Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Ngày 01/7/2018 là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực thông tin vì kể từ hôm đó, Luật Tiếp cận thông tin bắt đầu có hiệu lực. Chỉ nói riêng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), luật được kỳ vọng sẽ đem lại luồng ánh sáng minh bạch, soi rọi vào các góc khuất trước đây của các doanh nghiệp này.

 

Vấn đề đặt ra là, đã có hàng loạt quy định buộc DNNN phải công khai nhiều loại thông tin về hoạt động của mình nhưng việc tuân thủ là quá yếu và sự chế tài để buộc doanh nghiệp phải công khai thông tin hầu như không có. Vậy lấy gì bảo đảm dòng chảy thông tin về DNNN sẽ được khơi thông nhờ Luật Tiếp cận thông tin?

 Luật Tiếp cận thông tin đặt ra hai cách thức để người dân có thể tiếp cận thông tin: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Một khi đã không thể trông chờ DNNN cải thiện việc tự cung cấp thông tin cho xã hội, cần phải tận dụng cách thức thứ nhì để tạo ra áp lực công luận buộc DNNN phải có thói quen đưa hết mọi thông tin cần công khai lên trang web của mình.

 Ở đây, báo chí có vai trò quan trọng nhất bởi mỗi công dân, tức là mỗi người đọc có thể có những yêu cầu thông tin khác nhau ở các thời điểm khác nhau nhưng tập hợp lại, báo chí chính là nơi thay mặt họ đặt ra yêu cầu cung cấp thông tin toàn diện với DNNN. Lâu nay, báo chí tổ chức các bài điều tra, phóng sự công phu nhưng thường phải dựa vào các nguồn tin không chính thức. Nay khi cần xác minh một thông tin cụ thể nào đó liên quan đến việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì báo chí hoàn toàn có thể dùng Luật Tiếp cận thông tin làm vũ khí để có được nguồn tin trực tiếp.

 Các đại biểu Quốc hội, không cần phải chờ đến các phiên chất vấn, đã có thể gửi yêu cầu buộc DNNN phải cung cấp thông tin, chẳng hạn báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp. Các trường hợp đầu tư ngoài ngành rất mù mờ trước đây, các hình thức sở hữu chéo phức tạp trong ngành ngân hàng cũng đã có thể được soi rọi nếu người dân thông qua đại diện của mình là báo chí hay đại biểu Quốc hội yêu cầu cung cấp thông tin để họ giám sát.

 Trong kinh doanh, cạnh tranh luôn là áp lực lớn nhất. Nếu doanh nghiệp ở bất kỳ khu vực nào biết tận dụng Luật Tiếp cận thông tin để cạnh tranh, ngay lập tức yêu cầu công khai thông tin của họ sẽ đặt DNNN vào thế phải tuân thủ. Thử nhìn vào một số loại thông tin phải công khai như đầu tư công, mua sắm công, thông tin về đấu thầu, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… chỉ cần từng đó cũng đã tạo ra biết bao cơ hội cho doanh nghiệp tham gia nếu họ biết cách yêu cầu công khai.

 Luật Tiếp cận thông tin tạo ra cơ hội nhưng cơ hội đó có được tận dụng không là phụ thuộc vào sự chủ động của những nơi cần thông tin để làm tròn trách nhiệm của mình. Nơi thực thi luật tốt nhất trong trường hợp này chính là công dân và đại diện của họ chứ không phải ai khác.

 

TBKTSG

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 41
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,873