Banner Ngày 22/6/2024
Thông báo lịch tổ chức Vòng Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, năm 2024 ( 28/05/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

 Van ban hang tuan

 

Đề xuất thay đổi thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai

Ngày 17/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai 31/2024/QH15.

Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 45/TTr-BTNMT ngày 06/5/2024 và hồ sơ liên quan kèm theo.

“Điều 252. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình đề xuất Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn 06 tháng, tức là có hiệu lực từ 01/7/2024 thay vì 01/01/2025 như quy định.

 

Cảnh báo lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Ô-xtrây-li-a trong ngành nông nghiệp

Ngày 16/5/2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 2045/BLĐTBXH-CQLLĐNN về việc phối hợp thông tin để ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Ô-xtrây-li-a trong ngành nông nghiệp.

Theo Công văn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Ô-xtrây-li-a và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Ô-xtrây-li-a theo Chương trình PALM (the Pacific Australia Labour Mobility).

Trong đó, hai bên sẽ thống nhất lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đưa 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Ô-xtrây-li-a, bắt đầu trong năm 2024. 

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam đang phối hợp lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, đơn vị sự nghiệp tham gia vào Chương trình PALM và đơn vị có pháp nhân tại Việt Nam đại diện cho Ô-xtrây-li-a thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin về chương trình.

Thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phía Ô-xtrây-li-a lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Để ngăn ngừa tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về chương trình để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương:

Không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Ô- xtrây-li-a cho tới khi công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình PALM và đơn vị được phía Ô-xtrây-li-a lựa chọn thực hiện Chương trình. 

 

Quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần mua, bán vàng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông báo 221/TB-VPCP ngày 15/5/2024 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Sau khi nghe báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới và ý kiến các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kết luận như sau: 

- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, hoàn thành chậm nhất trong quý II năm 2024; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường…

Tăng cường thực hiện ngay các biện pháp kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bình ổn thị trường vàng, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…

- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng và pháp luật có liên quan, chủ động thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt

Nghị định 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt ban hành ngày 15/5/2024.

Nghị định này quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm:

  • Mở và sử dụng tài khoản thanh toán;
  • Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt;
  • Dịch vụ trung gian thanh toán;
  • Tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt:

- Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia; tham gia tổ chức, giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng khác; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.

- Chấp thuận việc tham gia hệ thống thanh toán quốc tế của các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Chấp thuận và thu hồi văn bản hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

- Kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.

- Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thanh toán; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động thanh toán quốc tế.

Nghị định 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

 

Khuyến cáo tiêm vắc xin phòng chống Covid-19

Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Công văn 2461/BYT-DP ngày 10/5/2024 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới.

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19 như sau:

Đối tượng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 bao gồm:

  • Cán bộ y tế;
  • Người trên 50 tuổi;
  • Người có bệnh lý nền;
  • Người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào;
  • Phụ nữ có thai.

Các đối tượng trên nếu chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 01 liều, nếu đã tiêm thì tiêm thêm 01 liều cách liều trước đó từ ít nhất 06 tháng bằng các loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Đối với phụ nữ có thai, Bộ Y tế yêu cầu tiêm 01 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn nêu trên để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới. Gửi kết quả rà soát về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng kịp thời và tổ chức triển khai tiêm chủng theo kế hoạch của địa phương.

 

Tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ giáo dục nghề nghiệp

Ngày 10/5/2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, nhà giáo dạy trình độ cao đẳng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo:

- Thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp.

- Chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành được quy định như sau:

  • Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú trở lên;
  • Bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I trở lên; Bằng kỹ sư;
  • Bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên đối với một số ngành: Nghệ thuật (trừ các ngành: Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật; Lý luận, lịch sử và phê bình múa; Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình); Kế toán; Thể dục, thể thao (trừ ngành Quản lý thể dục thể thao); Máy tính và công nghệ thông tin; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống...

- Bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề; Chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề; Chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật.

- Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên (Công ước STCW);

- Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; Chứng nhận bậc thợ 5/7 hoặc 4/6 trở lên.

- Chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 Khung trình độ quốc gia của Cộng hòa Liên bang Đức; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 trở lên của Malaysia; Chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao của Úc.

- Chứng nhận giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế; Chứng nhận huấn luyện học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

- Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ sư phạm

Có một trong các minh chứng về trình độ nghiệp vụ sư phạm sau:

- Bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật.

- Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng nghề, dạy trình độ trung cấp nghề; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; Chứng chỉ sư phạm dạy trình độ cao đẳng; Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng.

Tiêu chuẩn về năng lực sử dụng ngoại ngữ

Có năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giảng viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng.

Tiêu chuẩn về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin

Có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giảng viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng.

Tiêu chuẩn về học tập, bồi dưỡng nâng cao

- Tham gia thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn hằng năm theo quy định.

- Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ cấp cơ sở trở lên mỗi năm học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ mới...

 

Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước

Ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Theo đó, nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt bao gồm:

- Đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước.

- Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

- Phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.

Công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm:

- Công trình khai thác nước mặt có quy mô trên 100 m3/ngày đêm.

- Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô trên 10 m3/ngày đêm.

 

Các trường hợp phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Điều 8 Nghị định này quy định các trường hợp phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

- Công trình khai thác nước dưới đất của hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai.

Việc kê khai nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra những khuyến cáo cho các hộ gia đình về chất lượng nước dưới đất, khu vực có nguy cơ mực nước bị hạ thấp, suy giảm, khu vực bị sụt, lún đất, khu vực có nguồn nước dưới đất gần biên mặn và phục vụ công tác quản lý bảo vệ nước dưới đất.

- Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm:

  • Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m³; công trình khai thác nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5 m³/giây.
  • Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m³ có quy mô khai thác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vượt quá 0,5 m³/giây hoặc có các mục đích khai thác nước khác có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện cấp phép theo quy định của Nghị định này;
  • Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô lớn hơn 10.000 - 100.000 m³/ngày đêm;
  • Khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường và sinh hoạt của hộ gia đình có quy mô không vượt quá 10 m³/ngày đêm;
  • Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm bút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;
  • Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) khác có tổng chiều dài hạng mục công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch không vượt quá 30 m; đối với cống ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan có tổng chiều rộng thông nước không vượt quá 5 m.
  • Sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời;
  • Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với diện tích mặt nước sử dụng có quy mô lớn hơn 100 m²;
  • Các khu, điểm du lịch có hoạt động sử dụng mặt nước;
  • Đào sông, suối;
  • Đào hồ, ao để tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan có quy mô khác;
  • Đào kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan có quy mô khác.

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 23
Truy cập trong 7 ngày :175
Tổng lượt truy cập : 13,681