Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

ESG là một bộ tiêu chuẩn về môi trường (environmental), xã hội (social) và quản trị doanh nghiệp (governance) trong quá trình vận hành của tổ chức. Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp lý tốt hơn, ít nhất dưới góc độ pháp luật về môi trường và lao động, quản trị.

 ESG

 

Thúc đẩy sự tuân thủ pháp lý

 

Nếu chọn thực hành ESG, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa các chính sách “xanh” về môi trường, xã hội và quản trị vào thực hành, vào“hơi thở và nhịp sống” của doanh nghiệp. Từ đó kéo theo các chính sách, quy định nội bộ, các chiến lược và kế hoạch hành động phải thay đổi theo, trong đó tuân thủ pháp luật trong từng hoạt động cũng được cải thiện.

 

Tác động hai chiều kể trên khi chọn thực hành ESG sẽ thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi theo hướng tuân thủ pháp lý tốt hơn, đặc biệt ở các khía cạnh môi trường, lao động – khách hàng và quản trị. Ở khía cạnh môi trường, khi chọn thực hành ESG, doanh nghiệp sẽ nâng cao tiêu chuẩn, cam kết và triết lý môi trường, hướng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp cần cân đo, điều chỉnh các tài liệu nội bộ cũng như các tài liệu pháp lý có liên quan đến môi trường. Công việc này đặc biệt quan trọng và chiếm khối lượng lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, trải dài khắp mọi khâu, mọi giai đoạn từ sản xuất đến kinh doanh, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.

 

Dưới góc độ pháp lý, liên quan đến môi trường, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về môi trường, bao gồm các loại tài liệu pháp lý mang tính tổng thể như báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hay bản đăng ký môi trường. Một khi đã chọn thực hành “xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn”, doanh nghiệp cần cập nhật, sửa đổi, bổ sung các nội dung tương ứng trong các tài liệu kể trên để đảm bảo tuân thủ pháp luật và thể hiện cam kết của mình đối với môi trường.

 

Ở khía cạnh lao động – khách hàng, doanh nghiệp sẽ có xu hướng điều chỉnh các chính sách thu hút nguồn nhân lực, chính sách làm việc hướng đến xây dựng môi trường làm việc thân thiện, bền vững, công bằng cho người lao động, cải thiện môi trường làm việc xanh – sạch – tiện nghi, chế độ phúc lợi đặt người lao động là trọng tâm. Khi đó, các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp có thể thay đổi hoặc được cập nhật theo, như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế chi tiêu nội bộ, hợp đồng lao động và các thỏa thuận trong lao động, cũng như các chính sách sử dụng nguồn nhân lực.

 

Trong quan hệ với khách hàng, doanh nghiệp sẽ quan tâm cải thiện chính sách bán hàng, chăm sóc khách hàng, quyền riêng tư, bảo mật thông tin và dữ liệu của khách hàng theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Khi đó, bộ tài liệu bán hàng, có thể kể đến như các biểu mẫu, các điều khoản và điều kiện dịch vụ, quy định về bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu khách hàng cũng được thường xuyên sửa đổi, cập nhật tương ứng.

 

Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu của khách hàng là nội dung quan trọng và nhạy cảm, nhưng thường xuyên bị xem nhẹ. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện hành còn chưa đủ chặt chẽ, việc thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích, như thể hiện trách nhiệm và cam kết với khách hàng, tăng cường lòng tin của khách hàng, và chủ động tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã có hiệu lực, các doanh nghiệp thực hành ESG sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc tuân thủ các quy định của nghị định này.

 

Ở khía cạnh quản trị công ty, khi thực hành ESG, các tiêu chuẩn và cam kết về quản trị công ty sẽ thiết lập các chuẩn mực hoạt động minh bạch, hiệu quả, đảm bảo lợi ích tối thượng của công ty và chủ sở hữu. Các nội dung cải tiến về quản trị này sẽ được chuyển hóa dần thông qua việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung vào Điều lệ và Bộ quy chế về quản trị công ty.

