Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Trong 5 năm trở lại đây, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của hầu hết nông dân trồng lúa, hoa màu và cây ăn trái. Từ lợi ích thiết thực của việc áp dụng sản xuất trên cây trồng theo hướng hữu cơ, ông Nguyễn Hữu Chính, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) sớm chuyển vườn bưởi da xanh canh tác truyền thống, sang canh tác theo hướng hữu cơ, góp phần đem về nguồn thu nhập tốt cho gia đình.

 Mo hinh trong buoi

Ông Nguyễn Hữu Chính, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên vườn bưởi da xanh canh tác theo hướng hữu cơ đang vào mùa cho trái. Ảnh: THÚY LIỄU

Khu vườn trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Hữu Chính có diện tích 0,7ha. Bưởi đã được 9 năm tuổi và thu hoạch trái hơn 5 năm qua. Trong suốt quá trình trồng đến khi bưởi cho thu hoạch trái được 1, 2 năm, ông Chính canh tác theo truyền thống. Mặc dù cây bưởi được bổ sung phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên nhưng năng suất trái không tăng, cây tăng trưởng chậm. Đất dưới gốc cây ngày một cứng hơn, khi bón phân vào cây khó hấp thu, dẫn đến cây bưởi phát triển không như mong đợi. Được ngành chuyên môn hướng dẫn, ông Chính đã chọn theo quy trình VietGAP và áp dụng quy trình trồng bưởi theo hướng hữu cơ đã được 3 năm qua.

Ông Nguyễn Hữu Chính chia sẻ: “Năm 2019, 2020, vườn bưởi của gia đình tôi được Tập đoàn Quế Lâm khảo sát và lựa chọn hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ Quế Lâm bón cho cây bưởi, kèm theo các loại thuốc sinh học dùng trên thân cây. Ngoài ra, tập đoàn còn cử cả cán bộ của tập đoàn hỗ trợ kỹ thuật trồng bưởi trong suốt quá trình canh tác. Cùng với đó, công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm trái sau thu hoạch. Trong 2 mùa vụ (năm 2019, 2020), vườn bưởi sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ và thuốc sinh học nên cây bưởi phát triển tốt, chất lượng trái đạt tiêu chuẩn loại 1 chiếm hơn 90%, đem về sản lượng 4 tấn/0,7ha/năm. Giá trái bưởi được Tập đoàn Quế Lâm thu mua từ 38.000 - 42.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/vụ/năm. Năm 2022, vườn bưởi của gia đình tôi đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ phân bón hữu cơ. Nhờ đó việc canh tác bưởi rất thuận lợi, đảm bảo cây sinh trưởng tốt khi sử dụng lượng phân bón hữu cơ liên tục, đặc biệt là giúp giảm chi phí canh tác. Tính riêng mùa vụ năm 2022, sản lượng bưởi thu về hơn 5 tấn, trừ hết chi phí lợi nhuận trên 120 triệu đồng. Mùa vụ bưởi năm 2023, cây đang cho trái, ước tính sản lượng sau thu hoạch tầm 6 tấn trái, Tập đoàn Quế Lâm sẽ bao tiêu đầu ra”.

Kinh nghiệm trồng bưởi theo hướng hữu cơ của ông Chính là ngoài sử dụng phân hữu cơ của công ty, ông còn bổ sung thêm phân bò cho cây. Phân bò khi sử dụng bón cho cây bưởi phải được xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật và tuân thủ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Vườn bưởi phải đào rãnh thoát bước, để vào mùa mưa lượng nước mưa thoát nhanh, tránh tình trạng vườn bị ngập lâu trong nước. Bên cạnh đó, để tiết kiệm thời gian tưới vườn nên gắn hệ thống tưới phun tự động, mùa nắng tưới vườn 2 lần/tuần. Thăm vườn thường xuyên, khi phát hiện cây gặp bệnh mới phun thuốc phòng trị.

Ông Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng nhìn nhận, vườn bưởi da xanh áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Hữu Chính được xem là mô hình rất thành công và hiệu quả kinh tế đem lại cho nhà vườn rất tốt. Vì qua nhiều vụ theo dõi sản xuất, vườn bưởi luôn đạt năng suất tăng theo từng năm, đặc biệt là trái ngon ngọt, lượng nước trong múi bưởi luôn đảm bảo. Từ thực tế mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ của ông Hữu Chính đạt hiệu quả như trên, tới đây đơn vị sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.

THÚY LIỄU (Nguồn: Báo Sóc Trăng)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 23
Truy cập trong 7 ngày :103
Tổng lượt truy cập : 12,810