Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )
 16/11/2022 Lượt xem: 223

Phần lớn mọi người đều suy nghĩ đơn giản rằng nghỉ ngơi tức là ngủ cho đủ giấc nhưng trên thực tế có những kiểu nghỉ ngơi khác, như sự nghỉ ngơi để sáng tạo, nghỉ ngơi cảm xúc, nghỉ ngơi tâm linh… giúp chúng ta phục hồi cuộc sống, tái tạo năng lượng, khôi phục tinh thần . May mắn thay những điều mà người thời nay đều cần ấy hóa ra, không khó làm.

 Tại Singapore, việc thiếu nghỉ ngơi trong bối cảnh đại dịch đã dẫn đến tình trạng nhiều người phát sinh triệu chứng bệnh lý liên quan đến căng thẳng. Grace Huang, bác sĩ nội trú tại DTAP Clinic, một phòng khám đa khoa, cho biết: “Bệnh nhân thiếu nghỉ ngơi có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhức đầu, mệt mỏi đến các vấn đề về dạ dày hay chứng đau nửa đầu. Một số khác có thể xuất hiện các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần như mất ngủ, lo lắng và các vấn đề về tâm trạng”. Đáng lưu ý là có bệnh nhân một ngày ngủ đủ bảy tám tiếng đồng hồ mà vẫn thức dậy trong tình trạng kiệt sức. Do đó, các bác sĩ lưu ý nghỉ ngơi không chỉ được thực hiện về mặt thể chất mà còn phải quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nữa.

 Bảy kiểu nghỉ ngơi mà con người hiện đại nên có

Nghi ngoi cung phai hoc

Nguồn: Sacred Rest: Recover Your Life, Renew Your Energy, Restore Your Sanity – Saundra Dalton-Smith.

Một cách tiếp cận phổ biến được nhiều bác sĩ tại Singapore áp dụng cho bệnh nhân là bảy phạm trù nghỉ ngơi theo khuyến cáo của nữ bác sĩ người Mỹ Saundra Dalton-Smith qua quyển sách mang tựa đề Sacred Rest: Recover Your Life, Renew Your Energy, Restore Your Sanity (tạm dịch: Nghỉ ngơi là thiêng liêng: Phục hồi cuộc sống, tái tạo năng lượng, khôi phục tinh thần). Theo tác giả, phần lớn mọi người đều suy nghĩ đơn giản rằng nghỉ ngơi tức là ngủ cho đủ giấc – nhưng trên thực tế, chúng ta đang bỏ lỡ những kiểu nghỉ ngơi không kém phần quan trọng khác.

Trước hết phải nói đến nghỉ ngơi thể chất (physical rest) – có thể là thụ động (passive) hay chủ động (active). Nghỉ ngơi thể chất thụ động bao gồm ngủ và chợp mắt, trong khi nghỉ ngơi thể chất chủ động liên quan đến các hoạt động phục hồi như yoga, liệu pháp kéo giãn và mát-xa giúp cải thiện sự tuần hoàn và tính linh hoạt của cơ thể.

Kế đó là nghỉ ngơi tinh thần (mental rest). Chẳng hạn một người bắt đầu công việc mỗi ngày với một ly cà phê khổng lồ nhưng sau đó thường cáu kỉnh và hay quên, và rất khó tập trung vào công việc của mình. Khi buổi tối đặt lưng xuống giường ngủ, người này thường cố gắng tắt hoạt động bộ não của mình vì những cuộc trò chuyện trong ngày lấp đầy suy nghĩ của anh ấy. Và mặc dù đã ngủ từ bảy đến tám tiếng, anh ta thức dậy với cảm giác như chưa bao giờ đi ngủ.

Nếu mắc phải tình trạng giống như người này, bạn có thể lên lịch nghỉ ngắn hai tiếng một lần trong suốt ngày làm việc của bạn; những khoảng nghỉ này có thể nhắc nhở bạn giảm tốc độ. Bạn cũng có thể giữ một cuốn sổ ghi chú bên cạnh giường để ghi lại bất kỳ suy nghĩ dai dẳng nào khiến bạn tỉnh táo.

Loại thứ ba là nghỉ ngơi theo giác quan (sensory rest). Đèn sáng, màn hình máy tính, tiếng ồn xung quanh và nhiều cuộc trò chuyện – cho dù đang ở trong văn phòng hay đang thực hiện các cuộc gọi Zoom – có thể khiến các giác quan của chúng ta cảm thấy choáng ngợp. Điều này có thể được khắc phục bằng cách làm điều gì đó đơn giản như nhắm mắt lại một phút vào giữa ngày, cũng như cố tình rút phích cắm khỏi thiết bị điện tử vào cuối mỗi ngày. Những khoảnh khắc cố ý của sự thiếu hụt cảm giác có thể bắt đầu xóa tan những tổn thương do thế giới quá sôi động này.

Loại nghỉ ngơi thứ tư là nghỉ ngơi để sáng tạo (creative rest). Loại nghỉ ngơi này đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ ai phải giải quyết vấn đề hoặc động não để hình thành ý tưởng hay tư duy mới. Nghỉ ngơi để sáng tạo đánh thức lại sự kinh ngạc và ngạc nhiên bên trong mỗi chúng ta. Hãy cho phép bản thân tận hưởng vẻ đẹp của không gian ngoài trời – ngay cả khi đó là ở công viên địa phương hay ở trong sân sau nhà bạn – trong trạng thái nghỉ ngơi để sáng tạo.