 

Để thực hiện các cam kết về quản trị cao hơn, doanh nghiệp cần đạt được các tiêu chuẩn quản trị cơ bản. Do vậy, thực hành ESG cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải theo sát các thay đổi của pháp luật để kịp thời điều chỉnh bộ quy chế quản trị công ty. Việc cập nhật, sửa đổi bộ quy chế quản trị công ty thường xuyên sẽ giúp bộ quy chế này không bị lỗi thời, lãng quên, cập nhật theo nhịp sống của doanh nghiệp và đảm bảo tương thích với sự vận động của pháp luật có liên quan.

 

Công bố thông tin là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc trên thị trường chứng khoán, trong đó có báo cáo thường niên. Thực hành ESG là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong báo cáo thường niên theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Do đó, việc thực hiện báo cáo hằng năm về thực hành ESG giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định về công bố thông tin, đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, khách hàng, đối tác, và cộng đồng.

 

Buộc tuân thủ cam kết cao nhất

 

Bên cạnh nhiều lợi ích mà thực hành ESG mang lại, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến những hệ quả pháp lý mà nó mang lại. Cụ thể, doanh nghiệp cần tuân thủ các cam kết mà mình đã đưa ra, ngay cả khi các cam kết ấy cao hơn hoặc vượt chuẩn so với quy định của pháp luật và một khi đã chuyển hóa cam kết vào các tài liệu pháp lý thì phải chịu sự ràng buộc pháp lý của các cam kết ấy.

 

Chẳng hạn, Bộ luật Lao động năm 2019 khuyến khích và cho phép doanh nghiệp áp dụng các chế độ, phúc lợi, quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Các quy định của Bộ luật Lao động chỉ là mức “sàn” để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Doanh nghiệp có có thể tự nguyện áp dụng các chế độ, phúc lợi, quyền lợi tốt hơn “mức sàn” mà không vướng phải bất kỳ quy định cấm hoặc hạn chế nào.

 

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung, mô tả, phương pháp, cách thức xử lý, ứng phó các vấn đề môi trường như đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc bản đăng ký môi trường đã được sửa đổi, cập nhật. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đảm bảo các số liệu, dữ liệu về môi trường được giám sát, quản lý trong giới hạn. Trường hợp có sự thay đổi về nội dung đã phê duyệt/cấp phép/đăng ký, doanh nghiệp phải đăng ký lại trước khi thực hiện các thay đổi.

 

Bản Điều lệ và Bộ quy chế quản trị được sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực và thay thế phiên bản cũ. Doanh nghiệp không thể tự ý quay trở lại tiêu chuẩn cũ; nếu muốn quay trở lại, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy trình thủ tục pháp lý phù hợp. Khi phát hành chứng khoán xanh, doanh nghiệp phải duy trì và đảm bảo các điều kiện về hạch toán nguồn vốn, quản lý và giải ngân nguồn vốn cho các lĩnh vực, dự án mang lợi ích về môi trường. Các điều kiện này phải phù hợp với bản chất “xanh” nêu trong phương án phát hành từ ban đầu.

 

Việc tự ý quay ngược trở lại tiêu chuẩn hay cam kết cũ sẽ đặt doanh nghiệp vào tình thế “tự lấy đá ghè chân mình” vì một mặt tạo ra các tình huống vi phạm pháp luật, mặt khác doanh nghiệp còn bị chính khách hàng, đối tác, người lao động “quay lưng” vì mất niềm tin. Việc cân bằng giữa thay đổi và tuân thủ pháp lý là một thách thức lớn. Doanh nghiệp thực hành ESG cần quan tâm đến việc tuân thủ pháp lý nói chung và pháp lý dành riêng cho thực hành ESG nói riêng, cũng như phát triển nhân sự riêng phụ trách việc thực hành này.

Kim Thanh/KTSG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 25
Truy cập trong 7 ngày :104
Tổng lượt truy cập : 12,812