14/04/2025 Lượt xem: 51
Sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi mà các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên cấp bách. Ở Sóc Trăng, khu vực I – sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, do vậy việc xây dựng và phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững là cấp thiết hiện nay.
Sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của đất và cải thiện đời sống của nông dân góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Mô hình thuộc Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại xã Long Đức, huyện Long Phú
Trong thời gian qua các mô hình sản xuất xanh và bền vững ở Sóc Trăng đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận gồm: Mô hình “con tôm ôm cây lúa” phát triển thành “lúa thơm, tôm sạch”, ở huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bền vững. Theo đó, chất thải sau vụ nuôi trong ao tôm là nguồn phân bón rất tốt để sản xuất lúa thơm; còn trong mùa vụ trồng lúa, rễ lúa hút các dưỡng chất giúp làm sạch đáy ao và gốc rạ của vụ lúa để lại giúp sinh ra tảo là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Đặc biệt khi sử dụng nấm xanh để trừ sâu rầy trong canh tác thì có thể sản xuất được lúa thơm hữu cơ vừa “ngon” vừa “lành”. Mối quan hệ cộng sinh giữa con tôm với cây lúa là quy trình khép kín, tạo ra tôm sạch và hạt lúa hữu cơ, đúng với tên gọi “lúa thơm, tôm sạch”. Khi vùng nuôi tôm liên kết với nhà máy chế biến tôm xây dựng thành vùng nguyên liệu thì vỏ tôm có thể tận dụng để sản xuất chitin giúp chuỗi sản xuất tuần hoàn càng hiệu quả hơn. Mô hình sản xuất lúa - tôm nhằm tạo ra nông sản an toàn, giảm ô nhiễm môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, được đánh giá là mô hình canh tác thông minh, phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường.
Trong khi đó tại vùng ngọt huyện Kế Sách, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, bền vững cần được nhân rộng là tận dụng rơm rạ để trồng nấm các loại, rơm rạ sau trồng nấm được ủ thành phân bón hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái. Đây chính là nội dung quan trọng trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 đang được triển khai hiện nay. Các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng đã và đang xây dựng các mô hình của đề án với quy mô ban đầu tối thiểu là 50 ha. Vụ Hè thu 2024, tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, mô hình thí điểm trên giống ST25, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa, giảm lượng khí phát thải 9.505kg CO2 tương đương/ha/vụ; giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… trong khi năng suất tương đương với canh tác truyền thống nên nông dân tham gia đề án thu được lợi nhuận gần 49 triệu đồng/ha, cao hơn 12% so với diện tích sản xuất ngoài mô hình.
Liên quan đến định hướng chiến lược quản lý rơm rạ trong Đề án 1 triệu hecta, tại diễn đàn tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ, hỗ trợ Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, mục tiêu của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Ông Tùng nhấn mạnh rằng nông nghiệp tuần hoàn là một trong các tiêu chí quan trọng tăng thu nhập, tăng bền vững và giảm phát thải. Vì vậy, giải pháp quản lý rơm rạ hiện nay là tăng cường thu gom và tận dụng rơm rạ cho các mục đích khác như làm phân bón hữu cơ, nguyên liệu sản xuất, chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng từ rơm rạ để nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu gom và xử lý rơm rạ để tăng hiệu quả và giảm chi phí.
Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ do Sở Nông nghiệp và PTNT nay là Sở nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng triển khai từ năm 2022 đến nay. Mục tiêu chung của đề án này là sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, của khu vực và trên thế giới nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn phục hồi độ màu mỡ của đất, cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Mô hình sản xuất tổng hợp bò – trùn quế - cỏ/bắp – gia cầm – cá được thực hiện ở nhiều địa phương. Trong mô hình này, nông hộ tận dụng phân bò tươi (phụ phẩm chăn nuôi) để nuôi trùn quế; lấy phân trùn quế làm phân bón trồng cỏ/bắp cho bò ăn. Khai thác thịt trùn quế làm thức ăn bổ sung cho gia cầm, cá… đang đem lại hiệu quả cao và bền vững ở các khu vực có đàn bò tập trung.
