Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Sau nhiều năm trồng và chăm sóc vườn cam, quýt nhưng hiệu quả mang lại không cao, đôi lúc ông Trần Văn Bền, ấp Phương Bình 2, xã Hưng Phú (Mỹ Tú) cảm thấy chán nản. Thế nhưng, với sự “đồng hành” của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) về vốn và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thôi thúc ông tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp và ông đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

 Nhờ chăm sóc tốt nên đàn dê của gia đình ông Trần Văn Bền (Mỹ Tú) ngày càng tăng đàn và cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUANG BÌNH

 Ông Bền đã tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng tránh các bệnh thường gặp ở loài dê trên các trang mạng xã hội, trên internet. Khi điều kiện đã sẵn sàng, ông bắt tay ngay vào việc thực hiện mô hình. Theo ông Bền, vào năm 2013 - 2014, gia đình trồng cây cam, quýt (trước là cây tràm, cây mía) nhưng hiệu quả kinh tế không cao và cây đã hư hết. Sau đó, đứa con trai học xong đại học về phụ tiếp gia đình và tình cờ trong lần lên mạng internet thấy mô hình nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao nên ông quyết tâm thực hiện. Ngoài kỹ thuật nuôi thì cái khó nhất lúc đó là vốn cũng được “gỡ” khi gia đình được Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Tú cho vay vốn để thực hiện mô hình.

 “Khi mới khởi nghiệp với mô hình, gia đình tôi chỉ có trong tay 7 con dê. Trong những ngày đầu chuyển sang nuôi dê, mình cũng gặp không ít khó khăn vì phải tính toán làm thế nào để đàn dê phát triển tốt và có đầu ra ổn định. Nhưng với sự quyết tâm của bản thân nên những trở ngại ban đầu rồi cũng trôi qua. Kết quả qua nhiều năm tích cực chăm sóc, đàn dê của gia đình cũng tăng lên đến 80 con” - ông Bền bộc bạch.

 Qua tìm hiểu được biết, nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn nên người nuôi vẫn có thời gian làm việc khác; hơn nữa dê sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn. Chuồng trại nuôi dê được làm đơn giản, với diện tích khoảng 40m2/chuồng; vật dụng chủ yếu là gỗ tạp, mái lợp lá hoặc tôl. Điều đặc biệt là chuồng dê làm phải cao ráo, cách 1m so với mặt đất và làm theo kiểu chuồng sàn. Các thanh gỗ lát sàn có khe hở để bảo đảm phân và nước thải lọt xuống. Đối với dê sinh sản, phải bám sát chu kỳ và lập sổ ghi chép kỹ lưỡng quá trình phối giống cũng như sinh sản của đàn dê. Cũng theo ông Bền, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà. Vì dê là loài ăn tạp nên mình có thể không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn mà chỉ tốn công cắt cỏ và xắt nhỏ thân cây chuối để cho dê ăn.

 Chia sẻ với chúng tôi về đầu ra của con dê, ông Bền phấn khởi: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt khá “rộng cửa” khi có nhiều thương lái đến gia đình để tìm mua dê tận chuồng. Theo đó, dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 40kg/con, bán với giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Ngoài nuôi dê thịt, gia đình tôi còn cung cấp ra thị trường dê giống cho bà con trong và ngoài huyện, cũng như ngoài tỉnh. Dê giống được nuôi khoảng 6 tháng tuổi là có thể xuất bán với giá 3 triệu đồng/con”.

 Với cách làm hiệu quả nêu trên, mỗi năm gia đình ông Bền xuất chuồng khoảng 30 con dê các loại, thu về trên 100 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi dê, gia đình ông Bền còn kết hợp nuôi thỏ và trồng cây ăn trái. Việc nuôi dê, nuôi thỏ giúp gia đình ông tận dụng được nguồn phân để bón cho vườn cây xanh tốt, giúp tăng thêm thu nhập.

 Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Hưng Phú nói riêng và toàn huyện Mỹ Tú nói chung thời gian qua có nhiều triển vọng. Để hỗ trợ bà con nông dân, Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Tú đã cung cấp đầy đủ nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, phục vụ mục đích tiêu dùng cho bà con, góp phần giúp bà con có vốn sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

QUANG BÌNH (Nguồn: Báo Sóc Trăng)

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :158
Tổng lượt truy cập : 15,870