31/12/2024 Lượt xem: 11
Sóc Trăng là 1 trong số ít của 13 tỉnh thảnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế về sông, biển để phát triển du lịch sông nước gắn liền với các điểm đến tiêu biểu về miệt vườn, văn hóa, kiến trúc, lễ hội và ẩm thực. Trong những năm qua, từ điểm đến cồn Mỹ Phước, Sóc Trăng đã huy động sự đầu tư từ nhiều nguồn, hình thành thêm các điểm đến khá hấp dẫn dọc theo sông Hậu. Nổi bật là điểm đến vườn Ông Hai Huệ, Ông Năm Lến ở cồn Phong Nẫm (Kế Sách), khu vực đi bộ xuyên rừng và đi tàu ra cửa biển thuộc An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung). Gần khu vực trung tâm thị xã Ngã Năm có Homestay Chợ nổi Ngã Năm của gia đình cô Thủy. Ở đầu cồn An Thạnh 1 có 2 khu vực homestay được dự án đầu tư vài năm nay theo mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chưa thật sự thu hút du khách. Ngoài ra, huyện Trần Đề có dự án khu du lịch Mỏ Ó, thị xã Vĩnh Châu có dự án khu du lịch Hồ Bể, khu Hải Ngư . . . vẫn chưa có những dấu hiệu đầu tư bài bản để hấp dẫn khách du lịch gần, xa. Ngay tại trung tâm TP. Sóc Trăng, một doanh nghiệp đầu tư ban đầu tàu du lịch trên sông, nhưng vẫn chưa bám trụ và phát huy được lợi thế.
Khu vực cầu tàu cồn Mỹ Phước trong những ngày lễ hội Sông nước miệt vườn
Nhìn tổng thể, với hàng trăm km sông lớn và biển, chiều dài sông Hậu đi qua tỉnh khoảng 60km, các sông lớn như Đại Ngãi đi Bãi Xàu, Cổ Cò, giáp sông Mỹ Thanh, sông Rách Tráng của Cù Lao Dung cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt khắp các huyện, thị xã, TP, Sóc Trăng vẫn chưa phát huy tốt nhất lợi thế sông biển để làm du lịch. Một số dự án du lịch cộng đồng, du lịch sông nước… được triển khai nhưng vốn đầu tư nhỏ, sản phẩm dự kiến chưa thật sự hấp dẫn thu hút. Lãnh đạo tỉnh và các địa phương đều có nỗ lực nhất định để phát huy lợi thế sông, biển gắn với các sản phẩm du lịch hấp dẫn khác.
Biểu diễn văn nghệ buổi khai mạc Lễ hội
Để khắc phục điểm hạn chế về địa bàn khá xa thành phồ Hồ Chí Minh, thiếu điểm đến mới lạ, hấp dẫn, chúng ta có thể suy nghĩ, tìm ra một số giải pháp để đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch sông, biển của tỉnh Sóc Trăng.
Giải pháp đầu tiên chính là cần có sự quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung cho tỉnh và riêng cho sản phẩm du lịch sông, biển của tỉnh. Sự quy hoạch này cần đáp ứng các tiêu chí mới, lạ, hấp dẫn, mang nét đặc thù riêng của Sóc Trăng, vừa hài hòa với thiên nhiên, vừa phát huy tốt lợi thế sông nước sông Hậu và vùng biển, giáp 2 cửa sông Định An và Trần Đề để xây dựng các sản phẩm du lịch. Cần có sự kêu gọi đầu tư và chính sách đầu tư phù hợp đối với các dự án phát triển du lịch sông, biển trong tỉnh gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các dự án không thể đầu tư nhiều cho xây dựng quá kiên cố các công trình, cần gắn liền với ưu thế sông nước và thiên nhiên để xây dựng điểm, khu du lịch vừa hiện đại vừa mang tính truyền thống, mang đậm nét văn hóa độc đáo của 3 dân tộc chính trong tỉnh Kinh, Khmer, Hoa.
