Banner Ngày 15/1/2025
Thông báo về việc xúc tiến tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện năm 2025 ( 14/01/2025 )

Những năm gần đây, nhân giống vô tính cây ăn trái bằng phương pháp ghép chui cành (còn gọi là ghép treo cành) được nhiều nhà vườn và cơ sở sản xuất cây giống áp dụng phổ biến do có nhiều ưu điểm như hệ số nhân giống cao, thời gian sản xuất nhanh, cây giống khỏe và sớm cho trái. Trong khi nghệ nhân tạo kiểng từ cây ăn trái ưa thích phương pháp ghép này do tỷ lệ ghép thành công rất cao.

 

Phương pháp ghép chui cành áp dụng trong sản xuất giống các loại cây ăn trái phổ biến như nhãn, xoài, vú sữa, mận, mít, mãng cầu ta…

 

Nhân giống cây ăn trái bằng phương pháp ghép chui cành

Chuẩn bị gốc ghép

Gốc ghép được trồng trong bầu (tốt nhất là trồng từ hột), chăm sóc để gốc ghép mạnh khỏe, không nhiễm sâu bệnh. Khi gốc ghép có đường kính khoảng 5-10mm là đạt tiêu chuẩn để ghép.

 

Chuẩn bị cây mang cành ghép

Cây cung cấp cành ghép phải là cây được công nhận là cây đầu dòng, bảo đảm chất lượng theo quy định tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Chọn cành ghép tốt, không nhiễm sâu bệnh, có đường kính tương đương với đường kính của gốc ghép.

 

Thao tác ghép và chăm sóc

Cây gốc ghép được cắt phần thân lá phía trên, chừa lại đoạn gốc khoảng 10cm (Hình 1). Sử dụng dao ghép thật bén để vát thành hình nêm tại vị trí sẽ chui vào cành ghép (Hình 2). Tại vị trí cành ghép có đường kính tương tương với đoạn gốc ghép, tiến hành cắt vát từ dưới lên đoạn dài hơn đoạn hình nêm của gốc ghép một chút; chỗ sâu nhất của vết vát bằng ½ đường kính cành ghép. Liền sau đó, cho đoạn hình nêm của gốc ghép “chui” vào phần cắt vát trên cành ghép; sử dụng dây nylon hoặc băng keo chuyên dụng để quấn chặt tại vị trí ghép nhằm cố định gốc ghép và cành ghép, đồng thời tránh nước làm ướt vị trí ghép (Hình 3). Có thể dùng dây treo bầu của gốc ghép vào cây (cho cành ghép). Trong mùa nắng cần phải tưới cho bầu của gốc ghép đủ ẩm.

 

Sau khi ghép khoảng 2-3 tháng, gốc ghép và cành ghép tiếp hợp tốt, liền da thì cắt cành ghép xuống và đưa vào chăm sóc 3-4 tuần trong nhà ươm dưỡng để có được cây giống đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng cung ứng cho thị trường (Hình 4). Trong nhà ươm dưỡng, cần sử dụng lưới để che bớt 50% ánh sáng và che chắn xung quanh không để bị gió lùa nhằm giúp cây giống sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Tạo kiểng bon sai từ cây ăn trái bằng phương pháp ghép chui cành

Bên cạnh việc sản xuất cây giống, phương pháp ghép chui cành còn được áp dụng trong sản xuất cây kiểng bonsai từ cây ăn trái. Theo đó, trên một gốc/thân chính có thể ghép nhiều chủng loại (cùng giống) khác nhau. Chẳng hạn trên cây nhãn, nghệ nhân chọn gốc là Long nhãn (đã được tạo dáng, thế đẹp), sau đó sẽ ghép các loại nhãn khác được trồng trong bầu (nhãn tím, thanh nhãn, nhãn xuồng…) lên cành của Long nhãn. Sau khoảng 1-2 tháng, khi vị trí ghép liền da, tiếp hợp tốt, thì cắt bỏ bầu của cây ghép; lúc này cành ghép sẽ được gốc ghép Long nhãn nuôi sống.

 

Tương tự, nghệ nhân có thể tạo kiểng cây ăn trái đối với các loại cây như: Bưởi, mãng cầu ta, mận, ổi...

 

Điểm khác biệt của ghép chui cành để sản xuất cây kiểng là nghệ nhân cắt bỏ bầu, chỉ để lại cành ghép trên cây gốc ghép; trong khi đó, ghép chui cành để nhân giống thì cắt lấy cành của cây đầu dòng, giữ lại gốc ghép (trồng trong bầu).

 

Phương pháp ghép chui cành đang được nhà vườn, nghệ nhân tiếp tục cải tiến và ngày càng được áp dụng phổ biến tại Đồng bằng sông Cửu Long./.

 

Vũ Bá Quan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 22
Truy cập trong 7 ngày :148
Tổng lượt truy cập : 17,196