Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Thuật ngữ “xã hội hóa dịch vụ công” hiện nay không còn xa lạ đối với đông đảo mọi người. Hiểu nôm na, đó là sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân vào việc cung cấp các dịch vụ công mà xưa nay trong tiềm thức người dân là lãnh địa độc quyền của Nhà nước.

 

Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, xã hội hóa dịch vụ công đã mang đến một nguồn sinh khí mới cho hoạt động cung cấp các dịch vụ công và làm giảm bớt đáng kể gánh nặng của ngân sách nhà nước. Nhằm tạo hành lang pháp lý, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động xã hội hóa; ở cấp thấp hơn UBND các tỉnh\thành cũng đã ban hành các kế hoạch xã hội hóa trong từng giai đoạn phát triển kinh tế nhất định. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy việc cơ quan nhà nước đang từng bước triển khai chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, các biện pháp này đến nay vẫn chưa đủ để tạo nên một hành lang pháp lý đủ độ an toàn cho các tổ chức ngoài nhà nước doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn tham gia vào xã hội hóa.

 

Hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến xã hội hóa hiện nay còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp vẫn còn phải mò mẫm trong tiến trình xã hội hóa và chưa biết con đường xã hội hóa này sẽ đưa mình đến đâu.

 

Ai được làm, làm ở đâu?

 

Xã hội hóa, theo chủ trương của Chính phủ, được hiểu là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hóa và sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân dân... Trên cơ sở các phương hướng, chủ trương đó, các quy định về xã hội hóa hiện nay được cụ thể hóa tại hai văn bản pháp quy chính là Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bởi Nghị định 59/2014 (sau đây gọi là Nghị định 69/2008 sửa đổi) và Thông tư số 135/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính được sửa đổi bởi Thông tư 156/2014 (sau đây gọi là Thông tư 135/2008 sửa đổi).

 

Theo quy định tại Nghị định 69/2008 sửa đổi, các lĩnh vực xã hội hóa ngoài giáo dục, y tế, văn hóa còn bao gồm đào tạo, dạy nghề, thể dục thể thao, môi trường. Theo đó, các đối tượng được thực hiện xã hội hóa bao gồm: (i) các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực văn hóa; (ii) các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hoạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (“Cơ sở xã hội hóa”).

 

Như vậy, xã hội hóa có thể thực hiện thông qua một trong hai phương án: (i) doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án đầu tư thông qua liên doanh, liên kết với/hoặc tự mình thành lập một cơ sở có đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc (ii) các cơ sở sự nghiệp công lập huy động vốn, góp vốn, liên doanh, liên kết để thành lập cơ sở hoạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Đã có điều kiện cần

 

Các cơ sở xã hội hóa về nguyên tắc được hưởng nhiều ưu đãi từ Nhà nước, điển hình như: được cho thuê đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, được Nhà nước cho thuê cơ sở vật chất dài hạn và giá ưu đãi, được Nhà nước cho thuê đất và miễn tiền thuê toàn bộ thời gian thuê hoặc trong một số năm nhất định trong thời gian thuê; được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ sở xã hội hóa chỉ phải chịu mức thuế suất là 10% trong suốt thời gian hoạt động; cơ sở xã hội hóa mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm năm tiếp theo...

 

Với những chính sách trên, xã hội hóa có thể là một mảnh đất vô cùng hấp dẫn đáng được các doanh nghiệp quan tâm.

 

Phải hoàn thiện điều kiện đủ

 

Cơ sở thực hiện xã hội hóa được thành lập, muốn được cấp phép hoạt động phải đảm bảo theo quy hoạch và đảm bảo các tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định. Theo đó, các cơ quan liên quan có trách nhiệm ban hành điều kiện thành lập và hoạt động đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa, ban hành các tiêu chuẩn về lao động nghiệp vụ, cơ sở vật chất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa. Đồng thời các bộ chuyên ngành cũng có trách nhiệm quyết định việc thành lập hoặc đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ và phân cấp của cơ quan có thẩm quyền.

 

Có hai vấn đề liên quan đến các quy định này cần xem xét.

 

Thứ nhất, điều kiện (để được cấp phép) hoạt động của cơ sở xã hội hóa và điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa là giống hay khác nhau?

 

Như đã đề cập ở ngay trên, cơ sở xã hội hóa muốn được cấp phép hoạt động phải đảm bảo theo quy hoạch và đảm bảo các tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên các điều kiện để hoạt động này được quy định ở đâu và như thế nào thì chưa thấy. Mặt khác, ta lại có các quy định (theo Quyết định số 1466/2008 TTCP và sau đó đã được sửa đổi) trong đó nêu rõ các điều kiện về tiêu chuẩn, quy mô mà cơ sở xã hội hóa phải đáp ứng để được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi (lưu ý: về nguyên tắc, đây không phải là điều kiện hoạt động của cơ sở xã hội hóa).

