Banner Ngày 9/5/2025
Thông báo về việc điều chỉnh thời gian chấm thi, công bố và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV năm 2024 - 2025 ( 07/05/2025 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

Van ban hang tuan

Quy định về sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Ngày 18/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định 70 năm 2023 có nhiều nội dung tạo thuận lợi cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cụ thể, chuyên gia nước ngoài được xác định là người tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí dự kiến ở Việt Nam. So với trước đây, không còn quy định phải có bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc.

Lao động kỹ thuật người nước ngoài chỉ cần được đào tạo 01 năm trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí dự kiến làm tại Việt Nam thay vì phải làm đúng chuyên ngành theo cũ tại Nghị định 152 năm 2020.

Từ ngày 01/01/2024, việc thông báo tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người nước ngoài phải trong ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Việc khai báo thực hiện trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc cổng thông tin điện tử của trung tâm dịch vụ việc làm do chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Nội dung tuyển dụng gồm vị trí, chức danh, số lượng, mô tả công việc, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc.

Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài trên cả nước cũng như quản lý người Việt làm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định này bãi bỏ nội dung "cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế" tại Nghị định 35/2022. 

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thống nhất quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn. 

 

Doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng phí công đoàn đến 31/12/2023

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định 7823/QĐ-TLĐ ngày 31/8/2023 về việc lùi đóng phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động đồng ý cho các doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 01/01/2023 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.

Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bi cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.

Ban Tài chính Tổng Liên đoàn; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Hoàn thiện lộ trình, phương án cải cách tiền lương trước ngày 16/9/2023

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023 theo Nghị quyết 144/NQ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Quốc hội về lộ trình và phương án cải cách chính sách tiền lương, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/9/2023.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ; phối hợp cơ quan, địa phương đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, thực chất việc thực hiện các Phong trào thi đua: "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030".

Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tư pháp trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đôn đốc các bộ, cơ quan kịp thời ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết, pháp lệnh nhằm khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ trì tổng hợp, rà soát các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết, pháp lệnh còn nợ đọng đến nay, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp khắc phục triệt để, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2023.

Nghiên cứu, hoàn thiện, tối ưu hóa Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, bảo đảm ký số Giấy khai sinh, Trích lục khai tử và bảo đảm hiệu quả trong thực hiện các thủ tục hành chính liên thông, khắc phục tình trạng hồ sơ chưa đồng bộ về hệ thống cho cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

 

10 trường hợo không được bảo hiểm cháy nổ đền bù

Đây là nội dung mới đáng chú ý quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 06/9/2023 của Chính phủ về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Theo Điều 25, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau:

- Động đất, núi lửa hoặc biến động khác của thiên nhiên.

- Thiệt hại do biến cố chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.

- Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

- Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

- Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

- Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

- Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.

- Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

- Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng dưới đây nếu phát sinh từ rủi ro cháy, nổ:

- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.

- Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 29
Truy cập trong 7 ngày :128
Tổng lượt truy cập : 19,154