Banner Ngày 27/12/2024
Thông báo Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện vào năm 2025 ( 09/12/2024 )
 25/10/2023 Lượt xem: 214

Thị trường tín chỉ phát thải carbon tỉ USD đang tạo cơ hội và cả thách thức cho Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero.

Theo World Bank, vào đầu năm 2023, 23% lượng khí thải trên thế giới được tính bằng tín chỉ carbon, tăng từ con số 5% trong năm 2010. Sự mở rộng đang tăng tốc khi trong những năm tới ngày càng có nhiều quốc gia định giá carbon và các chương trình hiện có sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận. Đầu tháng 10, EU đã đưa ra một chính sách mang tính đột phá “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) quy định đến năm 2026, sẽ bắt đầu tính giá carbon đối với tất cả hàng nhập khẩu. Mỹ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào năm 2024.

 Net Zero

Thị trường carbon hiện có khoảng 40 quốc gia, khu vực đang triển khai, với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Ảnh: Quý Hòa

“Hiệu ứng domimo” CBAM 

Thị trường carbon hiện có khoảng 40 quốc gia, khu vực đang triển khai, với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Theo động lực này, thị trường carbon đang tăng tốc mở rộng theo nhiều hình thức. Đầu tiên, các chính phủ đang tạo ra các thị trường và thuế mới đối với carbon. Vào tháng 4, Nhật đã phát động một thị trường quốc gia tự nguyện về bù đắp lượng khí thải carbon. Những doanh nghiệp tham gia chiếm khoảng 40% lượng ô nhiễm của nước này; việc đấu giá định mức carbon cho ngành năng lượng sẽ bắt đầu vào năm 2033.

Thứ 2, các nước có thị trường ổn định hơn đang tăng cường các chính sách liên quan. Vào ngày 24/9, Trung tâm Chiến lược Khí hậu Quốc gia của Trung Quốc đã thông báo kế hoạch kinh doanh khí thải lớn nhất thế giới, chuyển từ carbon của nhà máy điện than sang tính tổng lượng khí thải.

Cuối cùng là các chương trình mua bán carbon xuyên biên giới, trong đó CBAM đang được đánh giá là chương trình tiên tiến nhất. Trong giai đoạn thí điểm của CBAM, các nhà nhập khẩu nhôm, xi măng, điện, phân bón, hydro, sắt và thép sẽ cần phải báo cáo lượng khí thải. Sau đó, từ năm 2026 các nhà nhập khẩu này sẽ phải trả thuế liên quan.

 Net Zero

World Bank cho biết, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ khiến thị trường tín chỉ carbon sẽ trở nên sôi động. Ước tính, giá của sản phẩm này khoảng 50 USD/tấn CO2e và có thể tăng lên mức trung bình 120-150 USD/tấn CO2e đến năm 2035, đạt tới 250 USD/tấn CO2e vào năm 2050. Đây là mức giá mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải tự quyết định nên giảm lượng khí thải hay sẽ tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền cho lượng phát thải đó.

Chọn giá đúng cho tín chỉ carbon của Việt Nam

Các chương trình như CBAM tạo ra “hiệu ứng domino” đối với việc định giá carbon ở cấp doanh nghiệp và cả cấp độ quốc gia. Cơ chế CBAM được cảnh báo sẽ tác động nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ phát thải cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng... Về lâu dài, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng để bao gồm cả phát thải gián tiếp và nhiều lĩnh vực khác cũng như các sản phẩm sử dụng nhiều carbon. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: “Đây là xu hướng chung của thế giới và không thể đảo ngược được. Tốt hơn hết là chúng ta nên chủ động, ngay cả với ngành mà chưa phải áp thuế”.

Việt Nam mới ra mắt Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) của một tập đoàn tư nhân, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp chủ động thích ứng với chính sách thương mại về môi trường quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế.

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc, Trưởng Bộ phận ESG của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết doanh nghiệp tiên phong cam kết phát thải ròng bằng 0 hoặc giảm thiểu carbon sẵn sàng mua tín chỉ carbon từ những lĩnh vực như trồng rừng hoặc năng lượng tái tạo hoặc thu hồi, tái chế nhựa, túi nylon... Quy mô của thị trường tự nguyện mua tín chỉ carbon trên toàn cầu hiện khoảng 2 tỉ USD và giá tín chỉ carbon trong những năm gần đây tăng rất cao. Tại Việt Nam hiện có 2 dự án bán tín chỉ ra quốc tế là dự án ở Bắc Trung Bộ giá khoảng 6 USD và dự án ở Quảng Nam là 10 USD/tín chỉ.

Theo Đề án “Phát triển thị trường tín chỉ carbon” do Bộ Tài chính dự thảo, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Bên cạnh đó, giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa với giá tín chỉ giao dịch tại EU hay Mỹ. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng nếu bán hết tín chỉ carbon với giá thấp như hiện nay thì sau này Việt Nam sẽ phải mua lại với giá đắt hơn. Việt Nam có tiềm năng phát triển rừng tạo ra tín chỉ carbon nhưng phát thải lại cao hơn nhiều nước trên thế giới.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hình thành thị trường carbon trong nước giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới.

Sức ép của thị trường tín chỉ carbon buộc doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tối đa nguồn thải ra môi trường nếu muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ ở các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ.

Thanh Trực/nhipcaudautu.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 19
Truy cập trong 7 ngày :136
Tổng lượt truy cập : 16,885