Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Các tỉ phú công nghệ đang đổ tiền vào các nghiên cứu giúp con người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Khi Nir Barzilai bắt đầu chuyên sâu về nghiên cứu chống lão hóa cách đây 30 năm, mọi thứ chỉ là hy vọng. Bây giờ nhà khoa học Israel - Mỹ này tin rằng thế giới đang sắp biến hy vọng thành hiện thực khi ông đã tìm ra loại thuốc ngăn cản tác động từ già hóa - một quá trình được xem là không thể tránh khỏi. “Không còn là hy vọng và hứa hẹn mà chúng ta đang ở ngưỡng giữa hứa hẹn và hiện thực hóa nó”, Nir Barzilai, Giám đốc Viện Nghiên cứu Già hóa tại Đại học Y Albert Einstein, nói. Ông dự định triển khai một cuộc thử nghiệm quy mô lớn để xem tra liệu metformin - một loại thuốc generic trị tiểu đường giá rẻ - có thể trì hoãn các căn bệnh như đột quỵ, suy tim, ung thư, sa sút trí tuệ, thậm chí cái chết.

Tim thuoc truong sinh

Các tỉ phú bị cuốn hút bởi ý tưởng sống lâu hơn sẵn sàng tài trợ cho các nghiên cứu kéo dài tuổi thọ khi cái mà họ không thiếu nhất chính là tiền. Ảnh: Getty Images.

Nếu cơ quan chức trách phê chuẩn dùng metformin để trị già hóa, Barzilai tin rằng ngày càng nhiều hãng dược và công ty công nghệ sinh học sẽ nhảy vào lĩnh vực này. “Một khi chứng minh được điều này, tôi nghĩ đó là giây phút gây chấn động tất cả mọi người”, ông nói.

Khát vọng về cuộc sống bất tử đã tồn tại hàng thế kỷ, từ tìm kiếm “Hòn đá giả kim” cho đến săn lùng “Suối nguồn tuổi trẻ”. Dù cái chết là không thể tránh nhưng không cản được con người tìm cách kéo dài thời điểm chết lâu nhất có thể nhờ ứng dụng khoa học như nghiên cứu vaccine ngừa bệnh hay các loại thuốc điều trị bệnh kinh niên như bệnh tim... Và khi ngày càng nhiều người phải trải qua những năm tháng cuối đời vật vã vì bệnh tật, các nhà khoa học như Barzilai lại không chỉ muốn kéo dài tuổi thọ (lifespan) mà còn muốn gia tăng khoảng thời gian sống khỏe mạnh của con người (healthspan). Điều này càng có ý nghĩa khi dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng, áp lực chăm sóc y tế cho người già, với vô số bệnh tật, đang đè nặng lên tài chính công và xã hội.

Tim thuoc truong sinh

Bây giờ nhà khoa học Israel - Mỹ này tin rằng thế giới đang sắp biến hy vọng thành hiện thực khi ông đã tìm ra loại thuốc ngăn cản tác động từ già hóa - một quá trình được xem là không thể tránh khỏi.

Tuy vậy, một trong những rào cản lớn nhất cho các nhà khoa học như Nir Barzilai là làm sao có đủ tiền để thực hiện các cuộc thử nghiệm quy mô lớn cũng như tìm kiếm các nhân tố khác tác động đến quá trình lão hóa, nhất là khi việc thử nghiệm có thể mất 4-6 năm, tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD. Barzilai thừa nhận tìm vốn tài trợ là không dễ, vì các nhà đầu tư về y tế muốn nhìn thấy lợi nhuận trong ngắn hạn, còn chính phủ các nước thường ưu tiên rót vốn vào việc nghiên cứu điều trị các căn bệnh.

Lấp vào khoảng trống này là các tỉ phú công nghệ như nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, doanh nhân khởi nghiệp người Israel Yuri Milner, hay các nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergrey Brin. Các tỉ phú bị cuốn hút bởi ý tưởng sống lâu hơn sẵn sàng tài trợ cho các nghiên cứu kéo dài tuổi thọ khi cái mà họ không thiếu nhất chính là tiền. “Già hóa là một căn bệnh mà nhiều người có quyền lực nhất trên hành tinh này tin rằng có thể làm chậm lại, ngưng lại, thậm chí đẩy lùi”, Peter Diamandis, sáng lập XPRIZE Foundation, nhận xét.

