Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

Đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất

 Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập cá nhân (TNCN), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và tiền thuê đất trong năm 2022.

 Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022 bao gồm:

 (1) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:

 - Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

 - Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy;

 + Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;

 + Xây dựng;

 + Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, hoạt động sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;

 + Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);

 + Sản xuất đồ uống; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị;

 + Thoát nước và xử lý nước thải.

 (2) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:

 - Vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; kinh doanh bất động sản;

 + Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;

 + Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động chiếu phim;

 + Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin;

 + Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.

 (3) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

 (4) Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định 80/2021/NĐ-CP.

 (5) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (1), (2), (3) là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2021 hoặc 2022. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 28/5/2022.

 Người lao động được tạm trú trong khu công nghiệp

 Đây là nội dung mới tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

 Trước đây, trong khu công nghiệp, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống. Chỉ trong một số trường hợp cần thiết thì người nước ngoài là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia mới được phép tạm trú tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

 Tuy nhiên, với quy định mới tại Điều 25 Nghị định 35, các chuyên gia và cả người lao động sẽ được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Cơ sở lưu trú của chuyên gia, người lao động được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp.

 Trong đó, cơ sở lưu trú phải bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/7/2022.

 Hoàn thành hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong tháng 8/2022

 Ngày 31/5/2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Công văn 1780/LĐTBXH-VL triển khai Quyết định 08/2022/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

 Nhằm thực hiện Công điện 431/CĐ-TTg ngày 19/5/2022 về tăng cường triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

 - Tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đảm bảo hoàn thành chính sách trong tháng 8/2022.

 - Chỉ đạo các cấp, các ngành và Ban quản lý của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế phổ biến, đôn đốc doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện các thủ tục để kịp thời hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

 - Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp rà soát, lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

 - Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị sớm xem xét, thẩm định phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền thuê nhà.

 - Thường xuyên cập nhật số liệu vào biểu mẫu báo cáo trực tuyến về tình hình kết quả thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà.

 Tổng mức hỗ trợ lãi suất khoản vay tại ngân hàng chính sách đến 3.000 tỷ đồng

 Ngày 30/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15.

 Theo Nghị định 36, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ hỗ trợ hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khách hàng có khoản vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ 01/01/2022 đến 31/12/2023 (hoặc đến khi Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo kết thúc thực hiện hỗ trợ, tùy theo thời điểm nào đến trước).

 Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa của chính sách này là 3.000 tỷ đồng. Thời gian vay được hỗ trợ lãi suất xác định từ thời điểm giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc nhưng không nằm ngoài thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất.

 Khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện:

 - Thuộc các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay;

 - Có lãi suất vay vốn trên 6%/năm;

 - Được Ngân hàng Chính sách giải ngân và có phát sinh dư nợ trong thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất (từ 01/01/2022 đến 31/12/2023).

 - Khách hàng vay vốn đúng đối tượng vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định.

 Nếu được hỗ trợ, hằng tháng Ngân hàng Chính sách sẽ thực hiện tính số tiền lãi được hỗ trợ và giảm trừ vào số tiền lãi phải trả của khách hàng vay vốn.

 Tăng cường khám, chữa bệnh thường quy cho người sau khi mắc Covid-19.

 Ngày 27/5/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn 2758/BYT-KCB về việc tăng cường khám, chữa bệnh thường quy và cho người sau khi mắc Covid-19.

 Theo Công văn của Bộ Y tế, một số người dân sau mắc Covid-19 xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.

 Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân nói chung và người sau khi mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc Covid-19 bằng việc:

 - Thực hiện các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành;

 - Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người có dấu hiệu, triệu chứng sau khi mắc Covid-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo cách tiếp cận đa khoa, chuyên khoa.

 Trong đó, cần đặc biệt chú ý về lĩnh vực hô hấp, tim mạch, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng... Bảo đảm các chỉ định phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.

 Các bệnh viện tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và nhân viên y tế về các dấu hiệu, triệu chứng sau mắc Covid-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 Tăng cường kiểm tra việc khám và cấp giấy khám sức khỏe

 Đây là nội dung được nêu tại Công văn 2826/BYT-KCB ngày 31/5/2022 của Bộ Y tế về tăng cường quản lý Nhà nước với công tác khám sức khỏe.

 Theo Công văn, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động khám sức khỏe, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện khám sức khỏe thuộc Ngành quản lý.

 Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra. Các cơ quan, tổ chức, khi tiếp nhận hồ sơ có giấy khám sức khỏe, nếu có nghi ngờ cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời xử lý.

 Đặc biệt, Cục Y tế Bộ Công an, Cục Y tế Giao thông vận tải, Sở Y tế tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe đối với người lái xe thuộc thẩm quyền quản lý nhằm ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy khám sức khỏe giả, cấp khống giấy khám sức khỏe.

 Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất với các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người lái xe; phối hợp với Tổng cục đường bộ, Sở Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương, Công an trong các hoạt động liên quan đến công tác khám và cấp giấy khám sức khởe người lái xe...

 Quy hoạch Tp.HCM: định hướng chuyển đổi các huyện thành quận, thành phố

 Ngày 26/05/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 642/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nội dung:

 - Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, hướng đến phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với hội nhập quốc tế và các cam kết mà Việt Nam đã tham gia.

 - Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh.

 - Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực nhằm chuyển đổi các huyện thành các quận, thành phố trực thuộc Thành phố.

 - Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

 - Ứng dụng công nghệ, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

 - Việc lập quy hoạch phải gắn với các cơ chế, chính sách đặc thù đang được Trung ương áp dụng cho Thành phố, việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố; đề xuất được các cơ chế, chính sách mới, các mô hình phát triển mới cần được Trung ương thông qua để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch sau khi được phê duyệt.

 Việc lập Quy hoạch phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

 

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 21
Truy cập trong 7 ngày :133
Tổng lượt truy cập : 12,712