Ứng dụng chế phẩm EB-Ko trên sầu riêng tại huyện Kế Sách
Gần đây nhất là các mô hình do Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kế Sách thực hiện trong năm 2024 sử dụng chế phẩm EBL (Ecosystem Balanced Livestock: Chăn nuôi cân bằng hệ sinh thái) - ứng dụng trong chăn nuôi và EB-Ko (Ecosystem Balanced – Korea: Cân bằng hệ sinh thái – công nghệ Hàn Quốc) - áp dụng trong trồng trọt, Đây là công nghệ kỹ thuật sinh thái tuần hoàn tự nhiên được áp dụng trong trồng trọt và chăn nuôi đã được công nhận và sử dụng rộng rãi tại Hàn Quốc. Theo đó, chế phẩm EB-Ko giúp giải độc mặn cho đất, hóa giải các hóa chất độc hại đã sử dụng trong quá trình canh tác (thuốc trừ cỏ, Paclobutrazol…) khắc phục tình trạng suy thoái đất do sử dụng hóa chất nông nghiệp, tăng khả năng miễn dịch thực vật, giúp cây tăng trưởng tốt hơn. Kết quả cho thấy: Trên cây lúa EB-Ko làm tăng năng suất lúa 10-35%: trên cây sầu riêng số trái loại I tăng gấp 1,64 lần và năng suất thực thu tăng thêm 26% so với đối chứng (70,3 so với 55,4 kg/cây) và trên cây xoài số trái loại I tăng 16% so với đối chứng. Còn chế phẩm EBL áp dụng trong chăn nuôi đem lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thức ăn, vật nuôi mau lớn, giảm mùi hôi, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, tăng chất lượng, hương vị thịt, giảm chi phí sản xuất: mùi hôi xung quanh chuồng giảm rõ rệt, giảm khoảng 80% so với khi chưa ứng dụng EBL. Heo thịt sử dụng chế phẩm EBL tăng trọng nhanh hơn 47.95% so với nuôi bình, thường rút ngắn thời gian nuôi khoảng 10 ngày so với không bổ sung EBL. Heo nái phát triển tốt, tỷ lệ đậu thai và mang thai 100%; số con sinh ra trung bình 11 con/ heo mẹ/lứa. Tổng chi phí giảm 391.000/heo thịt. Trong khi nuôi gà có sử dụng chế phẩm kích cỡ đồng đều, lông bóng mượt, màu sắc đặc trưng; gà sử dụng EBL khi xuất chuồng nặng hơn từ 150 -200g/con so với không sử dụng; lượng thức ăn thấp hơn từ 100-150g/con.
Sự kiện sáp nhập giữa ngành Nông nghiệp và PTNT với ngành Tài nguyên và Môi trường cũng nhằm mục tiêu sản xuất nông nghiệp phải bền vững hơn thông qua bảo vệ sức khỏe đất và bảo vệ môi trường. Sự hợp lực của hai ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường là sự gắn kết chức năng quản lý sản xuất và kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn, với chức năng quản lý tổng hợp về tài nguyên và môi trường vừa thích ứng kịp thời với xu thế toàn cầu, vừa khởi tạo không gian giá trị mới theo xu hướng tuần hoàn và bền vững.
Các chức năng quản lý nông nghiệp, điều hành sản xuất và chức năng quản lý tổng hợp về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trước đây được tách ra tương đối độc lập ở hai ngành khác nhau, thì giờ đây, đã nối kết lại trở thành một. Nói cách khác, từ một trong hai (một việc có cả trong hai ngành), nay hợp nhất trở thành “hai trong một”. Sự hợp nhất này đem lại những giá trị mới: Thay vì xử lý chất thải nông nghiệp tốn kém do phát sinh thêm chi phí, giờ được tái chế, tái sử dụng thành tài nguyên, tạo ra sản phẩm mới, nâng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp và thương hiệu nông sản. Môi trường canh tác và sinh hoạt ở nông thôn nhờ thế mà trở nên xanh, trong lành và đáng sống hơn.
Sau khi hợp nhất hai ngành, tin tưởng rằng các mô hình sản xuất xanh và bền vững tại Sóc Trăng sẽ tiếp tục được nhân rộng và đem lại hiệu quả ngày càng cao hơn./.
Vũ Bá Quan
Kế Sách: trao Giấy chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã nông nghiệp Xóm Đồng 2 ( 02/04/2025 )
![]()
Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kế Sách phối hợp cùng Công ty cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện và Ủy ban nhân dân xã Thới An Hội tổ chức trao Giấy chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Xóm Đồng 2. Theo đó, loại sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP là trái vú sữa, d...
“Cha đẻ” của hộp cơm mo cau và câu chuyện phía sau đó ( 26/02/2025 )
![]()
Quảng Ngãi nổi tiếng là "xứ ngàn cau" khi sở hữu hơn 2.000ha, được trồng chủ yếu tại hai huyện Sơn Tây và Nghĩa Hành. Bình thường, người dân chỉ thu hoạch trái cau để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Còn mo cau rơi rụng khắp nơi, bị xem là phế phẩm và không có giá trị kinh tế....
Trồng cây ra quả dại mà lại giàu lên, lời 100 triệu/tháng, một người Sóc Trăng tạo ra việc làm cho lối xóm ( 24/02/2025 )
![]()
Cây cà na là loại mọc hoang dại hoặc được trồng ven sông rạch ở ĐBSCL, ít hiệu quả kinh tế, chế biến thành món ăn vặt.Tuy nhiên, loại cây dại này đã giúp anh anh Ngô Tuấn Thanh ở phường 7, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có thu nhập 100 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thu nhập tốt hơn cho nông dân...
Dự kiến khánh thành Khu Công nghiệp Trần Đề vào ngày 25/4/2025 ( 24/02/2025 )
![]()
STO - Sáng ngày 22/2, các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị khánh thành, đưa Khu Công nghiệp (KCN) Trần Đề vào sử dụng và khởi công xây dựng 2 nhà ...
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 31
Truy cập trong 7 ngày :163
Tổng lượt truy cập : 18,932
|