Giải pháp kế tiếp chính là làm tốt công tác tuyên truyền cho mọi người hiểu về định hướng bảo tồn và phát huy giá trị sông, biển tỉnh nhà trong điều kiện và xu thế mới. Từ đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cho người dân địa phương chung tay bảo vệ môi trường trên sông và vùng biển, tạo dựng quang cảnh chung xanh, sạch, mỹ quan, tham gia phục vụ phát triển du lịch sông nước và biển xanh. Thú vị hơn nếu địa phương nào có ý tưởng làm đề án bảo tồn được tôm cá dưới sông và ven biển ở những khu vực phù hợp
Giải pháp kế tiếp là nghiên cứu tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí, trải nghiệm gắn với sông nước và biển như chèo xuồng, bơi xuồng, bơi lội, đánh bắt cá, đạp nong, chế biến các loại tôm cua, cá sông và biển. xây dựng các điểm đến cặp theo 2 bờ sông Hậu và các con sông khác ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Cần có các tàu du lịch chở khách phù hợp gắn với xây dựng các homestay miệt vườn với các vườn cây ăn trái bốn mùa, các món ăn dân dã vùng quê, các loại bánh dân gian, các món quà lưu niệm chuyến đi. Nghiên cứu để có những câu hò, điệu lý trên sông nước, thể hiện sự mộc mạc, trữ tình của vùng quê sông nước Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
Dĩ nhiên để phát triển loại hình du lịch sông, biển, cần kết hợp tốt các đơn vị chức năng của ngành du lịch tỉnh, các trường du lịch trong tỉnh và khu vực để tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về du lịch và liên quan, ưu tiên cho các chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch trên sông, ven biển, hộ kinh doanh và người dân địa phương. Trong này, có cả nghiệp vụ bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng thời, hướng dẫn cả nghiệp vụ hướng dẫn, thuyết minh du lịch, để họ mạnh dạn giao tiếp và giao tiếp du lịch, tạo sự thân thiện, gần gũi và hài hòa với du khách.
Cuối cùng là sự tham gia của Sở VHTTDL, Trung tâm XTDL, Hiệp hội Du lịch, UBND và ngành VHTT TP, từng tỉnh, từng huyện cùng phối hợp liên kết, vận động các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM, tích cực tham gia xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch sông nước, ven biển của từng địa phương; giới thiệu và cung cấp các tour cho du khách tham quan, trải nghiệm. Kêu gọi và hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ: hàng lưu niệm, khu ăn uống, nơi lưu trú, khu vui chơi giải trí và mua sắm... ngay cả trên sông và 2 bên bờ sông, ven biển để tạo không khí vui nhộn và kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của du khách và kích thích tối đa sự chi tiêu. Mỗi địa phương cần có những món ăn đặc trưng, nhất là các loại bánh dân gian truyền thống, các sản phẩm OCOP . . ..
Đoàn du khách ghé Homestay Chợ nỗi Ngã Năm
Vào ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu 5 quan điểm phát triển và để ra 5 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Trong giải pháp thứ hai, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng, có nêu rõ yêu cầu chỉ đạo là: ... Phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa - lịch sử (…). Phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo,(…).
Như vậy, chấn chỉnh, phục hồi và khai thác tốt sản phẩm du lịch sông nước, ven biển Sóc Trăng chính là góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị, về lĩnh vực du lịch và dịch vụ, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành liên quan trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt lao động, kích thích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu thế mới của cả nước.
Trịnh Công Lý
Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ( 11/12/2024 )
STO - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân....
Công bố quyết định thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và khai giảng các lớp truyền dạy của đồng bào dân tộc Khmer ( 04/11/2024 )
Ngày 01/11, tại Nhà Văn hóa xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND xã Phú Tân tổ chức lễ công bố quyết định thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và khai giảng các lớp truyền dạy các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đến dự có đồng chí Sơn Pô, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,...
Sóc Trăng có thêm 02 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh ( 24/10/2024 )
Ngày 15/10/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 2439/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đối với Đình thần Phụng Tường, ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện Long Phú và Quyết định số 2440/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đối với Lăng Ông Nam Hải, ấp Đầu Giống, t...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng: thăm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật thành phố Sóc Trăng ( 15/10/2024 )
Sáng ngày 10/10/2024 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng, phối hợp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sóc Trăng, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, thực hiện chuyên mục “vì nạn nhân chất độc da cam”. Trưởng đoàn có ông Nguyễn Hùng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, ông Nguyễn Huy Thưởng - Chủ tịch Hội Nạn n...
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 24
Truy cập trong 7 ngày :118
Tổng lượt truy cập : 17,019
|