Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

Van ban hang tuan

Một số giải thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững

Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi, trong đó tập trung:

- Khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

- Tích cực nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội".

- Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản:

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án bất động sản; phù hợp hơn với thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, để giải quyết tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối bất động sản không phải nhà ở.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Đầu tư.

Để các địa phương thực hiện thuận lợi và thống nhất, nghiên cứu và xây dựng ​Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị

Ngoài ra, các địa phương cần ban hành ngay các quy định, hướng dẫn và giải pháp tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của mình. Với các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thủ tục nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động của Bộ KHĐT

Ngày 06/3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn 1554/BKHĐT-TCCB về việc giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động.

Nhằm thống nhất việc triển khai giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc diện Bộ trực tiếp quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn như sau: 

- Thời điểm nghỉ hưu đối với công chức, viên chức đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động. 

- Việc giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:

- Công chức, viên chức có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi (do suy giảm khả năng lao động) báo cáo người đứng đầu đơn vị để biết và cho ý kiến.  

- Đơn của công chức, viên chức gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt chủ trương. 

- Vụ Tổ chức cán bộ thông báo chủ trương của Lãnh đạo Bộ để Người đứng đầu đơn vị và công chức, viên chức được biết.  

Trường hợp Lãnh đạo Bộ đồng ý, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì hướng dẫn và hoàn thiện thủ tục giới thiệu công chức, viên chức đi giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động. 

- Trong 05 ngày làm việc kể từ khi có kết luận giám định y khoa, công chức, viên chức báo cáo kịp thời kết quả giám định y khoa với Người đứng đầu đơn vị và gửi bản gốc hoặc bản sao (công chứng) về Vụ Tổ chức cán bộ.  

Trường hợp công chức, viên chức đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ký ban hành quyết định nghỉ hưu và hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Nguy cơ cúm gia cầm H5N1: Không nên ăn tiết canh, gia cầm ốm

Ngày 27/02/2023, Bộ Y tế ban hành Công điện 258/CĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Tại Việt Nam, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, các lễ hội sau Tết vẫn tiếp tục được tổ chức, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

- Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch...

- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

- Tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch.

- Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh.

Đặc biệt, khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Tiêu chí phân vùng y tế xã giai đoạn đến năm 2030

Ngày 09/3/2023, Bộ Y tế đã ra Quyết định 1300/QĐ-BYT về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030.

Cụ thể, các xã được phân vùng theo tiêu chí như sau:

- Xã vùng 3:

Là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có khoảng cách từ trạm y tế đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nhất từ 05 km trở lên (nếu có địa hình đặc biệt khó khăn, từ 3 km trở lên).

Xã đồng bằng, trung du có khoảng cách từ trạm y tế đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nhất từ 15 km trở lên.

Các xã có điều kiện địa lý, giao thông khó khăn, người dân khó tiếp cận đến trạm y tế xã và khó đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực.

- Xã vùng 2:

Là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có khoảng cách từ trạm y tế đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nhất < 05 km trở lên (nếu có địa hình đặc biệt khó khăn, < 03 km).

Xã đồng bằng, trung du có khoảng cách từ trạm y tế đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nhất từ 03 đến < 15 km.

Các xã có điều kiện địa lý, giao thông bình thường, người dân có thể tiếp cận đến trạm y tế xã và bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực.

- Xã vùng 1:

Là xã đồng bằng, trung du có khoảng cách từ trạm y tế đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực gần nhất < 03km.

Nếu trạm y tế xã lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực thì tính khoảng cách từ trạm y tế xã tới bệnh viện, trung tâm y tế gần nhất…

Quy định về tổ chức ngoài trường học cho trẻ em

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục.

Theo Thông tư 27, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em ở ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục có trách nhiệm lấy ý kiến cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trước khi trẻ tham gia, lấy ý kiến của trẻ em trong trường hợp trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên.

Đồng thời, trước khi tham gia hoạt động phải thông báo đầy đủ:

- Chương trình, thời lượng, thời gian, địa điểm, đối tượng, số lượng trẻ em tham gia, hình thức tổ chức, nhân lực đến trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ trước khi trẻ tham gia hoạt động.

- Công khai, minh bạch khoản kinh phí đóng góp đến trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trước khi trẻ em tham gia hoạt động.

Trong quá trình tổ chức hoạt động phải hường xuyên quan tâm, theo dõi sức khỏe của trẻ em. Bảo đảm điều kiện về nhân lực, y tế để kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho trẻ. Bảo đảm phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh theo quy định.

Thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức hoạt động khi xảy ra vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em.

Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030

Ngày 06/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 174/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản:

- 100% vị trí giám sát dòng chảy xuyên biên giới được giám sát tự động, trực tuyến;

- 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải;

- 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định;

- 50% nguồn nước thuộc đối tượng lập hành lang bảo vệ nguồn nước được cắm mốc theo quy định;

- 100% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn quốc gia trước khi xả vào nguồn nước, hệ thống thoát nước chung.

Phấn đấu đến năm 2050 duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương, đa phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam tham gia. 

Nội dung quy hoạch bao gồm: chức năng nguồn nước; quản lý, điều hòa, phân bổ nguồn nước; các công trình khai thác sử dụng nước trên sông, đoạn sông, kênh, rạch, tầng chứa nước; công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước...

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, phụ cấp hàng tháng

Ngày 07/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Tại nghị quyết 31, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 75/2021/NĐ-CP.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đến nay, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ đã cơ bản hoàn thành.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm toàn diện, đồng bộ, bền vững.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, hoàn thành việc chi trả các chế độ cho đối tượng theo quy định, hoàn thành trong tháng 3/2023.

Chính phủ giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đôn đốc việc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết, chi trả kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. 

Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở rộng hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đẩy nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện, kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội…

Bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình giấy xác nhận cư trú

Ngày 09/3/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 1472/VPCP-KSTT của  về việc công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú

Nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, triển khai có hiệu quả Luật Cư trú... Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:

- Khẩn trương rà soát, sửa đổi các Thông tư, Quyết định, văn bản thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ xác nhận của địa phương nơi cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

- Các Bộ, ngành hoàn thành việc công bố các thủ tục hành chính có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú trước ngày 15/3/2022 làm cơ sở cho các địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả.

- Căn cứ trên cơ sở công bố của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy xác nhận cư trú (kể cả trường hợp chứng minh nơi cư trú trước khi xác nhận giấy tờ như Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sơ yếu lý lịch…), hoàn thành trước ngày 20/3/2023.

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 20
Truy cập trong 7 ngày :133
Tổng lượt truy cập : 12,706