Banner Ngày 27/12/2024
Thông báo Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện vào năm 2025 ( 09/12/2024 )

Cây vú sữa là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) với diện tích hơn 2.200 ha, sản lượng khoảng 34.000 tấn/năm. Trong đó, giống vú sữa Tím có diện tích 1.493 ha, chiếm gần 68% tổng diện tích trồng vú sữa.

 

Từ niên vụ 2018 đến nay, sản phẩm vú sữa tím được các hợp tác xã (HTX) cung ứng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng bình quân khoảng 120 tấn/năm, cung cấp cho phân khúc chất lượng cao ở thị trường trong nước hàng trăm tấn mỗi năm. Phần còn lại tiêu thụ ở phân khúc bình dân của thị trường trong nước. Khi vào vụ thu hoạch rộ, vú sữa thường bị rớt giá. Để hạn chế tình trạng “trúng mùa, thất giá”, “dội chợ” khi thu hoạch rộ, bên cạnh việc tăng diện tích rải vụ thì chế biến sản phẩm từ vú sữa là một giải pháp quan trọng giúp nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất cây vú sữa, tăng thu nhập cho nhà vườn.

 

Dự án “Mô hình phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm từ cây vú sữa” góp phần khắc phục khó khăn nêu trên. Dự án được Khoa Công nghệ Hóa học & Thực phẩm - Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kế Sách và HTX Nông nghiệp Trinh Phú phối hợp thực hiện. Đây là dự án của mối liên kết 3 nhà: nhà khoa học, nhà nước và nhà nông trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Kế Sách, được tài trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. 

 

Mục tiêu chung của dự án là nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất cây vú sữa, tăng thu nhập cho nhà vườn thông qua việc khai thác các bộ phận như thịt trái, hạt và lá vú sữa để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm; góp phần hạn chế tình trạng dội chợ khi thu hoạch rộ.

 

Mục tiêu cụ thể của dự án gồm: Giúp nhà vườn trong hợp tác xã chuẩn hóa qui trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển vú sữa; phát triển và cải tiến chất lượng sản phẩm chế biến từ trái vú sữa; tư vấn chế biến sản phẩm từ phụ phẩm của trái vú sữa. Hỗ trợ hợp tác xã phát triển một số sản phẩm mới từ cây và trái vú sữa; trang bị kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; tư vấn về sử dụng, vận hành dụng cụ, thiết bị dùng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh vú sữa. Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm thực phẩm từ trái vú sữa; nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm từ trái vú sữa. Đồng thời, thông qua hoạt động của dự án giúp nâng cao kiến thức khoa học công nghệ thực phẩm cho sinh viên, cán bộ kỹ thuật tham gia dự án.

 

Đến nay, dự án đã triển khai các nội dung: Chuyển giao Quy trình chăm sóc cây, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển trái vú sữa; tập huấn kiến thức về xử lý và điều kiện bảo quản trái vú sữa, chế biến và phát triển sản phẩm truyền thống từ vú sữa. Dự án cũng vừa chuyển giao và hướng dẫn HTX sử dụng hiệu quả thiết bị, máy trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ trái vú sữa (Hình 1)

 

Thiết bị, máy trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ trái vú sữa

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kha Chấn Tuyền - Chủ nhiệm dự án, song song với các nội dung trên, dự án đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm từ vú sữa gồm 4 nhóm (Hình 2) như sau:

 

 

- Sản phẩm chế biến từ thịt trái vú sữa: Vú sữa sấy dẻo, Nectar vú sữa. Jelly vú sữa.

 

- Sản phẩm chế biến từ hạt vú sữa: Trà túi lọc thảo mộc từ hạt vú sữa, muối mè nhân hạt vú sữa, sữa từ hạt vú sữa, nước uống dinh dưỡng từ hạt vú sữa.

 

- Sản phẩm chế biến từ vỏ quả vú sữa gồm: Mứt, ô mai, xí muội, snack, kẹo dẻo, kẹo marshmallow, khô vỏ vú sữa tẩm gia vị, chất xơ từ vỏ vú sữa bổ sung vào thực phẩm.

 

- Sản phẩm chế biến từ lá vú sữa gồm: Các loại trà túi lọc từ lá vú sữa (các loại hương: cam thảo, xoài, lá dứa, cỏ ngọt), trà sữa từ lá vú sữa, nước lá vú sữa cô đặc.

 

Trong thời gian tới dự án sẽ tiếp tục chuyển giao các máy thiết bị khác, thăm dò thị trường để chọn ra 1 – 2 sản phẩm/nhóm; đồng thời, hỗ trợ HTX thương mại hóa sản phẩm thực phẩm từ vú sữa. Về phía huyện Kế Sách sẽ hỗ trợ các sản phẩm được (thị trường chấp nhận) tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

 

Song song với việc tăng diện tích sản xuất rải vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ, thì giải pháp chế biến các sản phẩm từ vú sữa sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất cây vú sữa ở huyện Kế Sách./.

Vũ Bá Quan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 19
Truy cập trong 7 ngày :137
Tổng lượt truy cập : 16,885