Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

10 năm gần đây có hai hiện tượng song hành trong xã hội Việt Nam, đó là những bước lùi đáng quan ngại của hiệu quả lao động và hiện tượng thất nghiệp của số lượng lớn tân cử nhân. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc trái ngành nghề được đào tạo, và tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Có nghiên cứu cho rằng năng suất của lao động Sinngapore cao gấp 14,3 lần Việt Nam; Malaysia gấp 5,7 lần; Philippines gấp 1,8 lần. Trong số nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân quan trọng thuộc về hướng nghiệp.

 

Thực trạng yếu kém của hướng nghiệp

 Có thể nói, hiệu quả lao động xã hội tốt khi lực lượng lao động đáp ứng tốt cả về chất lẫn lượng. Nói một cách tổng quát dựa trên tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, lực lượng lao động tại Việt Nam hiện nay có thể đáp ứng về số lượng nhưng về chất lượng thì không như kỳ vọng. Hai nguyên nhân dễ thấy của điều này là:

 (1) Quy hoạch sai cấp độ trong đào tạo. Có thể thấy cộng đồng doanh nghiệp đang cần một nguồn lực lớn lao động nghề trong khi hệ thống giáo dục đào tạo lại “sản xuất” dư thừa cử nhân, không phù hợp với nhu cầu của xã hội.

 (2) Chất lượng đầu ra của nền giáo dục đào tạo chưa đạt yêu cầu của xã hội về phương diện sử dụng lao động.

 Và nguyên nhân gốc rễ của cả hai nguyên nhân này là sự kém hiệu quả của công tác hướng nghiệp trong quá trình giáo dục đào tạo thế hệ trẻ. Các bạn trẻ khi còn ở bậc học phổ thông và nhiều khi cả ở bậc đại học hầu như không xác định được hướng đi cho mình: đi con đường nào, theo nghề nào, học ở cấp độ nào... thì sẽ phù hợp với bản thân.

 Để một sinh viên sau tốt nghiệp trở thành một người lao động đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động, bản thân người sinh viên cần có một quá trình phát triển nghề nghiệp trong suốt quá trình theo học bậc cao đẳng hoặc đại học. Quá trình phát triển nghề nghiệp này phải được tự thân người sinh viên ý thức về tầm quan trọng của nó và tự mình bồi dưỡng năng lực lao động cho chính mình. Nhưng một cá nhân lại khó có thể gắn bó và làm việc hết mình trong hai hoặc bốn năm được đào tạo, nếu họ theo học một ngành nghề mà họ cảm thấy “xa lạ”, thậm chí ghét bỏ. Sau khi ra trường, họ chỉ là những cá nhân trung bình trong nghề nghiệp. Nói cách nào đó, họ được đào tạo để làm giảm năng suất và hiệu suất sử dụng lao động của xã hội. Có thể thấy điều đó thể hiện rõ khi các đơn vị sử dụng lao động thường hay than phiền lao động (từ mọi cấp độ đào tạo) yếu về kỹ năng, nông về kiến thức, kém về thái độ.

 Một cá nhân chọn sai nghề sẽ phải đối mặt với hai sự lựa chọn. Một là chọn học lại một ngành nghề khác. Sự lựa chọn này sẽ kéo dài thêm thời gian và tăng chi phí đào tạo. Còn lựa chọn thứ hai là tiếp tục theo cái nghề không phù hợp. Điều này có thể dẫn đến người lao động thiếu sự cam kết lâu dài với nghề nghiệp, chậm phát triển, năng suất suy giảm và có nguy cơ bị đào thải khỏi ngành nghề. Có thể thấy, cả hai lựa chọn đều khiến hiệu quả lao động xã hội kém.

