Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Vỉa hè tại các đô thị lớn thường được coi là một mảng kinh tế khá năng động. Tuy nhiên, những lợi ích công cộng như cảnh quan đô thị, quyền sử dụng vỉa hè của người đi bộ và người khuyết tật còn quan trọng hơn. Việc quản lý, khai thác do đó cần được điều chỉnh theo những nguyên tắc và luật định phù hợp, nghiêm minh để hài hòa các lợi ích.

Lát đá vỉa hè trung tâm quận 1, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Nhìn từ vỉa hè Paris

Những ai đã một lần đến Paris, nhất là mùa hè, chắc hẳn rất ấn tượng với quang cảnh nhộn nhịp của các quán cà phê vỉa hè, từ trưa đến tối. Nếu gọi một thức uống và ngồi ở vỉa hè, thường phải trả gấp đôi so với đứng uống tại quầy bên trong, và ước tính 30% doanh thu của các quán cà phê này nhờ từ vỉa hè. Theo số liệu năm 2016, Paris có khoảng 3.260 cơ sở kinh doanh vỉa hè đóng (lắp ráp cố định), 12.285 vỉa hè mở (không cố định, che chắn), 6.600 cơ sở kinh doanh có quầy hàng trên tổng 2.400 ki lô mét vỉa hè. Mỗi năm các cơ sở kinh doanh như thế này đóng góp khoảng 30 triệu euro tiền thuế vỉa hè cho thành phố.

Việc quản lý khai thác vỉa hè phải tuân theo các quy định cụ thể, đặc biệt là nguyên tắc đảm bảo lợi ích công cộng, ưu tiên tuyệt đối cho người đi bộ, người khuyết tật. Chẳng hạn, độ rộng tối thiểu dành cho người đi bộ trên vỉa hè phải là 1,6 mét, mái che tối đa bằng một nửa độ rộng của vỉa hè, phần đặt quầy hàng, bàn ghế tối đa là một phần ba độ rộng vỉa hè, chiều cao tối đa là 1,3 mét để không che tầm nhìn của người đi bộ. Ví dụ, nếu vỉa hè có độ rộng bốn mét thì mái che rộng tối đa 2 mét, phần kinh doanh được bày biện rộng tối đa 1,33 mét. Bên cạnh quy định chung của thành phố, tùy theo từng tuyến đường, khu vực cụ thể mà có thêm thỏa ước chung của những hộ cư trú, cơ sở kinh doanh khác trên cùng tuyến đường, khu vực, nhưng tối thiểu phải đáp ứng quy định chung của thành phố.

Tuy nhiên, các vi phạm trong việc sử dụng vỉa hè ở Paris là không ít, dù mỗi lần vi phạm có thể bị phạt đến 1.500 euro và có thể bị thu hồi giấy phép. Cũng theo số liệu năm 2016, có hơn 10.000 trường hợp vi phạm trong việc sử dụng vỉa hè, khoảng 75% số cơ sở kinh doanh. Có lẽ Paris là thành phố thu hút nhiều du khách và quy hoạch của những tuyến đường có thể kinh doanh vỉa hè có đủ không gian cho người đi bộ, người khuyết tật nên việc xử lý vi phạm còn có nhiều du di.

Hướng về vỉa hè TPHCM

Làn đi bộ một chiều theo quy định hiện nay ở Việt Nam là 0,75 mét, như vậy độ rộng tối thiểu cho người đi bộ trên vỉa hè phải là 1,5 mét. Nhưng hiện nay ở TPHCM, có bao nhiêu tuyến đường có được vỉa hè có độ rộng hơn 1,5 mét? Nếu như cần độ rộng tối thiểu 1 mét để kinh doanh thì độ rộng vỉa hè tối thiểu phải là 2,5 mét, chưa tính thêm khoảng cách an toàn với mép đường.

Vấn đề nổi cộm của vỉa hè TPHCM lại liên quan nhiều đến các bãi gửi xe máy. Số lượng xe máy ở thành phố ước tính đã hơn 8 triệu chiếc, nếu mỗi xe chiếm diện tích 2 mét vuông (dài 2 mét, rộng 1 mét) thì lượng xe này chiếm diện tích khoảng 16 ki lô mét vuông, tương đương diện tích của ba quận 1, 3, và 5 cộng lại. Một con số kinh khủng! Với nhu cầu nhà ở, văn phòng, khu thương mại cao của thành phố như hiện nay thì quỹ đất dành cho các bãi xe công cộng là một điều rất khó.

Do đó, để vỉa hè của đô thị tăng mỹ quan, đảm bảo quyền sử dụng vỉa hè của người đi bộ, người khuyết tật, tăng thu ngân sách cho thành phố thì cần phải quy hoạch lại vỉa hè, tức phải đảm bảo vỉa hè có độ rộng tối thiểu (ở những tuyến đường nhỏ) và có thể kết hợp kinh doanh (ở những tuyến đường rộng hơn). Việc thực hiện chắc chắn sẽ có những phản ứng, nhưng chính quyền thành phố có thể đền bù, rồi thu thuế hay cho thuê từ những năm về sau.

Bên cạnh đó, cần triệt để giảm phương tiện cá nhân là xe máy, thông qua các phương tiện công cộng như xe buýt, hệ thống xe đạp, xe máy dùng chung công cộng như nhiều thành phố lớn trên thế giới đã triển khai. Vì tính ra, chi phí xăng, bảo trì, gửi xe một năm có khi còn cao hơn việc sở hữu (mua) xe máy riêng. Cái khó cần vượt là tâm lý sĩ diện khi nhiều người vẫn không coi xe máy chỉ là phương tiện đi lại, và thói quen ít đi bộ ở các cự ly ngắn. Vỉa hè - xe máy có vẻ như là vấn đề quả trứng - con gà. Nhưng có thể giải quyết đồng thời cả hai, để có được một thành phố ít xe máy cá nhân và vỉa hè ít ra đủ rộng cho người đi bộ và người khuyết tật.

 

Võ Đình Trí/TBKTSG

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :135
Tổng lượt truy cập : 12,724