 

Phải chăng có hai loại điều kiện riêng biệt: một loại là điều kiện để hoạt động (1) và loại kia là điều kiện để được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi (2)? Nếu hai loại điều kiện này tách rời, một cơ sở thực hiện xã hội hóa có thể được phép thành lập khi thỏa điều kiện (1) nhưng vẫn có khả năng không được hưởng chính sách khuyến khích nếu không đáp ứng được điều kiện (2). Trong trường hợp như thế, nhà đầu tư khó có thể yên tâm mà hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa. Thiết nghĩ cần quy định rõ theo hướng một khi Cơ sở xã hội hóa đã được cấp phép hoạt động cũng đồng thời được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa.

 

Thứ hai, thủ tục hành chính cụ thể mà các doanh nghiệp muốn thực hiện xã hội hóa là như thế nào, được quy định ở đâu; các loại giấy tờ và đơn từ phải trình cơ quan cấp phép, thời gian xử lý để xin thành lập, thay đổi, bổ sung nội dung hoạt động, chuyển đổi hình thức... chưa được quy định cụ thể, rõ ràng như đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp hay đăng ký đầu tư.

 

Trong thời gian các cơ quan nhà nước chưa kịp cụ thể hóa quy định pháp luật về những vấn đề nêu trên, các cơ sở xã hội hóa sẽ phải tự “mày mò” từng bước để được cấp phép và sau đó triển khai hoạt động với bất lợi là phải tốn rất nhiều công sức và thời gian cộng với rủi ro là pháp luật có thể thay đổi giữa chừng gây ra không ít hệ lụy bất lợi cho họ.

 

Bên cạnh những vấn đề vừa đề cập ở trên, các quy định liên quan đến quản lý cơ sở xã hội hóa cũng cần được quy định rõ ràng và cụ thể hơn nữa. Trong lĩnh vực quản lý, sẽ hợp lý hơn nếu phân cấp về cho chính quyền cấp tỉnh nhiệm vụ và thẩm quyền cho phép hoạt động, theo dõi và quản lý theo quy định và quyết định đình chỉ hoạt động trong trường hợp vi phạm pháp luật đối với các cơ sở xã hội hóa.

 

Theo quy định hiện hành, các cơ sở xã hội hóa phải thực hiện công khai về phí, hoạt động, tài chính, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, việc công khai này được thực hiện như thế nào, ở đâu, khi nào và các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước liên quan tiến hành như thế nào thì chưa có quy định cụ thể. Các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng xã hội khi sử dụng dịch vụ của cơ sở xã hội hóa cũng chưa được ban hành.

 

Điều đáng lưu ý là hiện nay pháp luật cũng chưa quy định đối với trường hợp cơ sở xã hội hóa được hưởng các chính sách khuyến khích và đã đầu tư tài sản trên đất hoặc các trang thiết bị liên quan, trong trường hợp họ không đáp ứng điều kiện của chính sách khuyến khích nữa hoặc chấm dứt hoạt động thì tài sản đã đầu tư trên đất thuê của nhà nước được giải quyết như thế nào?

 

Để mời gọi tham gia hoạt động xã hội hóa, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Nhà nước phải có những cơ chế cụ thể, rõ ràng, minh bạch mới tạo được sự yên tâm và thoải mái cho người tham gia hoạt động xã hội hóa. Chính vì vậy, việc bổ khuyết, sửa đổi những điều cần thiết trong các quy định hiện hành là đòi hỏi cấp thiết nếu chúng ta thật sự muốn khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân tham gia hoạt động xã hội hóa như Nhà nước chủ trương.

 

Nguyễn Thị Hằng- Lê Tiến Đạt- Lương Văn Lý (*)/TBKTSG

 

(*) Phước & Partners Llp

 

(1)Quyết định số 3861/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch đẩy

 

mạnh xã hội hóa đầu tư trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2020.

 

(2)Mục I của Nghị quyết số 90.

 

(3)Điều 2 của Nghị định 69/2008 sửa đổi.

 

(4)Điều 4.1 Nghị định 69/2008 sửa đổi.

 

(5)Điều 17.5 và điều 17.10 của Nghị định 69/2008 sửa đổi.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 20
Truy cập trong 7 ngày :131
Tổng lượt truy cập : 12,717