Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )
 16/11/2022 Lượt xem: 197

Một xu hướng mới trong ngành xây dựng có thể làm nhiều người ngạc nhiên: xây cao ốc hoàn toàn bằng gỗ. Thụy Điển vừa khai trương tòa nhà văn hóa kiêm khách sạn Sara cao 20 tầng, từ sàn nhà, trần nhà đến các cột chống đều bằng gỗ. Tòa nhà cao thứ ba ở Na Uy, Mjøstårnet, cao 18 tầng, vừa làm văn phòng, nhà ở và khách sạn 72 phòng cũng làm bằng gỗ. Đây cũng là một gợi ý về triển vọng thị trường cho ngành gỗ Việt Nam.

 

Dĩ nhiên đây là loại gỗ đặc biệt, gọi là glulam – gỗ thông được xẻ ra từng thanh mỏng, sấy khô rồi dùng keo ép lại thành từng thanh lớn cứng như bê tông. Khách vào bên trong tòa nhà Sara đắm chìm trong một không gian toàn gỗ, tỏa nhẹ mùi thơm của nhựa thông như thể họ vừa bước vào một khu rừng thông. Gỗ glulam được dùng làm các thanh đà chịu lực; còn sàn với tường được làm bằng gỗ CLT, cũng từ các thanh gỗ thông nhưng xếp lớp dọc, lớp ngang rồi dán lại như ván ép truyền thống.

 Những kiến trúc sư chủ xướng việc dùng gỗ xây cao ốc cho rằng vật liệu gỗ thân thiện với môi trường hơn bê tông cốt thép. Ở nhiều nước việc khai thác gỗ phải chịu nhiều ràng buộc, như chỉ khai thác gỗ đến tuổi, đốn cây nào phải trồng thay thế cây đó cho nên dùng gỗ không hẳn là phí phạm tài nguyên thiên nhiên như chúng ta nghĩ. Ngược lại, thúc dục vòng đời của cây sẽ giúp có nhiều cây hơn để hút khí thải C02 từ không khí; một mét khối gỗ glulam chứa đựng khoảng chừng 700 ki lô gam khí dioxide carbon.

 Theo tờ Wall Street Journal, trong gian đoạn từ tháng 7-2020 đến tháng 12-2021 con số các tòa nhà xây bằng gỗ khối (mass timber từ dùng chung để chỉ cả hai loại glulam và CLT) tăng 50%, lên hơn 1.300 đơn vị. Một số dự án điển hình như tòa nhà văn phòng 8 tầng ở Virginia, một tòa nhà 5 tầng của Google làm văn phòng sẽ khai trương vào tháng 8 tại California, một tòa nhà phức hợp vừa làm trung tâm thương mại vừa là khu dân cư cao 25 tầng ở Milwaukee… Theo luật của Mỹ, cao ốc xây bằng gỗ chỉ được tối đa 18 tầng nhưng chủ dự án Milwaukee đã thuyết phục được giới chức địa phương về độ an toàn nên được cấp ngoại lệ. Thậm chí Nhật đang dự tính xây một tòa nhà gỗ cao 70 tầng ở Tokyo trong khi một hãng kiến trúc ở Anh đang đề xuất một dự án cao ốc gỗ cao 80 tầng ở ngay London.

 Việc chế biến gỗ khối nay đã trở thành một ngành phát triển nóng. Từ năm 2014 đến nay đã có 18 hãng chuyên sản xuất gỗ khối ra đời tại Mỹ và Canada; ở châu Âu con số này có thể cao hơn. Thị trường toàn cầu của gỗ khối là vào khoảng 956 triệu đô la vào năm 2020, dự kiến sẽ tăng trưởng 13,6% hàng năm từ 2021 đến 2028, theo một nghiên cứu của Grand View Research.

 Hiện nay việc dùng gỗ thay cho bê tông để xây cao ốc vẫn còn tốn kém hơn, như chi phí xây tòa nhà Mjøstårnet là vào khoảng 130 triệu đô la, cao hơn chừng 11% so với trường hợp sử dụng bê tông cốt thép. Nhưng nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng dùng gỗ sẽ dần rẻ hơn dùng các loại vật liệu khác, nhất là khi địa điểm xây dựng gần với nhà máy sản xuất gỗ khối.

 Đó là bởi dùng gỗ, chủ đầu tư không cần mất thời gian chờ bê tông khô như khi dùng vật liệu truyền thống; kiến trúc sư tòa nhà Sara cho biết họ tiết kiệm được nguyên một năm cả về thời gian xây dựng lẫn ngày công. Tuy nhiên lợi điểm này chỉ đúng với các nước dư thừa nguồn gỗ như Canada, Áo hay Đức chứ Dubai mà xây nhà bằng gỗ thì tiền vận chuyển gỗ từ nước ngoài về sẽ đội giá thành tăng vọt.

 Vì gỗ nhẹ hơn nên dự án tòa nhà Milwaukee chỉ cần đóng 100 cọc làm móng thay vì phải cần đến 200 cọc nếu dùng bê tông. Đổ sàn bê tông cần từ 30-40 công nhân trong khi dựng sàn gỗ chỉ cần 10 người. Tuy nhiên cũng vì gỗ nhẹ quá nên lại đặt ra một bài toán khác: kiến trúc sư tòa nhà Mjøstårnet cho rằng các tầng trên của tòa nhà cần có sàn bằng bê tông để tạo sức nặng cho tòa nhà. Bằng không, mặc dù cấu trúc tòa nhà vẫn an toàn nhưng nếu làm toàn bằng gỗ thì mỗi khi có gió mạnh, người sống ở các tầng trên cao sẽ thấy chao đảo như ngồi trên thuyền.

 Các tòa nhà cao ốc bằng gỗ không phải là không có những điểm yếu. Với nỗi lo hỏa hoạn dễ xảy ra ở các cao ốc bằng gỗ, các chuyên gia xây dựng khẳng định gỗ khối đã qua xử lý sẽ chống cháy rất tốt. Tuy nhiên các tường và sàn gỗ đều được khuyến cáo nên lót một lớp vật liệu cách nhiệt, chống cháy để an toàn hơn.

 Các cột chống chịu lực của các tòa nhà bằng gỗ cũng lớn hơn cột bê tông nhiều, làm giảm diện tích hữu ích của tòa nhà. Cũng có luồng dư luận lo ngại xu hướng sản xuất gỗ khối mở rộng sẽ dẫn tới nạn khai thác rừng bừa bãi, gây hại cho môi trường. Cân nhắc mức độ khai thác và sử dụng gỗ vào xây dựng là một việc khó nếu đằng sau nó có động lực thương mại.

 

Nguyễn Vũ/KTSG

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :158
Tổng lượt truy cập : 15,870