Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )
 16/11/2022 Lượt xem: 142

Phản biện xã hội là trách nhiệm của người trí thức đồng thời là chức năng chính của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Để thực hiện tốt trách nhiệm này đòi hỏi người trí thức ngoài năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, sự hiểu biết các quy định của pháp luật thì điều cần nhất là phải có bản lĩnh, có dũng khí.

Trong thực tế không ít chủ trương, chính sách khi đưa vào cuộc sống vẫn thường nảy sinh những mâu thuẫn ảnh hưởng tiêu cực về mặt lợi ích của các giai tầng trong xã hội. Ở phạm vi hẹp là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, ở phạm vi rộng là lợi ích của cộng đồng. Điều tất yếu xảy ra là không tạo được sự đồng thuận trong xã hội và làm nảy sinh mâu thuẫn. Lúc này phản biện xã hội là giải pháp tốt, hiệu quả để kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn. Và người thực hiện chức năng này không ai lợi thế hơn là đội ngũ trí thức. Ưu điểm nổi bật của trí thức Việt Nam là có lòng yêu nước, luôn mong muốn được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Thực tế đã chứng minh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trí thức luôn kề vai sát cánh cùng các giai cấp và tầng lớp nhân dân đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho dân tộc. Khi đất nước thống nhất bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, thì vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức càng được nâng cao. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị…”. Không chỉ trao cho người trí thức trọng trách lịch sử, mà có thể nói, khó có đánh giá nào cao hơn thế đối với đội ngũ trí thức. Phản biện là sở trường, là lợi thế đặc biệt của lực lượng trí thức, nhất là trí thức khoa học công nghệ. Ai đó đã từng nói nếu khoa học không có chỗ đứng cho sự gian dối thì phản biện xã hội không có chỗ cho sự thoả hiệp và vùng cấm nguy hiểm nhất là vùng không có tri thức. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cái đích cuối cùng là vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách đưa ra phải hợp lòng người, phải phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ phản biện xã hội cho nhiều cấp nhiều ngành. Song thực tế, xưa nay tham gia phản biện nhiều vẫn là trí thức. Bởi với bản chất tốt đẹp vốn có của trí thức chân chính, là người có tri thức; là người ý thức cao trách nhiệm công dân, nên luôn mong muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ chung của đất nước; không chịu ngồi yên để các giá trị tốt đẹp của cuộc sống bị vi phạm, để những cái chưa đúng chưa trúng có cơ hội len lỏi vào cuộc sống, định hình quy tắc ứng xử của xã hội…Nhận định về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Ở thời nào, trí thức cũng luôn luôn sẵn sàng đóng góp những ý kiến hết sức tâm huyết với nhiều vấn đề lớn liên quan đến quốc kế dân sinh, đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Chính phủ rất quan tâm và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ trí thức”. Chính những phẩm chất ấy đã định ra cho trí thức vai trò phản biện xã hội như một điều tất nhiên.
Tuy vậy cũng phải nói thêm rằng bên cạnh những ưu điểm đề cập trên, cũng còn những trí thức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có kinh nghiệm, nắm vững đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nhưng trước nhiều vấn đề của xã hội đang được dư luận quan tâm họ vẫn im lặng. Sự lặng im của họ có nhiều lý do. Người thì quan niệm việc đó là việc của nhà nước để nhà nước lo, không hơi đâu mà ôm rơm nhặm bụng. Người khác thì ngại va chạm, sợ liên lụy ảnh hưởng đến vị trí công tác, đến các mối quan hệ sẽ khó cho đường công danh. Với người có tư tưởng an phận thủ thường thì “ Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “Im lặng là vàng”, chuyện ai người đó lo, tôi không đụng đến ai cũng mong ai đó đừng đụng đến tôi…Ngoài vô vàn lý do khác nhau thì có một căn nguyên chính là ở họ còn thiếu dũng khí, thiếu bản lĩnh. Những người này khi được mời trong hội đồng khoa học hoặc thực hiện nhiệm vụ phản biện họ thường nói chung chung khen một ít, chê một ít, đại loại là “vô thưởng vô phạt”…Nhiều trí thức đã lên tiếng phản biện xã hội không có chỗ cho sự phản ánh chung chung kiểu “Kính nhi viễn chi”. Phản biện xã hội là một kiểu đối thoại đặc biệt. Lịch sử cho thấy, sự độc quyền kéo dài thường là nguyên nhân chính của sự trì trệ. Lý do đơn giản của kiểu xã hội chỉ quen độc thoại chứ không chấp nhận đối thoại. Không thể chậm hơn khi sự mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế đã là một đòi hỏi tất yếu không cho phép chúng ta bảo thủ. Việc hạn chế phản biện xã hội hay duy trì sự phản biện chất lượng kém, phản biện tư vấn theo kiểu “chung chung”, theo kiểu chỉ “để có” để đủ thủ tục sẽ dễ đẩy xã hội vào vòng xoáy của chuyên chế, độc tài sẽ kìm hãm sự phát triển của chính xã hội ấy. Và nếu để xảy ra như vậy thì trí thức sẽ là người đầu tiên có tội với nhân dân.
Thực tế đã có rất nhiều dự án từ trung ương đến địa phương nhờ sự phản biện của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp cấp thẩm quyền xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những sai sót trước khi quyết định những vấn đề lớn của đất nước, địa phương. Cuộc sống đã khẳng định, phản biện xã hội là nhân tố quan trọng của sự phát triển. Nhiều trí thức đồng tình với quan điểm: Trong xã hội dân chủ, phản biện xã hội phải được coi là nét văn hóa, là nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Phản biện như một hành vi có chất lượng khoa học của phê phán. Một xã hội tổ chức phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển, giảm được tối đa sự phản kháng không cần thiết của dân chúng. Phản biện xã hội phải là sự tổng hoà các nguồn tri thức. Vì vậy phản biện phải được nhìn dưới mọi góc độ, đa ngành nghề và bên cạnh việc phải luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, thực hiện phản biện xã hội rất cần một đội ngũ trí thức có đủ bản lĩnh, đủ dũng khí làm vai trò tổng hợp, phân tích, chọn lọc các ý kiến truyền tải một cách đầy đủ nhất, trung thực nhất đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của trí thức là hoạt động minh bạch, dân chủ, công khai, không có thỏa hiệp. Vậy nên, đòi hỏi đầu tiên của hoạt động tư vấn, phản biện là độc lập, khách quan, khoa học, trung thực.
Với ưu thế nổi trội về năng lực và do sự thôi thúc lương tâm, đội ngũ trí thức luôn nhận lãnh trách nhiệm của người tiên phong; phát hiện ra các vấn đề mới của cuộc sống, đặt chúng trong mối quan hệ tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội và quyền lợi của các thành viên trong cộng đồng. Từ đó chủ động, sáng tạo, linh hoạt hình thức tập hợp đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; liên kết chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chia sẻ thông tin; bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ chuyên gia, phát huy cao nhất trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội vì lợi ích cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương đất nước mạnh giàu, công bằng, dân chủ, văn minh.

 

 

ThS. Nguyễn Hoài Sơn (trithucvaphattrien.vn)

 

Truy cập hôm nay : 21
Truy cập trong 7 ngày :133
Tổng lượt truy cập : 12,712