Banner Ngày 24/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Ngày 28-9-2022, tại tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”, do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, kinh doanh trên môi trường mạng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc gặp phải, đặc biệt là khi phải đối mặt với những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở nước ngoài.

Bao ve SHTT tren moi truong mang

Tất nhiên, đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Môi trường mạng không chỉ là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty sản xuất nội dung giải trí, cũng như là công cụ quảng bá thương hiệu quan trọng hàng đầu cho doanh nghiệp, nó còn là mảnh đất màu mỡ cho các vi phạm quyền SHTT. Hơn nữa, khi chủ sở hữu quyền SHTT và người vi phạm ở hai quốc gia khác nhau, thì lại càng khó khăn cho doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là đối với các doanh nghiệp còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm pháp lý.

Trong buổi tọa đàm nói trên, một số doanh nghiệp Việt Nam nêu lên những rắc rối pháp lý khi thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền SHTT ở nước ngoài, như vấn đề bằng chứng trước tòa hay trước nền tảng chia sẻ YouTube, hay vấn đề thẩm quyền tòa án. Không chỉ thế, việc theo đuổi thủ tục kiện tụng ở nước ngoài cũng gây ra những phí tổn đáng kể cho doanh nghiệp. Theo một số chuyên gia, cần đặt trọng tâm vào vấn đề đăng ký quyền SHTT, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đăng ký quyền SHTT chỉ là một mắt lưới nhỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số điểm sau:

Xây dựng chiến lược bảo vệ quyền SHTT

Nhiều doanh nghiệp non trẻ thường không có chiến lược cụ thể để bảo hộ quyền lợi bản thân, mà hay đợi có vi phạm mới phản ứng. Tuy nhiên, đến lúc đó thì lại đã khá muộn. Ngay từ khi tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được hình thành, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể, từ lưu giữ bằng chứng sáng tạo, bằng chứng chuyển nhượng quyền (nếu có) đến xác định thị trường kinh doanh và tìm hiểu các quy định pháp lý áp dụng để bảo vệ quyền lợi. Nếu như có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, thì cần đảm bảo giữ bí mật sáng tạo cho đến khi có biện pháp cụ thể đảm bảo xác định quyền SHTT.

Trong môi trường mạng, khi biên giới quốc gia bị xóa nhòa, doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn khi quyền SHTT bị vi phạm bởi đối thủ cạnh tranh là doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài khởi kiện hay bị bác bỏ đơn đăng ký vì vô tình tạo ra nội dung hay sử dụng nhãn hiệu tương tự có thể gây nhầm lẫn với nội dung, nhãn hiệu đã có. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú ý đến vấn đề tìm hiểu, tra cứu tài sản trí tuệ đã được bảo hộ, để tránh rơi vào tình trạng… tình ngay lý gian.

Đăng ký quyền SHTT

Trong môi trường mạng, quyền SHTT bị vi phạm nhiều nhất chính là quyền tác giả, và sau đó là nhãn hiệu. Các doanh nghiệp cần lưu ý rằng, nếu như nhãn hiệu bắt buộc phải đăng ký mới được bảo hộ, thì đối với quyền tác giả lại không hẳn như vậy. Theo điều 5 (2) của Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam là thành viên thì việc hưởng và thực hiện các quyền tác giả “không lệ thuộc vào một thể thức, thủ tục nào”. Điều đó có nghĩa là nếu như tác giả không làm thủ tục đăng ký quyền tác giả tại cơ quan có thẩm quyền, thì tác phẩm vẫn được bảo hộ theo đúng luật định. Nếu có tranh cãi trước tòa về quyền tác giả, thì bất cứ bằng chứng sáng tạo nào cũng có thể được sử dụng, chứ không nhất quyết phải là giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý luật của một số quốc gia. Nếu như thủ tục đăng ký quyền tác giả hoàn toàn không tồn tại ở các nước Liên minh châu Âu, ở Singapore, có tồn tại nhưng không bắt buộc ở một số nước như Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc…, thì ở Mỹ và Ấn Độ đăng ký quyền tác giả là điều kiện để khởi kiện vi phạm quyền tác giả.

Tương tự, nếu như nhãn hiệu có thể được đăng ký ở phạm vi quốc gia, khu vực và cả quốc tế, thì không tồn tại cơ chế đăng ký quyền tác giả quốc tế nào như một số người lầm tưởng. Vì thế, doanh nghiệp cần chú ý xác định thị trường nước ngoài và tìm hiểu rõ về luật định tại nước sở tại, để có chiến lược bảo vệ quyền SHTT phù hợp và hiệu quả, vì mức độ bảo hộ cũng như các biện pháp khiếu nại dành cho tác giả trong việc bảo hộ quyền của mình sẽ hoàn toàn do quy định của luật pháp nước đó.

Bảo vệ quyền SHTT

Trên môi trường mạng, việc quản lý và bảo vệ quyền SHTT có thể mang nhiều hình thức khác nhau, như sử dụng các biện pháp kỹ thuật cho phép ngăn chặn hoặc theo dõi vi phạm, hay khởi kiện trước tòa.

Trong trường hợp khởi kiện, cần chú ý đến vấn đề lưu giữ bằng chứng vi phạm, vì rất dễ xóa bỏ bằng chứng trong môi trường mạng. Các doanh nghiệp cũng nên tính toán so sánh ưu điểm và nhược điểm khi khởi kiện, cũng như chi phí và thời gian bỏ ra so với tiền đền bù thiệt hại có thể đạt được.

Khi vi phạm có yếu tố nước ngoài, vấn đề thẩm quyền của tòa án cũng là yếu tố quan trọng, vì khởi kiện… sai chỗ sẽ gây thiệt hại không nhỏ về mặt tài chính. Vì thế, các doanh nghiệp nên xây dựng đội ngũ chuyên viên pháp lý am hiểu luật nước ngoài, để được tư vấn đúng và có phản ứng hiệu quả khi bị vi phạm quyền SHTT trên môi trường mạng.

 Thiên Hương/KTSG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 24
Truy cập trong 7 ngày :132
Tổng lượt truy cập : 12,689