Banner Ngày 17/9/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Câu chuyện về dự án Thủy điện Sơn La từ cao trình 264m được điều chỉnh xuống 215m trở thành dấu ấn khó phai trong hoạt động tư vấn, phản biện.

Nhớ về người ‘thắp lửa’ phản biện

Nói về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội  (TVPB&GĐXH) có lẽ giới khoa học nhớ nhiều đến cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng khi ông đương nhiệm chức Chủ tịch Liên hiệp hội VN.

 

Khi đó là vào năm 2001, Quốc hội ra Nghị quyết về chủ trương xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Sau đó Chính phủ bàn phương án tiền khả thi dự án thủy điện Sơn La, các nhà khoa học góp ý rằng không nên quyết phương án cao trình đập 264m vì rất nguy hiểm nhưng vẫn được bỏ phiếu thông qua.

 

Không nản lòng, các nhà khoa học Liên hiệp hội VN gửi thư lên Bộ Chính trị, Quốc hội với thông điệp là nếu xảy ra sự cố đập thủy điện cao trình 264 m thì nền văn minh sông Hồng sẽ bị trôi ra biển trong vòng 24 giờ. Cuối cùng, vấn đề được đưa ra Quốc hội và Liên hiệp hội VN được giao phản biện dự án này.

 

Huy động 60 nhà khoa học vượt suối trèo đèo trong hai năm, Liên hiệp hội VN đã thuyết phục được cơ quan quyền lực tối cao. Tháng 12/2002, Quốc hội có nghị quyết về dự án thủy điện Sơn La với cao trình an toàn là 215m. Kết quả bước đi đầu tiên được ghi nhận sự quyết tâm của vị thủ lĩnh đầy bản lĩnh và cũng đặt viên gạch nền móng cho hoạt động này.

 

Cũng từ đấy, hàng loạt các dự án tiếp theo được GS Hoàng sát cánh cùng các nhà khoa học phản biện gây được tiếng vang.

 

Nhiều người còn lo lắng, hoạt động này “đụng chạm” nhiều vấn đề, GS Hoàng ngày đó khẳng khái: “Phải công bằng chứ, nếu tôi phản biện đúng mà anh không nghe thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn nếu tôi phản biện sai thì pháp luật sẽ xử lý tôi”.

 

Thủy điện Sơn La được xem như tiếng chuông đầu ghi nhận thành công của hoạt động phản biện của các nhà khoa học. (Trong ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Nhà máy thủy điện Sơn La)

 Với tâm niệm như vậy, chính GS Vũ Tuyên Hoàng cũng là người không quản ngại nhiều lần đề nghị được trình bày trước Quốc hội về phản biện xã hội và tác dụng của nó, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Cuối cùng, Chính phủ cũng ban hành Quyết định 22/2002/QĐ-TTg về Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Kể từ đó ‘thương hiệu’ phản biện được đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp hội VN duy trì và dày công vun đắp.

 Có lẽ dự án tiếp sau đó mà cơ quan này tham gia phản biện cũng khiến nhiều người không khỏi e ngại, đó là dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.

 Dù rằng dự án đã được quyết định nhưng các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội VN vẫn nghiên cứu và đưa ra quan điểm của mình.

 Sau hai tháng khảo sát với sự tham gia của những nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực khác nhau, Liên hiệp hội VN đã cho ra đời 4 bản báo cáo về các khía cạnh khác nhau của các dự án bauxiteTây Nguyên.

 Kết luận của phản biện này là: “Việt Nam cần cân nhắc kĩ, không thể làm bauxite bằng mọi giá và chỉ nên dừng ở mức thí điểm".

 PGS.TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội VN là người gắn bó với chương trình phản biện bauxite Tây Nguyên đến nay vẫn một lòng muốn Bộ Chính trị, Chính phủ nhìn nhận về dự án bauxite một cách thấu đáo nhất.