Nhưng nghỉ ngơi để sáng tạo không chỉ đơn giản là cảm nhận và trân trọng thiên nhiên mà còn bao gồm cả việc thưởng thức nghệ thuật. Biến không gian làm việc của bạn thành một nơi đầy cảm hứng bằng cách hiển thị hình ảnh về những địa điểm bạn yêu thích và các tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa với bản thân. Bạn không thể dành bốn mươi tiếng đồng hồ một tuần để nhìn chằm chằm vào môi trường xung quanh trống rỗng hoặc lộn xộn và mong đợi cảm thấy đam mê với bất cứ điều gì, nói chi tới việc nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo.

Để hiểu về nghỉ ngơi cảm xúc (emotional rest), hãy thử quan sát trường hợp một người bạn hay đồng nghiệp rất dễ thương mà chúng ta đã từng có. Chúng ta thường nhờ người này giúp đỡ vì thậm chí khi không muốn, người này cũng sẽ cho chúng ta câu trả lời “có” miễn cưỡng thay vì nói thẳng là “không”. Nhưng khi ở một mình, người bạn này cảm thấy không được trân trọng vì những người xung quanh đang lợi dụng mình.

Theo bác sĩ Saundra Dalton-Smith, người bạn này cần nghỉ ngơi cảm xúc, tức là có thời gian và không gian để tự do thể hiện cảm xúc của mình và hạn chế làm hài lòng tất cả mọi người. Nghỉ ngơi cảm xúc cũng cần có dũng khí đích thực. Một người nghỉ ngơi về cảm xúc có thể trả lời câu hỏi “Hôm nay bạn thế nào?” bằng một câu nói thành thật “Tôi không ổn” – và sau đó tiếp tục thổ lộ những điều khó khăn đang ức chế trong lòng mình.

Nếu đang cần nghỉ ngơi về mặt cảm xúc, bạn cũng có nguy cơ thiếu nghỉ ngơi về mặt xã hội (social rest). Điều này xảy ra khi con người không phân biệt được đâu là những mối quan hệ giúp chúng ta phục hồi và thoát khỏi những mối quan hệ khiến bản thân mình kiệt quệ. Để trải nghiệm nghỉ ngơi xã hội nhiều hơn, hãy làm bạn với những người tích cực và hỗ trợ mình. Ngay cả khi các giao lưu hay tương tác phải diễn ra qua nền tảng trực tuyến, bạn có thể chọn cách tham gia trọn vẹn hơn bằng cách bật camera và tập trung vào người bạn đang nói chuyện.

Cuối cùng là nghỉ ngơi tâm linh (spiritual rest), tức khả năng kết nối vượt ra ngoài thể chất và tinh thần và cảm nhận được cảm giác thân thuộc, tình yêu thương, sự chấp nhận và sứ mệnh cuộc sống. Để nhận được điều này, bác sĩ Saundra Dalton-Smith khuyên chúng ta nên làm điều gì đó cao cả hơn bản thân và nên hình thành thêm những thói quen hàng ngày như cầu nguyện, thiền định hay tham gia hoạt động cộng đồng.

Nhu cầu nghỉ ngơi của mỗi cá nhân khác nhau dựa trên lối sống và trách nhiệm của họ. Do đó, bác sĩ Saundra Dalton-Smith đã cung cấp một công cụ trực tuyến miễn phí để đo lường nhu cầu nghỉ ngơi của một người trên trang web RestQuiz.com. Theo đó, kiểu nghỉ ngơi nào có điểm cao nhất là phần nên tập trung xử lý vì chúng ta đang thiếu trong cuộc sống của mình. Từ 0-15 điểm: Bạn đang được nghỉ ngơi đầy đủ trong lĩnh vực này. Từ 16-25: Bạn đang trải nghiệm sự nghỉ ngơi trong lĩnh vực này nhưng nên dành nhiều thời gian hơn để sức khỏe tốt hơn. Từ 26-35: Bạn đang cảm thấy ảnh hưởng của việc thiếu nghỉ ngơi và cần thay đổi. Trên 35: Cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực do không được nghỉ ngơi đầy đủ trong lĩnh vực này.

Bản thân tôi cũng làm bài trắc nghiệm và thấy có vài điểm cần điều chỉnh. Chẳng hạn kết quả về nghỉ ngơi giác quan có vẻ không phản ánh đúng hiện trạng vì tôi cảm thấy thời gian sử dụng thiết bị “thông minh” khá nhiều. Dù sao tôi vẫn thấy cuộc đời này là đáng sống và mỗi buổi sáng thức dậy làm một điều gì đó là một đặc ân của Thượng đế. Đại dịch đã cho tôi thời gian nghỉ ngơi và học cách nghỉ ngơi. Độc giả có thể cười khi nghe tôi cho rằng nghỉ ngơi cũng nên được xem là kiến thức và kỹ năng cần được lĩnh hội và rèn luyện thường xuyên. Nhưng trên đời không có bữa ăn nào là miễn phí, phần thưởng cho việc hiểu biết về nghỉ ngơi và việc áp dụng những phương cách nghỉ ngơi phù hợp là bạn sẽ tái tạo năng lượng cho bản thân và tận hưởng cuộc sống này một cách trọn vẹn.

 Hữu Huy/KTSG

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 43
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,873