Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

Van ban hang tuan

Nghiên cứu giảm giờ làm việc dưới 48 giờ/tuần

Đây là nội dung được nêu tại Thông báo 249/TB-VPCP ngày 31/5/2024 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất chính sách giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, bảo đảm phù hợp với thực tiễn về quá trình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam hiện nay và trình độ phát triển của đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, thụ hưởng chính sách theo đúng quy định; nghiên cứu đề nghị về chính sách hỗ trợ và đảm bảo điều kiện nhà ở, lưu trú đối với giáo viên tại vùng sâu, vùng xa và các chế độ chính sách để khuyến khích, thu hút giáo viên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng người lao động là phụ nữ di cư có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống gia đình, đặc biệt chính sách thuê mua nhà giá rẻ, các thiết chế văn hóa, giáo dục.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi tập trung đông công nhân, người lao động; việc khám chữa bệnh đối với công nhân lao động có thu nhập thấp.

 

Trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai từ ngày 01/8/2024

Ngày 09/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai:

“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 253; Điều 254 (trừ khoản 4 và khoản 5); Điều 255 (trừ khoản 8); Điều 256 (trừ khoản 2 và khoản 4); Điều 257 (trừ khoản 1); Điều 258; Điều 259; Điều 260 (trừ các khoản 12, 14 và 15) của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 01/012025."

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.”

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.”

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng: “2. Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng theo quy trình xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp của Quốc hội.

 

Thẩm quyền người đứng đầu tạm đình chỉ công tác cán bộ cấp dưới

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quy định 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cụ thể, người đứng đầu có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới theo Danh mục kèm theo Quy định này khi có một trong những căn cứ như sau:

- Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết:

  • Cán bộ vi vi phạm về lối sống, phẩm chất đạo đức gây bức xúc, ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.
  • Cán bộ cố tình đùn đẩy,  trì hoãn, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
  • Cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.
  • Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trốn tránh, trì hoãn không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
  • Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

- Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng

  • Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.
  • Trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

Trường hợp chưa có trong Danh mục thì do người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và quản lý xem xét, quyết định tạm đình chỉ công tác.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các cơ quan, đơn vị thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Đề nghị cơ quan chức năng, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.

Yêu cầu cán bộ bị tạm đình chỉ công tác chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền để phục vụ công tác xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm.

 

Công khai thực đơn hàng ngày của trẻ em từ ngày 19/7/2024

Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/6/2024.

Cụ thể, thực đơn hàng ngày của trẻ em là một trong các thông tin về kế hoạch hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục trong năm học phải công khai theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT.

Đồng thời, thông tin này còn gồm các nội dung:

- Kế hoạch về việc tuyển sinh trong đó có nêu rõ nội dung về đối tượng, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, các mốc thời gian thực hiện và các thông tin liên quan đến tuyển sinh mầm non.

- Kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non.

- Quy chế phối hợp giữa gia đình, xã hội với các cơ sở giáo dục mầm non.

- Các dịch vụ khác nếu có.

Với cơ sở giáo dục phổ thông, nếu có tổ chức bữa ăn cho học sinh thì thực đơn hằng ngày của học sinh phổ thông cũng phải công khai.

Ngoài ra, với học sinh phổ thông, các trường học phải thông tin về:

- Kết quả tuyển sinh, số học sinh của từng khối, bình quân/lớp của tưng khối, học sinh nào học 02 buổi/ngày, học sinh nam/học sinh nữ, học sinh là người dân tộc thiểu số hoặc khuyết tật…

- Kết quả đánh giá học sinh, thống kê số học sinh được lên lớp hoặc không được lên lớp.

- Thống kê số lượng học sinh được công nhận hoàn thành chương trình, được cấp bằng tốt nghiệp, trúng tuyển trường nghề với học sinh cấp 2 và cấp 3…

 

680 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024

Đây là nội dung được nhắc đến tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024.

Liên quan đến chính sách cải cách tiền lương, Chính phủ cho biết cả nước đã tiết kiệm được 680 nghìn tỷ đồng để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. 

Trong đó, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng và trợ cấp xã hội.

Đồng thời, đề xuất thực hiện cải cách tiền lương có lộ trình phù hợp, khả thi, hiệu quả; bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa giữa các đối tượng, ổn định, không xáo trộn lớn. 

Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 43
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,873