 Mới đây nhất, khi Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công thương và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản VN nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu báo cáo về kiến nghị của 12 nhà khoa học liên quan các vấn đề Chương trình bauxite Tây Nguyên trước ngày 15/4/2015 ông bày tỏ sự tin tưởng vào hiệu quả của hoạt động phản biện.

 Theo TS Liêm: "Có thể thấy trong thời gian gần đây các vấn đề về phản biện xã hội đã dần được coi trọng hơn trước. Từ câu chuyện chặt cây Hà Nội, lấp sông Đồng Nai và kể cả việc có làm sân bay Long Thành hay không thì đều được đưa công khai và có nhiều tổ chức có ý kiến.

 Nay Chính phủ lại yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản VN (TKV) báo cáo về việc các nhà khoa học kiến nghị, cảm nhận một sự bắt đầu của không khí đối thoại. Đây là một dấu hiệu rất tích cực cho xã hội mà mong rằng những hoạt động này càng ngày càng tăng lên", PGS Hồ Uy Liêm bày tỏ.

 Cho rằng những ý kiến phản biện này cốt làm cho chính sách của nhà nước tốt hơn, làm cho xã hội chúng ta ngày càng cởi mở, minh bạch hơn, TS Liêm đánh giá cao chỉ đạo của Chính phủ.

 Nhân rộng hiệu quả phản biện

 Kể từ khi các văn bản của Đảng, Chính phủ xác nhận vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV,PB&GĐXH) của Liên hiệp hội VN như là một chức năng chính, là cơ sở để xây dựng các cơ chế chính sách về hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp hội VN, hoạt động này ngày càng được đẩy mạnh.

 Theo dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa VI (nhiệm kì 2010-2015) và phương hướng, nhiệm vụ khóa VII, trong nhiệm kỳ VI, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực vận động chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.

 Từ năm 2010 đến 2015, Liên hiệp hội VN đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Liên hiệp Hội đã đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng của Đảng và Nhà nước, các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội, bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Thủ đô; Luật việc làm; Luật bảo vệ môi trường;

 Dự án “đường sắt cao tốc Bắc-Nam”; Đề án “Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050”; Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đề án “đổi mới cơ chế giáo dục”; phản biện Dự án “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2020 có xét đến năm 2030” do Bộ Công thương chủ trì; tư vấn phản biện về việc sử dụng Amiang trong sản xuất vật liệu xây dựng,.. đã được các nhà khoa học tư vấn, góp ý.

 Cùng với Liên hiệp Hội VN, các Hội ngành toàn quốc đã thực hiện nhiều hoạt động TV,PB&GĐXH, có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án kinh tế - xã hội quan trọng của ngành cũng như của đất nước.

 Hoạt động tham mưu, TV,PB&GĐXH của Liên hiệp hội địa phương và các hội thành viên ở địa phương trong 5 năm 2010-2015 đang được triển khai mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa đối với đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

 Đến nay, hầu hết các Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố đều đã tham gia thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội với hàng trăm dự án của địa phương và đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tham mưu, tư vấn, phản biện với tỉnh ủy, ủy ban nhân dân về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh và triển khai những dự án lớn của địa phương, đóng góp nhiều ý kiến giúp cho các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời triển khai cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

 Tại nhiệm kỳ VI, Liên hiệp hội VN cũng đã cử nhiều chuyên gia tham dự các đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về một số đề án, dự án quan trọng thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội.

 Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, đáng tin cậy giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến KH&CN.

 Nói như PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Tổng thư ký, Giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn phản biện và giám định xã hội, thuộc Liên hiệp hội VN, lâu nay nhiều người nghĩ rằng phản biện là phản đối nên vẫn còn e ngại. Nhưng phải khẳng định rằng phản biện là nhằm mục đích làm cho sâu sắc vấn đề, chứ không phải là phản đối, là đối lập.

 Bích Ngọc/baodatviet

 

 

Truy cập hôm nay : 23
Truy cập trong 7 ngày :143
Tổng lượt truy cập : 15,112