13/01/2025 Lượt xem: 15
Huyện Kế Sách có các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong sản xuất cây ăn trái: Điều kiện tự nhiên về địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn thuận lợi cho phát triển cây ăn trái; hệ thống thủy lợi, đê bao ngày càng được xây dựng hoàn chỉnh và nông dân có nhiều kinh nghiệm làm vườn, đã giúp huyện Kế Sách trở thành vùng cây ăn trái chủ lực của tỉnh với diện tích 18.429 ha - chiếm hơn 50% tổng diện tích cây ăn trái của cả tỉnh.
Bước ngoặt trong sản xuất cây ăn trái của huyện được ghi dấu ấn vào năm 2018: Lô hàng trái vú sữa tươi đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính Hoa Kỳ. Từ 2018 đến nay huyện Kế Sách tiếp tục duy trì sản lượng vú sữa xuất khẩu hàng năm thuộc tốp đầu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, trái bưởi, thanh nhãn, sầu riêng cũng được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc.
Để phát huy thế mạnh của kinh tế vườn cây ăn trái trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tăng và yêu cầu của thị trường về chất lượng, mẫu mã của trái cây ngày càng cao; ngành nông nghiệp đã và đang chuyển giao, vận động nhà vườn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Theo đó, các kỹ thuật canh tác được áp dụng phổ biến gồm: Sử dụng giống tốt, bón bổ sung phân hữu cơ, phân trung, vi lượng, tưới nước tiết kiệm, bao trái, rải vụ…
Bao trái và tưới tiết kiệm nước
Cây giống cây ăn trái là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, tuổi thọ và hiệu quả kinh tế của vườn cây. Do vậy, nhà vườn và ngành nông nghiệp rất quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc của cây giống cây ăn trái. Trên địa bàn huyện, có 5 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, cung ứng giống cây ăn trái đạt tiêu chuẩn cho nhà vườn trong huyện.
Việc bón bổ sung phân hữu cơ và trung, vi lượng giúp cây tăng khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi, hạn, mặn; tăng năng suất, chất lượng trái cây. Theo thống kê, tỷ lệ diện tích vườn bón bổ sung phân hữu cơ tăng nhanh, từ 9,1% năm 2018 lên 71,8% năm 2024. Trong khi đó, hiện nay 100% nhà vườn bón bổ sung thêm phân trung, vi lượng cho vườn cây ăn trái.
Nhằm thích ứng với điều kiện hạn, mặn; nhà vườn khu vực bị ảnh hưởng mặn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nhằm tiết kiệm nước và công lao động. Qua khảo sát, tỷ lệ diện tích vườn ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm đã tăng từ 0,4% (2018) lên 5,2% (2024). Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với Chi nhánh Điện lực huyện Kế Sách hỗ trợ nhà vườn đăng ký điện sản xuất để vận hành hệ thống tưới.
Qua vận động và kết quả từ thực tiễn sản xuất, biện pháp bao trái được nhiều nhà vườn đồng tình và diện tích áp dụng ngày càng tăng. Giải pháp bao trái đang được áp dụng trên nhiều loại cây như: Ổi, mận, vú sữa, xoài, mít, bưởi… với các loại túi bao phù hợp. Theo đó, túi nylon trong sử dụng để bao ổi, mận, vú sữa; túi vải lưới để bao cho bưởi, vú sữa; túi giấy bao trái xoài; túi lưới cước sử dụng để bao trái mít, sầu riêng… Đến nay 100% diện tích ổi và mận hàng hóa được bao trái; tỷ lệ bao trái vú sữa là 76% diện tích; các loại trái xoài, bưởi, mít tỷ lệ bao trái chiếm 10-30% diện tích. Biện pháp bao trái góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng vì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được giảm thiểu rất nhiều so với không bao trái. Ông Sử Quốc Lộc (ấp 3, xã Trinh Phú) nhận định: “Với thời điểm bao 60 ngày trước khi thu hoạch thì bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái, không nhiễm ruồi đục trái nên trái vú sữa đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu”. Trên cây sầu riêng, ông Trần Văn Lễ - Giám đốc HTX Trinh Lợi (xã Ba Trinh) nhận xét: “Quan sát thực tế cho thấy các trái được bao bằng túi lưới cước có màu sắc đẹp hơn (sạch và sáng), không bị nhiễm rệp sáp, sâu đục trái; trái phát triển bình thường; đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu trái tươi”.
