Banner Ngày 26/12/2024
Thông báo Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện vào năm 2025 ( 09/12/2024 )

Dự án “Xây dựng mô hình xử lý nước thải, bùn thải trong ao nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” sau hai năm triển khai đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức nghiệm thu vào ngày 10/10 vừa qua.

 

Nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu được xác định là lợi thế của tỉnh Sóc Trăng với chiều dài bờ biển 72km, có nhiều vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt khác nhau. Trong năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 52.500 ha, sản lượng đạt 206.300 tấn. Mặc dù tổng diện tích nuôi tôm có giảm nhưng sản lượng lại tăng 7% so với cùng kỳ là do các hộ nuôi tôm trong tỉnh đẩy mạnh mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, góp phần quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. So với kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 450 triệu USD, thì kim ngạch xuất tôm nước lợ đạt khoảng 950 triệu USD, đóng góp 80% trong cơ cấu thuỷ sản và 30% cơ cấu thuộc khu vực I, chiếm gần 25% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.

 

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu dự án

 

Để tiến trình phát triển nuôi thuỷ sản tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững, trong đó có việc nuôi tôm nước lợ. Ngoài việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng con giống, chất lượng thức ăn, kiểm soát tốt môi trường nuôi thì việc xử lý nước thải, bùn thải trước, trong và sau quá trình nuôi cũng được các ngành quản lý đặc biệt quan tâm.

 

Trong quá trình nuôi tôm, lượng nước, bùn thải phát sinh trong và sau quá trình nuôi thải ra khá lớn và gây ô nhiễm cho nguồn nước tiếp nhận nếu không qua xử lý. Đặc biệt là các mô hình nuôi siêu thâm canh, mật độ thả rất cao so với mô hình nuôi thông thường, mức độ ô nhiễm vì thế cũng tăng theo.

 

Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình xử lý nước xi phông, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nuôi và khu vực sinh sống.

 

Qua 02 năm triển khai dự án, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành khảo sát quy trình kỹ thuật và quy mô hộ nuôi tôm thẻ lót bạc (nuôi tôm siêu thâm canh) và cơ sở hạ tầng hỗ trợ mô hình nuôi tôm ở địa phương. Từ đó, lựa chọn nông hộ và xây dựng 02 mô hình xử lý nước thải, bùn thải trong ao nuôi tôm siêu thâm canh.

 

Nhóm nghiên cứu trình bày tại hội nghị nghiệm thu

 

Báo cáo dự án đã trình bày một số công nghệ xử lý nước thải nuôi tôm trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau; đánh giá những ưu điểm, hạn chế của từng mô hình xử lý nước thải. Từ đó, đề xuất quy trình xử lý nước thải bằng công nghệ ủ yếm khí kết hợp ao sinh học để xử lý nước xi phông và bùn thải từ ao nuôi tôm.

 

Dựa trên những kết quả ghi nhận được từ thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình công nghệ gồm ao hiếu khí MBBR K3 và hầm ủ biogas để xứ lý chất thải phát sinh từ ao nuôi tôm siêu thâm canh.

 

Nước xi phông, trước tiên được tách võ tôm lột bằng lưới lọc và đưa đi xử lý như chất thải rắn. Tiếp theo nước xi phông được đưa vào hố lắng để tách nước trong và cặn bùn. Phần nước trong đưa qua ao sinh học hiếu khí, cặn bùn đưa vào hầm ủ biogas để xử lý.

 

Tại ao sinh học hiếu khí, phần nước tách ra từ xi phông ao tôm, nước thải từ hầm biogas được đưa vào ao sinh học. Giá thể K3 được đưa vào ao với thể tích chiếm chỗ 20% + quạt giúp quá trình phân huỷ sinh học diễn ra nhanh hơn. Thể tích ao sinh học tính toán phù hợp với thời gian lưu lượng nước xi phông trong 12 giờ. Chế phẩm vi sinh IMO có thể được bổ sung để làm tăng hiệu quả xử lý (nếu cần). Ngoài ra, trong ao có thể nuôi cá rô phi, cá nâu, sò huyết ... những thuỷ sản này sẽ sử dụng tảo, sinh khối vi khuẩn làm thức ăn giúp cân bằng hệ vi sinh trong ao, kiểm soát sự phát triển của các loài vi khuẩn có hại. Nước sau xử lý đã tương đối đạt yêu cầu, có thể qua ao khử trùng bằng chlorine. Sau đó có thể lựa chọn đưa nước vào ao sẵn sàng để cung cấp ao nuôi và ao ương; hoặc xả ra kênh tiếp nhận.

 

Mô hình xử lý nước xi phông và bùn thải

 

Bùn xi phông từ hố lắng đưa vào hầm ủ biogas, tại đây bùn được phân huỷ yếm khí tạo khí mê-tan phục vụ nhu cầu năng lượng. Thực tế cho thấy, áp suất khí sinh học tạo ra lớn có thể phục vụ các mục đích năng lượng khác ngoài nấu ăn như chạy máy phát điện. Bùn sau khi xử lý bằng hầm ủ biogas còn hàm lượng chất dinh dưỡng rất  cao nên được thu gom và có hướng xử lý thành phân hữu cơ, không nên đưa ra ngoài có thể gây ô nhiễm cho nguồn tiếp nhận.

 

Quy trình xử lý chất thải phát sinh từ ao nuôi tôm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khả năng kinh tế của hộ dân và tính khả thi về công nghệ, vận hành.

 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn đề xuất nhiều giải pháp quản lý môi trường vùng nuôi.

 

Minh Thành

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 23
Truy cập trong 7 ngày :138
Tổng lượt truy cập : 16,880