Banner Ngày 27/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật với công việc nguy hiểm, độc hại

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Theo đó, Điều 4 quy định mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1 là 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2 là 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); - Mức 3 là 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4 là 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ hai điều kiện sau:

- Thứ nhất: Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

- Thứ hai: Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố: Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế; Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”.

Quy định nội dung bắt buộc có trên nhãn của một số nhóm hàng hóa từ 15/02/2023

Ngày 30/12/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 18/2022/TT-BKHCN quy định một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử.

Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

- Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử của các nhóm hàng hóa từ Mục 25 - 38; Mục 40, 44, 50, 51, 52, 53 và Mục 58 đến mục 64 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ- CP.

- Các nhóm hàng hóa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung khác không thuộc Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này không áp dụng ghi nhãn bằng phương thức điện tử theo quy định tại Thông tư này. 

- Hàng hóa là trang thiết bị y tế thực hiện ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử thực hiện theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. 

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa khi thể hiện nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử quy định tại Thông tư này bảo đảm các yêu cầu sau: 

- Phương thức điện tử được thể hiện rõ đường dẫn trên nhãn hàng hóa, ví dụ: mã số mã vạch, mã QR code, trên màn hình điện tử của sản phẩm có màn hình hoặc các phương thức điện tử thông dụng khác; 

- Bảo đảm phương tiện, thiết bị và/hoặc hướng dẫn khách hàng truy cập nội dung quy định bằng phương thức điện tử của nhãn hàng hóa tại chỗ; 

-Nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử phải tương ứng với nội dung thể hiện trên nhãn trực tiếp, không làm người đọc, xem, nghe hiểu sai lệch bản chất của hàng hóa.

Hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực Ngân hàng

Ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 21/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng.

Theo đó, Thông từ này ban hành bản mô tả công việc, tiêu chuẩn đối với các vị trí: Chủ tịch Hội đồng quản lý; Thành viên Hội đồng quản lý; Tổng giám đốc; Phó Tổng giám đốc; Trưởng phòng và tương đương; Phó Trưởng phòng và tương đương; Giám đốc chi nhánh; Phó giám đốc chi nhánh; Trưỏng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh; Phó trưỏng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.

Nội dung của các bản mô tả công việc bao gồm: Mục tiêu vị trí việc làm; các công việc và tiêu chí đánh giá; các mối quan hệ công việc; phạm vi quyền hạn; yêu cầu về trình độ, năng lực...

Tiêu chuẩn giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên

Ngày 06/01/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Theo đó, giáo viên giảng dạy tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải đáp ứng các têu chuẩn quy định tại Điều 19:

- Giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông phải đạt trình độ chuẩn đào tạo và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như giáo viên phổ thông tương ứng với từng cấp học.

- Giáo viên tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục, đào tạo để lấy chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân phải đảm bảo các điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

Giáo viên tại Trung tâm có nhiệm vụ và quyền hạn như giáo viên tại trường phổ thông. Ngoài ra, giáo viên tại Trung tâm có thêm một số nhiệm vụ và quyền hạn như:

- Tham gia điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất việc tổ chức các chương trình và hình thức học phù hợp với từng loại đối tượng;

- Biên soạn tài liệu, tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên do Trung tâm tổ chức;

- Tham gia tuyển sinh và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục;

- Tham gia quản lý lớp học, lớp liên kết đào tạo của Trung tâm;

- Tham gia các hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung tâm;

- Hỗ trợ hoạt động chuyên môn tại trung tâm học tập cộng đồng;

- Phụ đạo, hỗ trợ học tập với học viên khuyết tật.

Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý

Ngày 30/12/2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BNV hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính.

Cụ thể, Thông tư này hướng dẫn: 

- Vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng  chung; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính; 

- Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; vị trí  việc làm hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. 

Vị trí việc làm quy định tại Thông tư này bao gồm: Danh mục vị trí việc  làm; bản mô tả công việc và khung năng lực đối với từng vị trí việc làm. 

Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng với các đối tượng:

- Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan  ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức hành chính do Chính phủ, Thủ tướng  Chính phủ quyết định thành lập, ủ y ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. 

- Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc xác định vị trí việc làm 

- Vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tố chức hành chính được  xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.

- Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và vị trí  việc làm hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định trên cơ  sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP. 

- Vị trí việc làm được điều chỉnh phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm bố  trí, quản lý và sử dụng hiệu quả biên chế công chức, số lượng người làm việc được giao theo vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế. 

Thay đổi hồ sơ chứng minh người phụ thuộc khi nộp thuế TNCN

Ngày 30/12/2022, Bộ Tài chính đã ra Thông tư 79/2022/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân quy định tại  điểm g khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC được sửa đổi như sau:

Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đối với con:

- Con dưới 18 tuổi: Bản chụp Giấy khai sinh, bản chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (nếu có).

(So với trước đây bổ sung Căn cước công dân)

- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động: Bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (nếu có); bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật.

- Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì ngoài các giấy tờ trên, cần có thêm giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ như: bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con...

Đối với vợ hoặc chồng, hồ sơ chứng minh gồm:

- Bản chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.

- Bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân do Công an cấp (chứng minh được mối quan hệ vợ chồng) hoặc Bản chụp Giấy chứng nhận kết hôn.

Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi, mẹ nuôi:

- Bản chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.

- Giấy tờ để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân hoặc giấy tờ khác do Cơ quan Công an cấp, giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan có thẩm quyền.

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :135
Tổng lượt truy cập : 12,724