Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra chiến lược mới về tiêu chuẩn hóa nhằm ứng phó với sự thống lĩnh thị trường công nghệ của Mỹ và những nỗ lực của Trung Quốc trong việc viết lại các quy định toàn cầu về công nghệ. Kế hoạch được công bố hôm 2-2-2022 trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp EU phàn nàn họ đang gặp bất lợi trước sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các quy trình thiết lập tiêu chuẩn cho các lĩnh vực chiến lược.

 

Phương Tây đang lo ngại về việc tham gia sâu rộng của Trung Quốc trong các tổ chức tiêu chuẩn hóa toàn cầu. Đồ họa: Nikkei Asia

 

Chiến lược mới của EU sẽ mở rộng phạm vi của hệ tiêu chuẩn hóa của châu Âu, chuyển từ tập trung vào an toàn sản phẩm sang việc định hình các công nghệ của tương lai, với ưu tiên cho công nghệ xanh và công nghệ số. Ví dụ như tái chế các nguyên liệu thô quan trọng và phát triển hydro sạch, tỷ lệ phát thải thấp, chất bán dẫn và thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó là vaccine và thuốc đặc trị Covid-19.

 

“Cần xác định rằng chúng ta không phải là người tuân theo tiêu chuẩn, mà là người định ra tiêu chuẩn”, Ủy viên công nghiệp EU, Thierry Breton phát biểu.

 

EC cũng sẽ tài trợ cho các dự án tiêu chuẩn hóa ở các nước EU thu nhập kém hơn và châu Phi, đồng thời ủy ban này sẽ theo đuổi kế hoạch phối hợp nhiều hơn giữa các thành viên EU và các đối tác, cụ thể là Trung Quốc.

 

Bà Margrethe Vestager, Giám đốc EC phụ trách các vấn đề kỹ thuật số và cạnh tranh, nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cần các tiêu chuẩn để triển khai các dự án đầu tư quan trọng, như hydro hoặc pin và định giá đầu tư đổi mới bằng cách cung cấp cho các công ty EU lợi thế quan trọng của người đi tiên phong”.

 

Yếu thế về công nghệ và tiêu chuẩn hóa

 

EC đang gặp áp lực trong việc đưa ra một chiến lược như thế trong nhiều năm qua, đặc biệt là khi Trung Quốc gia tăng sự có mặt của họ trong các cơ quan toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn.

 

Chẳng hạn như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Từ năm 2011-2021, các vị trí thư ký có ảnh hưởng của Trung Quốc trong các ủy ban kỹ thuật và tiểu ban ISO đã tăng 58%, trong khi các vị trí như vậy do Mỹ, Đức và Nhật Bản nắm giữ vẫn không thay đổi nhiều – theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung (USCBC).

 

Theo Politico, ngay cả tại các tổ chức tiêu chuẩn hóa của châu Âu, đại diện từ các nước bên ngoài khối cũng đang chiếm số nhiều. Các hãng công nghệ Mỹ như Apple và Microsoft đã đầu tư rất lớn để có mặt tại các tổ chức định ra tiêu chuẩn ở EU. Huawei của Trung Quốc cũng làm điều tương tự trong nhiều năm qua. “Chúng tôi nhận được sự đóng góp từ các công ty bên ngoài châu Âu.

 

Dĩ nhiên, công nghệ ở các nơi khác trên thế giới đã tiến triển, và điều này không thể tránh khỏi. Đây có thể là sai lầm chiến lược nếu không cân nhắc sự có mặt của doanh nghiệp EU tại chính các cơ quan tiêu chuẩn trong khối”, theo lời Luis Jorge Romero, Tổng giám đốc Tổ chức Tiêu chuẩn hóa châu Âu (ETSI) – một trong ba tổ chức được công nhận chính thức về tiêu chuẩn hóa ở châu Âu.

 

Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói và vị thế lớn hơn trong việc định ra các tiêu chuẩn trong hơn hai thập niên qua.

 

Cuối năm 2003, khi thế giới đang kết nối với WiFi, Trung Quốc đã đưa ra tiêu chuẩn riêng của mình – gọi là WAPI – và khẳng định rằng mạng này an toàn hơn WiFi. Đồng thời, Bắc Kinh khẳng định các nhà sản xuất thiết bị sẽ phải tuân thủ nếu họ muốn bán sản phẩm của mình ở Trung Quốc. Điều này làm dấy lên tranh chấp thương mại với Mỹ, kết thúc bằng việc Trung Quốc tạm hoãn dự án vào năm 2004.

 

Tháng 9-2019, tập đoàn Huawei và Chính phủ Trung Quốc đã đưa một nhóm các kỹ sư Huawei đến phòng hội nghị của Liên hiệp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. Trong vòng một tiếng đồng hồ, nhóm kỹ sư Huawei đã trình bày về tầm nhìn mới của họ về hạ tầng Internet trong tương lai với đại diện của hơn 40 nước dự hội nghị của Liên đoàn Viễn thông quốc tế (ITU) – cơ quan định ra tiêu chuẩn toàn cầu về viễn thông của Liên hiệp quốc.

 

Internet đã ra đời cách đây hơn 50 năm. Giao thức TCP/IP đã hoạt động rộng rãi trên toàn thế giới, sẽ không dễ dàng để thay thế. “Tuy nhiên, khi khoa học và công nghệ phát triển, các giao thức cũ có thể không còn đáp ứng yêu cầu về tính ổn định, hiệu quả trong việc truyền thông tin, ví dụ như truyền âm thanh, hình ảnh, xe tự lái, ứng dụng tài chính hoặc kinh doanh… Đã đến lúc chúng ta cần nền tảng công nghệ mới”, nhóm kỹ sư Huawei nhấn mạnh.

