những giường ngủ lạnh lẽo, trước khi có khách đến nhận phòng và đi ngủ. Nệm ấm hơi người vẫn làm khách ngủ ngon hơn. Sản phẩm “công nghệ ngủ” tại Việt Nam Misfit Wearable gây tiếng vang tại Việt Nam trong năm 2015 khi được bán lại cho tập đoàn Fossil với giá 260 triệu đô la. Đây là công ty sáng tạo những phụ kiện đeo tay hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động do Sonny Vũ và John Sculley (cựu CEO Apple) đồng sáng lập. Misfit Wearables đặt trụ sở tại TPHCM và hoạt động từ tháng 4-2012 với 50 nhân sự chất lượng cao và hầu hết là người Việt. Misfit không bán bất cứ sản phẩm nào tại Việt Nam. Thậm chí, các ứng dụng và trang web của Misfit được dịch thành 17 thứ tiếng, trong đó có cả Hebrew (Do Thái) và tiếng Tagalog sử dụng ở Philippines, nhưng hoàn toàn không có tiếng Việt. Giải thích về điều này, lúc đó Sonny Vũ đã nói: “Việt Nam là thị trường quá nhỏ và không nhiều người yêu thích các sản phẩm của Misfit”. Earable là startup đặt tại Hà Nội vừa gọi thành công 8,2 triệu đô la để sản xuất thiết bị tai nghe thông minh chăm sóc giấc ngủ và não bộ, cải thiện năng lực làm việc. Theo kế hoạch thì tháng 8 này, sản phẩm ra mắt tại thị trường Mỹ và được bán rộng rãi từ quí 4-2022. Nhà sáng lập Vũ Ngọc Tâm đánh giá rằng việc đưa sản phẩm đến các thị trường dựa trên ba yếu tố: Đầu tiên là sức mua của người tiêu dùng dựa trên mức thu nhập. Thứ Hai là nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Thứ ba là mức độ hiểu biết của người tiêu dùng. Sau khi đánh giá ba yếu tố này, Earable đánh giá rằng Mỹ là thị trường lớn nhất, sau đó là Đức, Anh và Nhật Bản. Thị trường Việt Nam chỉ bằng 1% quy mô của Mỹ, nhưng vẫn rất lớn.
Nguyên Thảo/KTSG
Ngành công nghiệp ô tô giữa ngã ba đường ( 19/03/2024 )
Giao thông toàn cầu gánh trách nhiệm trong việc phát thải lượng lớn CO2 làm bầu khí quyển nóng lên từng ngày. Vì vậy, các nhà sản xuất ô tô lao vào lĩnh vực xe điện chạy bằng bình sạc BEV (Battery Electric Vehicles) và đạt được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Cùng lúc này một dòng xe điện mới xuất hiện, không phải bằng bình sạc mà bằng pin nhiên li...
Khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Chế biến thực phẩm và Nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 ( 27/10/2023 )
Ngày 26/10, Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Chế biến thực phẩm và Nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 với các hoạt động trưng bày, giới thiệu công nghệ và thiết bị (CN&TB), hội thảo giới thiệu công nghệ và tư vấn chuyên gia về công nghệ chính thức khai mạc tại Sàn Giao dịch công nghệ - Techmart Daily (79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quậ...
NướcGPT: Giải mã xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ( 04/10/2023 )
Một sáng kiến mang tên "NướcGPT" sẽ cung cấp công cụ mới để hỗ trợ người dân quản lý xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long....
Công nghệ biến rác thành thức ăn cho ấu trùng ở Trung Quốc ( 22/08/2023 )
Nuôi ấu trùng bằng phế liệu nhà bếp và rác thải sinh hoạt đang được nhiều trang trại ở Trung Quốc ứng dụng làm nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc và phân bón....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :158
Tổng lượt truy cập : 15,870
|