Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

Chưa tăng học phí các cấp trong năm học 2022-2023

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.

Năm 2021, Chính phủ đã có lộ trình tăng học phí từ năm học 2022 - 2023 cho cho các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên cả nước tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên theo Nghị quyết 165 ban hành ngày 20/12/2022, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chưa tăng học phí các cấp trong năm học 2022 - 2023 để tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Theo Nghị quyết 165, các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022 như sau:

- Đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập:  

Cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021  - 2022. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021 - 2022.  Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. 

Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân  dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục. 

- Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022. 

Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo bị tác động do dịch bệnh Covid-19.

Khách hàng có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm đã mua

Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Cụ thể, Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe như sau:

Đối với hợp đồng bảo hiểm thời hạn trên 01 năm, trong 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường và trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người.

Còn bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là sức khoẻ con người.

Năm 2023, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở tăng mạnh

Ngày 08/12/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra Quyết định 5692/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn các cấp.

Theo đó, Điều 3 quy định về mức phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở như sau:

- Hệ số phụ cấp trách nhiệm tối đa đối với chức danh chủ tịch công đoàn cơ sở:

Số lượng đoàn viên công đoàn

(lấy số liệu cuối năm trước làm cơ sở xác định phụ cấp)

Khu vực doanh nghiệp và ngoài khu vực nhà nước

Khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước

Dưới 50 đoàn viên

0,10

0,14

Từ 50 đến dưới 200 đoàn viên

0,20

0,28

Từ 200 đến dưới 500 đoàn viên

0,30

0,35

Từ 500 đến dưới 1.000 đoàn viên

0,40

0,45

Từ 1.000 đến dưới 2.500 đoàn viên

0,50

0,60

Từ 2.500 đến dưới 5.000 đoàn viên

0,60

0,80

Từ 5.000 đến dưới 10.000 đoàn viên

0,70

1,00

Từ 10.000 đến dưới 20.000 đoàn viên

0,80

-

Từ 20.000 đến dưới 30.000 đoàn viên

0,90

-

Từ 30.000 đoàn viên trở lên

1,00

-

- Các đối tượng dưới đây được ban chấp hành công đoàn cơ sở căn cứ nguồn chi được duyệt để cụ thể hóa hệ số chi phụ cấp trong quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở:

Phó chủ tịch công đoàn cơ sở; công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có);

Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở, ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có);

Tổ trưởng, tổ phó công đoàn.

Thời gian chi phụ cấp với các đối tượng trên có thể thực hiện theo tháng, quý, 06 tháng hoặc năm.

- Về mức lương làm cơ sở tính hưởng phụ cấp:

Công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước:

Mức phụ cấp hằng tháng = Hệ số x Mức lương cơ sở.

Công đoàn cơ sở doanh nghiệp và công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước:

Mức phụ cấp hằng tháng = Hệ số phụ cấp x Mức lương tối thiểu vùng

Trước đây, hệ số phụ phụ cấp lãnh đạo được quy định cụ thể cho tất cả các đối tượng được hưởng phụ cấp và áp dụng chung cho cả công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp và khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước. Đồng thời, mức phụ cấp hằng tháng đều tính bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở.

Có thể thấy, quy định mới về phụ cấp trách nhiệm của cán bộ công đoàn cơ sở đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Trong năm 2023, mức phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở có thể sẽ tăng mạnh.

Cụ thể, Chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp có thể được hưởng mức phụ cấp cao nhất là 4,68 triệu đồng/tháng (theo mức lương tối thiểu vùng I). Chủ tịch công đoàn cơ sở khối hành chính, sự nghiệp Nhà nước được hưởng mức phụ cấp cao nhất là 1,8 triệu đồng/tháng từ 01/7/2023 do tăng lương cơ sở.

Quyết định 5692/QĐ-TLĐ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023.

4 loại giấy tờ chứng minh cư trú thay sổ hộ khẩu từ ngày 01/01/2023

Ngày 21/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, số tạm trú giấy.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2023, có 04 loại giấy tờ có giá trị chứng minh cư trú bao gồm:

Thẻ Căn cước công dân

Chứng minh nhân dân

Giấy xác nhận thông tin về cư trú

Giấy thông báo số định danh cá nhân thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các thủ tục hành chính, dịch vụ công có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thay thế bằng việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú theo Điều 14 Nghị định này.

Cụ thể, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong 04 phương thức:

- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

- Tra cứu thông tin cá nhân qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

- Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip;

- Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 đã quy định 06 địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình.

Cụ thể, Điều 19 Luật này nêu ra các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình;

- Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra bạo lực gia đình;

- Cơ sở giáo dục nơi mà người bị bạo lực gia đình học;

- Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ dân phố khu dân cư nơi xảy ra bạo lực gia đình.;

- Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình;

- Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (hiện nay chưa có tổng đài này).

Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến các địa chỉ trên thực hiện theo hình thức: Gọi điện, nhắn tin, gửi đơn, gửi thư hoặc trực tiếp báo tin.

Theo Điều 24, khi có thông tin về bạo lực gia đinh và được phân công giải quyết vụ việc, Trưởng Công an xã có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ thông tin và giải quyết trong trường hợp:

- Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật, người cao tuổi, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân là người bị bạo lực gia đình.

- Có căn cứ về việc bạo lực gia đình đã hoặc có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của nạn nhân.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực từ 01/7/2023.

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật,  cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 22
Truy cập trong 7 ngày :135
Tổng lượt truy cập : 12,702