29/08/2023 Lượt xem: 194
Câu chuyện về đấu giá bằng sáng chế là không mới trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2023, trên Cổng thông tin điện tử quốc gia của Bộ tư pháp về đấu giá tài sản thì chưa có thông tin đấu giá công khai nào về tài sản vô hình. Điều này đặt ra câu hỏi liệu đấu giá bằng sáng chế có khả thi tại nước ta?
Đấu giá bằng sáng chế là chuyện không mới trên thế giới. Chẳng hạn ở Trung Quốc, phiên đấu giá bằng sáng chế đầu tiên được tổ chức trên sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc (CTEX) cách đây chừng 13 năm, vào ngày 16-12-2010. Trước đó một chút, buổi đấu giá sáng chế đầu tiên tại Ấn Độ đã diễn ra vào ngày 28-8-2010. Đạo luật Bằng sáng chế 1970 của Ấn Độ cho phép chủ sở hữu bằng sáng chế được phép bán phát minh của họ cho các bên khác theo những điều khoản đã được thỏa thuận chung. Còn tại Mỹ, phiên đấu giá sở hữu trí tuệ trực tiếp lần đầu do Ocean Tomo LLC (hoạt động trong lĩnh vực tài sản trí tuệ và các tài sản vô hình khác) tổ chức tại San Francisco vào tháng 4-2006. Các lĩnh vực công nghệ được lựa chọn để đấu giá bằng sáng chế bao gồm: thực tế tăng cường/thực tế ảo (augmented reality/virtual reality), mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things), xe tự lái (autonomous vehicle), phương tiện truyền thông (media), trung tâm dữ liệu (data center), chất bán dẫn (semiconductor), trưng bày (display), viễn thông (telecommunications). Những khó khăn trong đấu giá bằng sáng chế Đấu giá bằng sáng chế phức tạp hơn với tỷ lệ thành công thấp so với đấu giá hàng hóa thông thường. Thực trạng tại nhiều quốc gia cho thấy thử thách lớn nhất khi tổ chức một cuộc đấu giá bằng sáng chế là tìm kiếm người mua phù hợp. Thông thường, trước khi tổ chức phiên đấu giá, bên tổ chức phải xác định người mua phù hợp tại phiên đấu giá và những thông tin về bằng sáng chế đã được cung cấp đầy đủ và chính xác cho đúng người mua. Khác với các phương thức chuyển giao công nghệ truyền thống như giao dịch thỏa thuận hoặc thương lượng, đấu giá bằng sáng chế có phạm vi bao quát rộng hơn, tính minh bạch cao hơn và đấu thầu công khai. Chính vì vậy, quy trình thẩm định đấu giá bằng sáng chế có thể lâu hơn và nội dung thẩm định chi tiết hơn. Ngoài ra, trong đấu giá tài sản vô hình nói chung và đấu giá bằng sáng chế nói riêng, việc định giá tài sản phải đối mặt với thực tiễn của thị trường và nhu cầu từ người tham gia tại buổi đấu giá. Trong thực tế các cuộc đấu giá, đôi khi, cùng một bằng sáng chế nhưng phải đấu giá nhiều lần, đó là do mức giá ban đầu đưa ra quá cao và sau đó được điều chỉnh lại ở mức phù hợp. Sự cần thiết của đấu giá bằng sáng chế ở Việt Nam Ở nước ta, pháp luật về đấu giá tài sản đã được quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 và Nghị định 62/2017/NĐ-CP. Về nguyên tắc đấu giá tài sản, cuộc đấu giá phải bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Ngoài ra, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá được bảo vệ hợp lý. Giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản được tổ chức đấu giá xác định theo ủy quyền của người có tài sản đấu giá. Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực ASEAN (trừ Singapore), đấu giá bằng sáng chế vẫn chưa phổ biến tại thị trường Việt Nam. Dù vậy, sáng chế lại là một trong bốn đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký bảo hộ nhiều nhất, theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến cuối năm 2021. Việt Nam bảo hộ sáng chế dưới hai hình thức là bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Cũng theo số liệu của Cục sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn 1981-2021, số bằng độc quyền sáng chế đã cấp là 31.033/91.164 đơn đăng ký; trong giai đoạn 1989-2021, số bằng độc quyền giải pháp hữu ích đã cấp là 2.800/7.805 đơn đăng ký. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tăng dần qua từng năm cho thấy nhu cầu bảo hộ sáng chế của người Việt ngày càng tăng. Cùng với đó, số đơn khiếu nại liên quan đến quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích trong giai đoạn 2011-2021 là 419 đơn. Con số này tuy chưa nhiều như các nước phát triển nhưng cũng đưa ra cảnh báo cho việc cần thiết hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với đối tượng quyền sở hữu công nghiệp này. Về định hướng phát triển, trong Quyết định 2205/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ là một nội dung thiết yếu. Việt Nam đang đặt mục tiêu thương mại hóa tài sản trí tuệ như động lực khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế. Để chuẩn bị cho hoạt động đấu giá bằng sáng chế, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu về sáng chế và tích hợp hoạt động đấu giá sáng chế trên sàn giao dịch này. Hiện đã có nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (là sản phẩm thuộc Chương trình 2075 – Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ) , tuy nhiên, chuyên mục sàn giao dịch chỉ mới tồn tại dưới hình thức trang thông tin, chưa xây dựng dữ liệu cũng như triển khai giao dịch. Vì vậy, các cơ quan và tổ chức được ủy quyền thực hiện cần hoàn thiện dữ liệu và ứng dụng giao dịch đấu giá bằng sáng chế. