Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Từ các phong trào thiết thực, nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã xuất hiện và được nhân rộng, quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, không cam chịu đói nghèo. Những CCB không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, không có vốn, thiếu vật tư sản xuất, kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, khoa học kỹ thuật đôi lúc lúng túng trong việc chọn hướng làm ăn. Trước tình hình đó, các cấp hội đã triển khai thực hiện phong trào với nhiều việc làm sáng tạo với mục tiêu chủ yếu hướng đến là CCB đều có đời sống vật chất đạt mức trung bình khá trở lên.

 Do không sử dụng thuốc trừ sâu nên ổi của CCB Phan Văn Thắng được nhân dân địa phương rất thích. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

 Một trong những điển hình tiêu biểu về tinh thần của CCB trong lao động, chuyển đổi sản xuất là CCB Phan Văn Thắng, ở xã Vĩnh Lợi. Ông Thắng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 5 công ruộng, chủ yếu là trồng lúa, thu nhập khá bấp bênh. Năm 2017, con tôi đi làm ở tỉnh Long An, thấy có mô hình làm vườn hiệu quả nên khuyên vợ chồng tôi chuyển đổi không trồng lúa nữa. Lúc đầu, tôi cũng hơi lo ngại vì mình là nông dân chỉ biết bám lấy cây lúa, không thành công thì gia đình sống sao. Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi cũng quyết định thực hiện”. Ông Thắng tận dụng phần đất sau nhà liền kề đất ruộng để lên liếp, trên thì trồng ổi, dưới ao thì trồng bông súng, nuôi cá, có lúc hai vợ chồng rớt nước mắt vì lo lắng. Lần thu hoạch đầu tiên dù chỉ là bông súng nhưng cũng đủ vui vì thành quả lao động được đền đáp. Khi vườn ổi ra hoa, kết trái mang lại nguồn thu ngoài sức mong đợi thì ông mới biết mình đã đi đúng hướng.

 Mô hình trồng chanh không hạt cũng đang được Hội CCB huyện Thạnh Trị nhân rộng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Theo lời ông Thắng, hiện tại nguồn thu từ bán ổi và bông súng mỗi ngày cho thu nhập ít nhất 500.000 đồng. Ông cho biết bí quyết để bán đắt hàng: “Ổi tôi trồng cho trái quanh năm và toàn hàng sạch. Trong quá trình chăm sóc, trái nào sâu thì hái bỏ, không sử dụng thuốc, vị ổi ngọt nên bà con ở đây rất thích. Mỗi lần hái vài chục ký nhưng tôi chỉ chạy xe bán lẻ một lúc là xong, chỉ riêng tiền bán bông súng mỗi ngày đã đủ cho việc chi tiêu, lo cho cháu đi học”. Thấy được mô hình chuyển đổi hiệu quả, CCB Phan Văn Thắng được Hội CCB huyện xét cho vay 70 triệu đồng, có thêm vốn, ông bắt tay vào cải tạo, mở rộng số lượng cây ăn trái, trong đó có thêm dừa, chuối… Đặc biệt, thực hiện mô hình “Sản xuất quanh nhà” do Hội CCB tỉnh phát động, ông còn tận dụng thêm phần đất trống phía trước, hai bên nhà để trồng thêm rau màu, chăn nuôi gà, vịt, vừa có nguồn thực phẩm vừa tăng thu nhập gia đình.

Theo ông Nguyễn Hoàng Bé Ba - Chủ tịch Hội CCB huyện Thạnh Trị, hiện tại Hội CCB huyện đã xây dựng được 4 mô hình chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, được Hội CCB tỉnh đánh giá cao như: mô hình đa canh, mô hình trồng chanh không hạt, trồng màu trong nhà lưới, nuôi lươn. Đây là những mô hình tương đối dễ làm, có thể tận dụng đất trống xung quanh nhà để thực hiện nên đang được nhân rộng trong hội viên. Khi trồng lúa giá cả bấp bênh thì việc mạnh dạn chuyển đổi theo đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là phù hợp. Có được nền tảng vốn, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều CCB đã bắt tay vào làm kinh tế, những mô hình sản xuất từ nhỏ đến lớn nhanh chóng được định hình và phát triển. Khi kinh tế ổn định, những hội viên có điều kiện đã góp vốn, gây quỹ nội bộ nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện các hoạt động tình nghĩa như hỗ trợ xây nhà, sửa nhà, thăm viếng lúc ốm đau. 

 

Phước Liễu (Nguồn: Báo Sóc Trăng)

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 41
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,873