Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

 Van ban hang tuan

Quy trình giải quyết hưởng BHXH 1 lần xác thực qua chữ ký số trên điện thoại

Ngày 09/12/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra Quyết định 3612/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động.

Theo đó, quy trình giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần xác thực qua chữ ký số trên điện thoại thực hiện lần lượt như sau:

- Người lao động kê khai thông tin trên Cổng dịch vụ công, thực hiện ký số, đăng tải các hồ sơ điện tử hoặc dẫn nguồn tài liệu từ Kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân và nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công.

- Cán bộ bộ phận Một cửa truy cập phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ và kiểm tra nội dung kê khai, thành phần hồ sơ, tính chính xác của hồ sơ, thông tin trên hồ sơ để thực hiện:

+ Trường hợp hồ sơ không đúng, không đủ thành phần thì gửi thông báo cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì thông báo giải quyết hồ sơ giao dịch điện tử và trả kết quả đối với hồ sơ giao dịch điện tử cho người lao động và phản hồi trạng thái xử lý cho Cổng dịch vụ công Quốc gia.

- Chuyển toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận cho Bộ phận/Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội để giải quyết.

- Nhận sổ bảo hiểm xã hội bản giấy do người lao động gửi đến khi đã được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thực hiện lưu trữ hoặc chuyển phòng Quản lý hồ sơ lưu trữ.

- Cán bộ Bộ phận/Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội thực hiện:

+ Tiếp nhận hồ sơ từ phần mềm, truy cập Hệ thống quản lý chính sách để xét duyệt và trình lãnh đạo phê duyệt Quyết định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

+ Lập danh sách chi trả bảo hiểm xã hội một lần.

- Cán bộ Bộ phận/Phòng Kế hoạch tài chính tiếp nhận danh sách chi trả bảo hiểm xã hội một lần và thực hiện chi trả theo quy định. 

Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập của công chức Tp.HCM năm 2023

Ngày 09/12/2022, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết 27/2022/NQ-HĐND quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến hết thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Nghị quyết quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết 54/2017/QH14 để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. 

Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm cân đối nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo tăng lương theo lộ trình của Chính phủ (dự kiến vào tháng 7/2023) và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố trong năm 2023 đến hết thời gian thí điểm điều chỉnh thu nhập tăng thêm.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức do Thành phố quản lý ban hành kèm theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố. 

Các Ban của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các đại biểu và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết này. 

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua ngày 09/12/2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền

Ngày 15/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền Luật số 14/2022/QH15.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 gồm 04 Chương 66 Điều, giảm 01 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2021, trong đó có nhiều nội dung mới như:

- Bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Quy định về nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

- Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình và cao.

- Quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng.

- Làm rõ hơn đối tượng báo cáo khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác

- Sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ

- Quy định cụ thể hơn về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền.

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở

Ngày 12/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN và Thông tư 25/2016/TT-NHNN là 5,0%/năm (tăng 0,2% so với năm 2021-2022).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Quyết định 1956/QĐ-NHNN ngày 03/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Căn cứ quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, sửa đổi bởi Thông tư 32/2014/TT-NHNN, đối tượng được cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng mức lãi suất trên bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại với diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2;

- Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng;

- Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình;

- Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp...

- Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.

Hà Nội: quy định về kiểm soát tài sản của người có chức vụ

Ngày 13/12/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 45/2022/QĐ-UBND về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan, đơn vị.

Quyết định này quy định về việc kê khai, giải trình, kiểm soát và xử lý vi phạm về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại thành phố Hà Nội. Theo đó:

Trường hợp kê khai tài sản, thu nhập lần đầu áp dụng với người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Việc kê khai hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác. 

Trường hợp kê khai hằng năm được thực hiện đối với: Người giữ chức Giám đốc sở và tương đương trở lên; Người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Việc kê khai hằng năm hoàn thành trước ngày 31/12. 

Trường hợp kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, trừ trường hợp thực hiện kê khai thu nhập hàng năm.

Việc kê khai bổ sung phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập. 

Trường hợp kê khai phục vụ công tác cán bộ thực hiện với: 

+ Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng, khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ khác. 

+ Người ứng cử trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thời điểm kê khai thực hiện theo quy định về bầu cử. 

Thanh toán lương, thưởng trước tết cho người lao động

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị quyết 156/NQ-CP ngày 06/12/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022.

Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đặc biệt là thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng cuối năm cho người lao động, có biện pháp động viên lao động sớm trở lại làm việc sau Tết, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn để có phương án kết nối cung - cầu lao động, hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.

Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn được vui đón Tết; hạn chế phát sinh các tranh chấp lao động và đình công trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2023.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là vào dịp năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chế độ cho người lao động theo đúng quy định.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương rà soát danh sách người lao động bị mất, giảm việc làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ.

Các hành vị bạo lực gia đình bị nghiêm cấm

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 do Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022.

Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao mới được bổ sung tại Luật này.

Theo Điều 33, công việc phục vụ cộng đồng bao gồm:

- Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác;

- Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Các hành vi bạo lực gia đình:

- Hành hạ, đánh đập, ngược đãi, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

- Lăng mạ, chì chiết hoặc cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật, người cao tuổi, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục trẻ em;

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

- Ngăn cản thành viên gia đình có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh, gặp gỡ người thân;

- Cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

- Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi...

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực từ 01/7/2023.

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 22
Truy cập trong 7 ngày :136
Tổng lượt truy cập : 12,703