Việc ra hoa và thu hoạch theo mùa vụ tự nhiên khiến sản lượng thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn dẫn đến cung vượt cầu, dội chợ, rớt giá; trong khi các tháng còn lại trái cây cung ứng ra thị trường bị gián đoạn. Nhằm cung ứng sản phẩm trên thị trường thường xuyên hơn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tăng giá trị cho sản phẩm trái cây, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu và hướng dẫn nhà vườn thực hiện biện pháp rải vụ trên cây ăn trái. Hiện nay, các loại cây đã thực hiện rải vụ gồm: Xoài, nhãn (Edor, Tiêu da bò), cây có múi, ổi, mận; bước đầu thực hiện rải vụ đối với vú sữa và sầu riêng.
Song song đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các hợp tác xã (HTX) xây dựng mã số vùng trồng giúp trái cây có “giấy thông hành” để xuất khẩu. Hiện nay, trên cây ăn trái có 45 mã số vùng trồng đã được công nhận, với diện tích 431 ha của 453 hộ, trên các loại cây vú sữa, bưởi, nhãn, sầu riêng và xoài. Có 9 HTX được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo Quy trình VietGAP cho các loại cây gồm: Nhãn, bưởi, xoài, vú sữa, sầu riêng, cam với diện tích 257,17ha. Đồng thời, có 9 HTX được cấp nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc đối với các loại trái cây chủ lực.
Thành quả của việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật trên đây giúp 6 loại trái cây của Kế Sách đạt sản phẩm OCOP 4 sao và 01 loại trái cây là sản phẩm OCOP 3 sao; hàng năm cung ứng xuất khẩu chính ngạch hơn 150 tấn trái cây tươi và hàng trăm tấn cung ứng cho phân khúc chất lượng cao của thị trường trong nước (siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp).
Sản phẩm OCOP 4 sao
Với việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất cây ăn trái ở Kế Sách đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp; qua đó nâng cao giá trị các sản phẩm trái cây chủ lực của huyện./.
Vũ Bá Quan
Ghép chui cành: phương pháp nhân giống vô tính cây ăn trái có nhiều ưu điểm vượt trội ( 08/01/2025 )
Những năm gần đây, nhân giống vô tính cây ăn trái bằng phương pháp ghép chui cành (còn gọi là ghép treo cành) được nhiều nhà vườn và cơ sở sản xuất cây giống áp dụng phổ biến do có nhiều ưu điểm như hệ số nhân giống cao, thời gian sản xuất nhanh, cây giống khỏe và sớm cho trái. Trong khi nghệ nhân tạo kiểng từ cây ăn trái ưa thích phương pháp ghép ...
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt ( 11/12/2024 )
STO - Ngày 10/12, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt. Tham dự có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăn...
Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành năm 2024 ( 11/11/2024 )
Sáng ngày 9/11, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh, Sở Công Thương Sóc Trăng tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành năm 2024. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đặng Thành Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cùng...
Thống nhất thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho một số sản phẩm trái cây chủ lực tỉnh Sóc Trăng” ( 30/10/2024 )
Sáng ngày 30/10, tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Sóc Trăng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tư vấn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho một số sản phẩm trái cây chủ lực tỉnh Sóc Trăng”. Tham dự cuộc họp có đồng chí...
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 23
Truy cập trong 7 ngày :146
Tổng lượt truy cập : 17,198
|