Diamandis tin tưởng tiềm năng to lớn của ngành này do nhu cầu quá cao và chưa bao giờ được đáp ứng, thu hút không chỉ các tỉ phú như Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal mà còn cả các tập đoàn, tổ chức tài chính lớn như Alphabet, AbbVie, BlackRock, Wells Fargo... Dòng vốn mạnh mẽ đổ vào được dự báo sẽ tiếp tục là bệ phóng đưa ngành công nghiệp chống lão hóa tăng trưởng thần tốc trong những năm tiếp theo, với quy mô thị trường đạt 64,04 tỉ USD vào năm 2026, tăng 45% so với năm 2020.

Một trong các thương vụ gọi vốn lớn nhất là Altos Labs - một startup theo đuổi công nghệ tái lập trình nhằm trẻ hóa các tế bào già cỗi - khi huy động được 3 tỉ USD vào năm 2021. Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi Arch Venture Partners, có cả vốn rót từ Jeff Bezos và Yuri Milner. Hal Barron, CEO Altos Labs, cho biết số tiền này cho phép họ có thể thất bại nhiều lần trong quá trình tìm kiếm lối tư duy hoàn toàn mới trong nỗ lực đẩy lùi bệnh tật. “Theo đuổi một ý tưởng đột phá và phức tạp cần tới 3 tỉ USD”, Barron nói.

Cạnh tranh cũng đang nóng lên. Alphabet, chẳng hạn, đang ráo riết nghiên cứu chống già hóa thông qua công ty con Calico Life Sciences. Giám đốc Kinh doanh Jonathan Lewis của Calico cho biết một lượng vốn lớn rót vào Calico đến từ Alphabet, cho phép Công ty tập trung vào công nghệ sinh học từ sớm, khi được tung ra vào năm 2013. Nhưng kể từ đó, Calico cũng thu hút được vốn từ AbbVie. Hiện Alphabet và AbbVie đều cam kết đầu tư 3,5 tỉ USD vào Calico - một số tiền không là gì đối với Alphabet, một công ty có vốn hóa 1.200 tỉ USD và AbbVie, với 292 tỉ USD giá trị vốn hóa. Giờ Calico có 3 loại thuốc tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Cùng lúc đó, Lineage Cell Therapeutics, được hậu thuẫn bởi BlackRock, Wells Fargo, Raffles Capital Management và các người chơi lớn khác, cũng đang phát triển các liệu pháp tế bào mới. Hay CEO của Coinbase là Brian Armstrong gần đây đồng sáng lập NewLimit, một công ty đang tìm cách kéo dài thời gian sống lâu và khỏe mạnh của con người bằng các liệu pháp tái lập trình ngoại di truyền với số vốn ban đầu là 150 triệu USD.

Đáng chú ý, không ít nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn dài hạn hơn. Robert Nelsen, đồng sáng lập Arch Venture Partners, cho biết nhóm nhà đầu tư của ông có thể nắm giữ cổ phần ở Altos Labs trong 10-15 năm nếu cần thiết. “Nếu có hiệu quả, chúng tôi sẵn sàng chờ đợi”, Nelsen nói. Dù vậy, ông cũng nói thêm, các nhà đầu tư khác sẽ muốn sớm thấy được giá trị trước khi đổ vốn vào.

Hiện tại, một vấn đề được quan tâm là những tiến bộ trong khoa học tuổi thọ có thể làm tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo về sức khỏe, tài sản và quyền lực. “Điều này có khả năng làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng mà chúng ta đang có. Càng sống lâu hơn, người giàu sẽ càng tích lũy nhiều tài sản hơn và khi giàu hơn, họ sẽ nắm giữ nhiều quyền lực chính trị hơn”, nhà đạo đức sinh học Christopher Wareham của Đại học Utrecht nhận định.

Việt Phong (Tổng hợp)/Nhipcaudautu.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :132
Tổng lượt truy cập : 12,709