17/11/2022 Lượt xem: 158
Tăng trưởng của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2017 thực tế không chỉ là phục hồi sau khi nhóm ngành này gặp khó khăn do thiên tai trong năm 2016, mà còn bứt phá - cao hơn mức tăng trưởng bình quân của chính nó trong giai đoạn 2005-2017 (2,9% so với 2,8%).
Năm 2017, xuất khẩu rau quả tăng 43%. Ảnh: NGUYỄN NAM Năm 2017, Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật hơn cả là GDP tăng 6,81% - mức cao nhất trong bảy năm qua - trong khi mục tiêu đặt ra là 6,7%. Nhìn trên góc độ sản xuất, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 được lợi từ nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Giá trị tăng thêm của nhóm ngành này tăng đến 14,4%. Chính nhóm ngành này khiến toàn ngành công nghiệp tăng 7,85% mặc dù công nghiệp khai khoáng giảm hơn 7%. Điểm sáng nữa là nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từng bước được phục hồi và bức phá sau đợt hạn hán khốc liệt năm 2016. Tăng trưởng của nhóm ngành này trong năm 2017 ước tính là 2,9% (năm 2016 tăng trưởng 1,36%, năm 2015 tăng trưởng 2,41%). Ngành thủy sản tăng trưởng tốt nhất (5,5%) trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng cao kéo cả nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân của nhóm ngành này trong giai đoạn 2005-2017 (2,9% so với 2,8%). Giá trị tăng thêm của thủy sản thậm chí còn tăng cao hơn tăng trưởng về sản lượng thủy sản (5,54% so với 5,2%). Điều này xảy ra do xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, dẫn đến giá trị sản xuất tăng cao hơn sản lượng (ước tính giá trị sản xuất của nhóm ngành thủy sản tăng 5,8%).
Như vậy, việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành thủy sản đã mang lại hiệu quả tích cực. Đây là bước đầu rất quan trọng tạo đà cho những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có tổng giá trị xuất khẩu đạt tới hơn 36 tỉ đô la Mỹ, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu những sản phẩm chính của ngành đều tăng, như xuất khẩu gạo tăng 23%, hạt điều tăng 24%, rau quả tăng 43%, gỗ tăng 9,2%, cao su tăng 36%, thủy sản tăng 19%.
Nhưng trong thắng lợi này, một điểm cần chú ý là tuy giá trị xuất khẩu (tính theo đô la Mỹ như trên) tăng rất cao nhưng giá trị tăng thêm chỉ tăng ở mức khiêm tốn (2,9%). Điều này cho thấy chi phí sản xuất của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản rất cao. Nếu giảm được chi phí đầu vào thì nhóm ngành này sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng. Cũng chính vì lý do chi phí sản xuất cao mà trong năm 2017 toàn ngành nông nghiệp nói chung chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP 0,24 điểm phần trăm. Theo tính toán của tôi, nếu tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung giảm 5 điểm phần trăm (tức là tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của nhóm ngành này tăng lên 5 điểm phần trăm) thì tỷ lệ đóng góp của ngành này vào tăng trưởng sẽ khoảng 1 điểm phần trăm. Như vậy, mơ ước tăng trưởng GDP đạt trên 7% cũng sẽ trong tầm tay. Lưu ý rằng nếu tăng trưởng từ yếu tố này thì sẽ bền vững hơn rất nhiều. Chẳng hạn, chỉ cần thay đổi chính sách thuế đối với các các ngành sản xuất sản phẩm làm đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống... thì sẽ khiến chi phí sản xuất của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 2-3 điểm phần trăm. Tăng cường đầu tư cải tiến quy trình công nghệ để giảm chi phí và phát thải nhà kính thì triển vọng chi phí sản xuất của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 5-7 điểm phần trăm là hoàn toàn khả thi. Về mặt cơ cấu, có thể thấy rõ cơ cấu của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 18,4% năm 2010 xuống còn 15,3% năm 2017. Việc chuyển đổi cấu trúc kinh tế ba nhóm ngành trong GDP theo hướng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng dần thường được xem là thành tích đối với các cấp, các ngành. Chính vì định hướng như vậy nên lượng đầu tư vào nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản rất thấp. Năm 2005 đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 8% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đến năm 2017 tỷ trọng này chỉ còn khoảng 6%, trong khi đó vốn cho khu vực công nghiệp và xây dựng cũng như dịch vụ đều chiếm 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội Trong khi đó, về nguyên tắc, một ngành được xem là ngành có tầm quan trọng tương đối với nền kinh tế là những ngành có chỉ số lan tỏa, độ nhạy cao nhưng lại lan tỏa đến nhập khẩu thấp và lan tỏa đến giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là nhóm ngành duy nhất đáp ứng yêu cầu này; còn nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tuy lan tỏa đến giá trị sản xuất cao nhưng lại lan tỏa đến giá trị tăng thêm rất kém. Hàm lượng giá trị tăng thêm trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn trong xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo khá nhiều, tuy giai đoạn hiện nay hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có giảm sút do chính sách thuế chưa thực sự tạo thuận lợi cho nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có tất cả các chỉ số về kinh tế như độ lan tỏa, độ nhạy đến sản xuất và giá trị tăng thêm rất tốt nhưng cũng là nguyên nhân cơ bản gây nên phát thải nhà kính (cao hơn mức bình quân của nền kinh tế 2,2 lần). Nhóm ngành này cần nguồn lực về chính sách, vốn, lao động chất lượng cao và dự báo thị trường tốt để tiến tới tái cơ cấu hơn nữa trong nội bộ. Cấu trúc ba nhóm ngành lớn trong GDP để hướng tới phát triển bền vững nên là dịch vụ, nông nghiệp và cuối cùng là công nghiệp. Bùi Trình/TBKTSG
‘Cô Dừa’ đưa nông sản Việt vào mỹ phẩm ( 22/04/2024 )
Những nguyên liệu như dầu dừa, hoa bưởi, củ gừng, củ nghệ, cây sả, hoa hồng, trái chúc… qua bàn tay tinh chế của chị Ngô Thị Kiều Dương đã trở thành những loại mỹ phẩm phù hợp với làn da phụ nữ Việt. Hiện trong mỗi loại mỹ phẩm của công ty có đến 60-70% hàm lượng nông sản từ địa phương....
Từ một triển lãm, mơ về những startup Việt khỏe khoắn ( 15/04/2024 )
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) và Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM (Whise) đã diễn ra vào cuối tháng 11/2023 vừa qua tại TPHCM, với 200 gian hàng của các startup công nghệ của Việt Nam và Hàn Quốc....
Cô gái Đất Thép bén duyên cùng nấm ( 28/02/2024 )
Khi còn làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), vùi đầu vào công việc và phải thường xuyên thức khuya để chạy dự án, chị bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Sau thời gian dài chữa trị mà bệnh hầu như không thuyên giảm, tương lai gần như khép lại khi một chân bị liệt và không thể di chuyển. Được một người em tặng một ít nấm linh chi uống thử, chị Hiế...
Tăng trưởng kinh tế dưới tác động của sản phẩm trí tuệ ( 19/01/2024 )
Các nguyên thủ quốc gia toàn cầu không ngừng tìm kiếm các chính sách giúp kích cầu tăng trưởng kinh tế, tập trung vào đổi mới sáng tạo là một hướng đi vô cùng được ưu tiên. Điều này thể hiện rõ trong việc Liên minh châu Âu (EU) ra Chính sách phát triển thị trường kỹ thuật số hoặc Trung Quốc ban hành chính sách đổi mới sáng tạo trong kế hoạch năm nă...
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 43
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,873
|