 

Doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc đã không tiếc tiền cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 40% các bằng sáng chế công nghệ 5G trên thế giới. Tương tự như vậy là mảng công nghệ 6G dù đang trong giai đoạn phôi thai.

 

Ở mức độ địa phương, một số chính quyền khu vực ở Trung Quốc cung cấp tiền trợ cấp hàng năm khoảng 155.000 đô la Mỹ cho các công ty dẫn đầu việc phát triển các tiêu chuẩn tại ISO và các cơ quan khác – theo Tim Ruehlig, nhà nghiên cứu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức và Viện các vấn đề quốc tế Thụy Điển (UI), nhưng các quyết định bỏ phiếu của các công ty này vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.

 

Tháng 10-2021, Trung Quốc chính thức ban hành chính sách tiêu chuẩn hóa riêng. Nhà chức trách Trung Quốc cam kết hợp tác quốc tế bằng “thúc đẩy việc mở cửa các tiêu chuẩn và hệ thống, và đảm bảo rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào việc xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với luật pháp”.

 

Tìm kiếm đối sách riêng

 

Phòng Thương mại EU (EuroCham) tại Trung Quốc đã cáo buộc rằng Trung Quốc sử dụng các tiêu chuẩn nội địa để dựng lên các rào cản thị trường đối với các công ty nước ngoài. EuroCham nói rằng các thông số kỹ thuật chỉ được cung cấp cho một số ít các doanh nghiệp nước ngoài được chọn và các thông tin cập nhật được giữ bí mật.

 

Các nhà phê bình cho rằng Trung Quốc đã sử dụng Vành đai và Con đường – sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài do Trung Quốc cấp vốn – để thiết lập các tiêu chuẩn ngay tại nước sở tại, giành lợi thế cho các công ty đại lục. Trong vài tháng qua, các công ty Đức đã phàn nàn rằng họ ngày càng gặp khó khăn khi cung cấp thiết bị công nghiệp cho Nga do nước này đang áp dụng các tiêu chuẩn Trung Quốc.

 

Việc tuân thủ một hệ thống tiêu chuẩn khác sẽ làm phát sinh các chi phí vượt trội lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và giấy chứng nhận – cũng như mất rất nhiều thời gian.

 

Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức, nói với Nikkei Asia rằng: “Chúng tôi đang theo dõi sự phổ biến có chủ đích và ngày càng rộng hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia do nhà nước định hướng từ Trung Quốc là một vấn đề rất đáng lo ngại. Đây chính là nguy cơ vỡ vụn các yêu cầu tiếp cận thị trường kỹ thuật”.

 

Russwurm cũng cho rằng EU cần nhanh chóng có các biện pháp cụ thể nhằm chống lại sự lan rộng các tiêu chuẩn Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.

 

Trong khi đó, Reinhard Buetikofer, Trưởng phái đoàn của Nghị viện châu Âu về quan hệ EU – Trung Quốc, nói rằng EU đã không giành được vị trí lãnh đạo hay đi đầu về công nghệ trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như thực tế ảo tăng cường (AR), giao diện máy tính kết hợp não người, trí tuệ nhân tạo (AI) và đất hiếm.

 

“Cần phải nhận thức rõ rằng tiêu chuẩn hóa có ý nghĩa địa chính trị tối quan trọng. EU phải hành động nhanh hơn và phối hợp hơn, đồng thời làm cho sự hợp tác giữa chính trị và các ngành hiệu quả hơn. Đây chính là những điều mà chiến lược mới về tiêu chuẩn hóa hướng tới”, ông Buetikofer nhận định.

 

Đánh giá tiềm năng của chiến lược mới của châu Âu, chuyên gia chính sách công và quy định Julia Pfeil thuộc hãng luật đa quốc gia Dentons tại Frankfurt cho rằng EU sẽ khuyến khích các nước thành viên tham gia vào các ủy ban xây dựng tiêu chuẩn, bao gồm cả việc trợ cấp chi phí đi lại và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phái cử chuyên gia tham gia các tiểu ban này.

 

“Nếu trước đây một ủy ban quốc tế có 200 người tham gia và bây giờ có thêm 20 người từ các nước EU, thì tỷ lệ tăng 10% này sẽ tạo ra sự khác biệt. Việc EC tài trợ cho các dự án tiêu chuẩn hóa ở các nước láng giềng và châu Phi cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tương tự. Bởi các dự án này sau đó có khả năng hình thành các hệ tiêu chuẩn tương thích với các sản phẩm và quy trình của các doanh nghiệp EU.

 

Một số nhà phân tích lại nói rằng châu Âu đang “chữa cháy” bằng cách từ bỏ dần cách tiếp cận trước đây vốn đẩy hầu hết trách nhiệm cho khu vực tư nhân.

 

Sibylle Gabler, Giám đốc quan hệ chính phủ tại tổ chức quốc gia về tiêu chuẩn hóa DIN của Đức, cho biết EC buộc phải tìm cách ứng phó với kế hoạch tập trung, chỉ đạo từ trên xuống do Chính phủ Trung Quốc điều hành.

 

“EU phải tìm ra câu trả lời của riêng mình, bằng cách kết hợp cách tiếp cận từ dưới lên với việc thiết lập ưu tiên chính trị. Chiến lược Trung Quốc công bố hồi tháng 10 năm ngoái kêu gọi sử dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn quốc tế ở Trung Quốc. Nhưng từ những gì chúng tôi nghe được từ các doanh nghiệp, điều này không xảy ra”.

 

Gia Khang

 

Ricky Hồ/KTSG

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :132
Tổng lượt truy cập : 12,709