Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Áp lực đè nặng lên các nhà sản xuất khi đứng trước nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh chiến lược. “Sản xuất thế hệ tiếp theo” sẽ là lời giải…

Ngay khi lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại thị trường Việt Nam, nhà chế tác trang sức Julie Sandlau đã tìm đến FPT để triển khai nhà máy thông minh. Nhà máy này mang kỳ vọng tạo ra đột phá trong dây chuyền sản xuất trang sức thông qua chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I), tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), chuỗi khối (blockchain)... Theo ông Soren Roed Pedersen, Tổng Giám đốc Julie Sandlau, khoản đầu tư chiến lược này cũng sẽ giúp Công ty nhanh chóng mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam Á. 

San xuat thong minh

Một sự thay đổi kiến tạo đang diễn ra trong bối cảnh sản xuất ngày nay. Ảnh: Quý Hoà.

Hình thành công xưởng công nghệ

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp như Julie Sandlau đang tăng cường đầu tư áp dụng công nghệ, phát triển nhà máy thông minh, mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực.

Xu hướng này được chứng minh qua con số dòng vốn chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022 vào Việt Nam với hơn 16,8 tỉ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn như dự án của Samsung ở Thái Nguyên, các dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện ở Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng... 

Việt Nam đang bước đầu trở thành “công xưởng công nghệ” khi thu hút nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung, LG, Nokia, Foxconn hay Luxshare... Xu hướng này tiếp tục tăng trưởng vì theo tính toán của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2023, có thể thu hút 36-38 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.

Ông Seck Yee Chung, thành viên Ban Quản trị Nhóm công tác kinh tế số Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh dấu bởi công nghệ mới đột phá trong một số lĩnh vực bao gồm dữ liệu lớn, robotics, A.I, công nghệ nano, công nghệ sinh học, internet vạn vật (IoT), in 3D, xe tự lái... đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Những trụ cột này đang tạo ra nền tảng sản xuất mới, qua đó tác động tới năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia.

Khảo sát gần đây của Roland Berger (Munic, Đức) cho thấy những giám đốc điều hành của các công ty sản xuất có doanh thu hơn 500 triệu USD đang chịu áp lực thường xuyên hơn so với các công ty nhỏ hơn (68-76% so với 38%). Đặc biệt, ở Đông Á, các giám đốc công ty kỳ vọng vào những cơ hội khi các xu thế hiện hữu sẽ tái định hình hoạt động sản xuất: ở Trung Quốc và phần còn lại của châu Á (trừ Trung Quốc), con số này lần lượt là 86% và 81%, trong khi EU báo cáo 71% và Mỹ chỉ là 67%.

Một sự thay đổi kiến tạo đang diễn ra trong bối cảnh sản xuất ngày nay. 6 xu hướng lớn đã hội tụ và đạt đến điểm bùng phát: sự bền vững, đột phá ngành, địa phương hóa, cá nhân hóa, chủ nghĩa dân túy, số hóa... Mặc dù mỗi yếu tố đặt ra một thách thức riêng, chúng cũng mở ra cơ hội cho khối công ty sản xuất. Bằng cách giải quyết và khai thác các xu hướng, các công ty có thể bước vào kỷ nguyên sản xuất thông minh (hay sản xuất thế hệ tiếp theo, Next Generation Manufacturing) và đạt được lợi thế cạnh tranh.

Chuyển hóa gánh nặng thành lợi thế

Ông Marcus Berret, Giám đốc Điều hành toàn cầu của Roland Berge, cho biết: “Các công ty đang tái cơ cấu sản xuất nhằm mang lại cơ hội chuyển hóa từ gánh nặng thành lợi thế cạnh tranh”.

Trong khu vực, nhiều nước đang chạy đua quyết liệt để nâng chỉ số sản xuất thông minh quốc gia. Chẳng hạn, Malaysia đã đưa ra Chính sách quốc gia về thích ứng với công nghiệp 4.0, trong đó Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) xây dựng chính sách Industry4WRD. Indonesia thúc đẩy chương trình “Making Indonesia 4.0” (Kiến tạo Indonesia 4.0) nhằm vượt qua những thách thức trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

San xuat thong minh

Philippines xây dựng tầm nhìn của Chiến lược công nghiệp đổi mới toàn diện (i3S) nhằm phát triển khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới và tìm kiếm sự đổi mới tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và các ngành dịch vụ. Thái Lan đã đưa ra sáng kiến Thái Lan 4.0 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến và đang phát triển khác. Chương trình này nhằm khuyến khích các công ty sản xuất sử dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến như đổi mới, kết nối, tự động hóa, robot, A.I, dữ liệu lớn...

Việt Nam đã xây dựng tầm nhìn về sản xuất thông minh thông qua Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phát động chương trình Make in Vietnam với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Không ít doanh nghiệp đã và đang thành công với mô hình sản xuất thông minh như VinFast, Thaco, Vinamilk, TH True Milk...

Hoặc có hàng chục doanh nghiệp đang nhận sự hỗ trợ của Samsung để phát triển nhà máy thông minh, gia tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu... Nghiên cứu mới đây của Tập đoàn Ericsson dự báo, hơn 2/3 nhà sản xuất toàn cầu sẽ di chuyển tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, trong đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Roland Berger, để kích hoạt việc triển khai hiệu quả những đòn bẩy giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất thông minh, điều quan trọng là phải có một số điều kiện tiên quyết nhất định. Hầu hết các điều kiện tiên quyết này khác nhau giữa các quốc gia dựa trên những quyết định chính trị, cơ sở hạ tầng và các yếu tố kinh tế xã hội.

 San xuat thong minh

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phát động chương trình Make in Vietnam với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Ảnh: TL.

Để đánh giá tốt hơn mức độ liên quan của 6 xu hướng lớn cũng như sự sẵn có của những yếu tố hỗ trợ này ở các quốc gia khác nhau, Roland Berger đã tạo ra một khung KPI toàn diện với 26 chỉ số khác nhau - Ra-đa chỉ số sản xuất thông minh quốc gia (NGM). Trong đó, Việt Nam được đánh giá thuận lợi về địa điểm nhưng còn nhiều việc phải làm để có nền tảng sẵn sàng chuyển đổi sang sản xuất thông minh.

Ông Darryl James Dong, Chuyên gia Tài chính trưởng của IFC tại Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh hiện tại, mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất thông minh nhìn chung còn chưa cao. Quá trình chuyển đổi này là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính và nhân lực. Theo ông David Liden, Trưởng đại diện Business Sweden, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung áp dụng những công nghệ tân tiến và sáng tạo nhất, nhưng chuyển đổi số chỉ thực sự hiệu quả nếu được thực hiện đúng hướng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những đối tác họ đã và đang làm việc cùng để xác định đâu là điểm giao nhau giữa nhu cầu của họ và công nghệ sẵn có.

Thanh Trực/Nhipcaudautu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 43
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,873