 Thách thức của thời đại 4.0

 Tình hình hướng nghiệp trong quá khứ và hiện tại kém hiệu quả như vậy thì trong tương lai còn khó khăn gấp bội trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể nói, công tác hướng nghiệp tại Việt Nam đang bị kẹp giữa hai thách thức - sự kém hiệu quả của hướng nghiệp truyền thống và sự thay đổi chóng mặt của hiện tại và tương lai. Trong tháng 12-2017, GS. Chan Kim (đồng tác giả Chiến lược Đại Dương Xanh) có đề cập tới hiện tượng trong vài năm gần đây, năng suất lao động tăng lên nhiều nhưng số lượng công việc không tăng một cách tương ứng.

 Các công nghệ 4.0 đã thay đổi cả ba chiều: sâu, rộng và nhanh của nghề nghiệp. Theo chiều rộng, có thể thấy hàng loạt công nghệ như máy in 3D, kết nối vạn vật, di động... được áp dụng trong gần như tất cả các ngành. Theo chiều sâu, trí thông minh nhân tạo (AI) đang dần thay thế con người ra quyết định trong công việc. Theo chiều nhanh, nghề nghiệp bị tác động bởi sự ra đời nhanh chóng và đi vào cuộc sống của những công nghệ mới. Sự thay đổi ở cả ba chiều tạo ra sự bất ổn lớn lao, thậm chí là bất định trong nghề nghiệp. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với công tác hướng nghiệp vốn đã là điểm yếu trong hệ thống giáo dục đào tạo của chúng ta.

 Cách mạng 4.0 cũng đặt ra nhiều yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của người lao động. Một ví dụ đơn giản, lao động 4.0 cần phải hiểu và thành thạo quá trình số hóa việc làm; cần có những kỹ năng mới như quản trị thông tin, kết nối cộng đồng; cần một tinh thần sáng tạo và thái độ tích cực đối với yêu cầu làm mới bản thân để đáp ứng những thay đổi. Có thể thấy những điều đó ở mô hình taxi công nghệ. Từ lao động ăn lương trong các công ty taxi truyền thống, nhiều người chuyển thành chủ xe độc lập và kinh doanh theo mạng lưới taxi công nghệ. Có người thành công vì họ chuyển đổi kịp với các yêu cầu về năng lực, thái độ, nhưng cũng có người thất bại vì không kịp thay đổi bản thân hay không muốn thay đổi.

 Một yếu tố nữa cũng vô cùng quan trọng đối với vấn đề nghề nghiệp, việc làm ở thời đại 4.0, đó là người tiêu dùng. Cách mạng 4.0 tạo ra một khái niệm mới - người tiêu dùng kết nối (connected customers). Khi khách hàng kết nối liên tục với nhau và với những mạng xã hội, họ đã thay đổi sâu sắc về bản chất. Khách hàng sẽ sẵn sàng rời bỏ các công ty truyền thống nếu như các công ty này không tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu mới, đặc biệt, trước tốc độ bành trướng và xâm nhập rất nhanh của các công ty nước ngoài, các công ty đổi mới sáng tạo.

 Tất cả những điều trên chỉ là một phần trong câu hỏi làm thế nào để định hướng phát triển nghề nghiệp cho các cấp độ lao động trong xã hội Việt Nam để đáp ứng và thích nghi với việc làm 4.0 - doanh nghiệp 4.0 - cách thức làm việc 4.0. Không ai khác ngoài các thầy cô giáo và chuyên viên hướng nghiệp cần phải nắm bắt và tư vấn định hướng cho các bạn trẻ. Và thiết nghĩ cần có sự chung tay của ba bộ - Bộ Khoa học và Công nghệ (liên quan tới công nghệ 4.0), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đại điện cho cộng đồng doanh nghiệp sử dụng lao động), và Bộ Giáo dục Đào tạo (đại diện cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực) mới có thể đáp ứng được “công cuộc chuyển đổi nghề nghiệp 4.0”. 

Vũ Tuấn Anh/TBKTSG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 19
Truy cập trong 7 ngày :131
Tổng lượt truy cập : 12,719