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng cần có cơ chế quản lý rõ ràng. Trong thời gian tới, Chính phủ cần hoàn thiện một khung pháp lý cho hoạt động đấu giá bằng sáng chế. Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về đấu giá tài sản vô hình. Bảo hiểm bằng sáng chế Những năm trở lại đây, bảo hiểm bằng sáng chế là sản phẩm kinh doanh mới tại nhiều quốc gia phát triển. Một thống kê cho thấy thị trường bảo hiểm bằng sáng chế toàn cầu có mức thu phí bảo hiểm hàng năm khoảng 50-60 triệu đô la Mỹ, trong đó Mỹ chiếm khoảng 50%, EU và châu Á lần lượt chiếm 40% và 10%( ). Bảo hiểm bằng sáng chế phổ biến hơn ở Trung Quốc và Singapore. Hiện bảo hiểm bằng sáng chế được phân làm hai loại: bảo hiểm phòng thủ (defensive coverage) và bảo hiểm thực thi (enforcement coverage). Bảo hiểm phòng thủ là bảo hiểm phòng ngừa rủi ro phải chi trả chi phí kiện tụng và các khoản bồi thường thiệt hại nếu bên được bảo hiểm (bị đơn) bị kiện vì sử dụng bằng sáng chế của nguyên đơn bất hợp pháp. Bảo hiểm thực thi là bảo hiểm về những khoản chi phí kiện tụng của nguyên đơn theo đuổi bị đơn đã sử dụng bằng sáng chế của nguyên đơn bất hợp pháp. Kết quả một khảo sát của Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) thực hiện vào năm 2017 cho thấy tính phổ biến của sản phẩm bảo hiểm sở hữu trí tuệ tại EU còn hạn chế, nhưng vẫn có tiềm năng mở rộng phạm vi kinh doanh. Bên cạnh đó, giảm phí bảo hiểm được xem là một yếu tố quan trọng hấp dẫn những người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, với số lượng lớn bằng sáng chế hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn có thể kỳ vọng về một thị trường triển vọng đối với sản phẩm bảo hiểm bằng sáng chế. Các vấn đề mà cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét để chuẩn bị cho sự phát triển của sản phẩm kinh doanh này: Một là, hoàn thiện quy định quốc gia đối với pháp luật về sáng chế. Gần đây, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định một nội dung về sản phẩm bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện cho các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội. Cùng với mục tiêu tăng cường khai thác và xúc tiến thương mại trong chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Quyết định 2205/QĐ-TTg ngày 24-12-2020) thì Chính phủ nên có những chính sách khuyến khích và gợi mở các tổ chức, cá nhân trên thị trường tham gia bảo hiểm bằng sáng chế. Hai là, cơ sở dữ liệu về sáng chế cần được xây dựng và quản lý hiệu quả. Bên cạnh những lợi ích, bảo hiểm bằng sáng chế cũng có những hạn chế tồn tại cần được quy định rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm bằng sáng chế, đặc biệt là vấn đề cân bằng quyền lợi giữa bên mua bảo hiểm và những quy định hạn chế nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng. Việc xây dựng dữ liệu đầy đủ và quản lý công khai sẽ góp phần tạo sự an tâm cho bên tham gia bảo hiểm bằng sáng chế, thu hút nhà đầu tư góp vốn kinh doanh, cũng như tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy phát triển thị trường. Hoàng Nam/KTSG
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt ( 11/12/2024 )
STO - Ngày 10/12, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt. Tham dự có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăn...
Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành năm 2024 ( 11/11/2024 )
Sáng ngày 9/11, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh, Sở Công Thương Sóc Trăng tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành năm 2024. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đặng Thành Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cùng...
Thống nhất thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho một số sản phẩm trái cây chủ lực tỉnh Sóc Trăng” ( 30/10/2024 )
Sáng ngày 30/10, tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Sóc Trăng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tư vấn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho một số sản phẩm trái cây chủ lực tỉnh Sóc Trăng”. Tham dự cuộc họp có đồng chí...
Nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất cây vú sữa tím ở huyện Kế Sách ( 18/10/2024 )
Cây vú sữa là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) với diện tích hơn 2.200 ha, sản lượng khoảng 34.000 tấn/năm. Trong đó, giống vú sữa Tím có diện tích 1.493 ha, chiếm gần 68% tổng diện tích trồng vú sữa....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 19
Truy cập trong 7 ngày :135
Tổng lượt truy cập : 16,885
|