Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Một số văn bản, chỉ đạo đáng chú ý trong tuần

 Van ban hang tuan

Người lao động có thể được nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4-01/5

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn 1385/BLĐTBXH-CATLĐ về đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2024.

Năm 2024, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 có ngày 29/4/2024 (thứ Hai) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ hằng tuần.

Nếu hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4/2024) và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 05 ngày liên tục.

Theo Công văn 1385, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được đề xuất về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2024.

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc hoán đổi thời gian làm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải, việc hoán đổi này giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

 

Nghiên cứu gói vay mua nhà ở xã hội đến 15 năm, lãi suất ưu đãi

Ngày 05/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 32/CĐ-TTg về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu ngay việc xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội có thời hạn đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn cho vay thương mại thông thường.

Đồng thời, cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư xây nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi hơn để các đối tượng có thu nhập thấp có cơ hội, động lực để mua nhà hoặc thuận lợi trong việc thuê hoặc thuê mua.

Tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn.

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu công khai mặt bằng lãi suất cho vay, việc triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4/2024.

Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ..., nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và không ngừng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng và có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Tiếp tục có chính sách đột phá các gói tín dụng ưu đãi góp phần tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp

Ngày 19/02/2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Theo đó, thời gian khoá học được thiết kế đối với chương trình đào tạo trình độ cao đẳng từ 02 - 03 năm học đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu 60 tín chỉ.

Thời gian khoá học được thiết kế đối với chương trình đào tạo trình độ trung cấp từ 01 - 02 năm học đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, tối thiểu 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. 

Thời gian khóa học đối với người học được miễn trừ hoặc bảo lưu kết quả học tập do đã học được giảm trừ tương ứng với thời gian học các nội dung được miễn trừ, bảo lưu.

Thời gian khóa học bao gồm thời gian học tập và thời gian cho các hoạt động chung, trong đó:

  • Thời gian học tập bao gồm: thời gian thực học và thời gian thi, kiểm tra kết thúc môn học, mô đun; thời gian ôn và thi tốt nghiệp đối với đào tạo theo niên chế. 
  • Thời gian cho các hoạt động chung bao gồm: khai giảng, bế giảng, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học; thời gian nghỉ hè, lễ, tết, lao động và dự phòng.

Thời gian học lý thuyết và thời gian thực hành, thực tập, thí nghiệm tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ sau:

  • Đối với trình độ trung cấp: lý thuyết chiếm từ 25% - 45%; thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 55% - 75% thời lượng của chương trình.
  • Đối với trình độ cao đẳng: lý thuyết chiếm từ 30% - 50%; thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 50% - 70% thời lượng của chương trình.

Thời gian học tập được tính bằng giờ và quy đổi ra tín chỉ để xác định khối lượng học tập tối thiểu theo quy định của Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Đơn vị thời gian trong chương trình đào tạo được tính quy đổi như sau:

  • Một giờ học lý thuyết là 45 phút, một giờ học thực hành/tích hợp/thực tập là 60 phút.
  • Một tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 15 giờ học lý thuyết; hoặc bằng 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận; hoặc bằng 45 giờ thực tập, làm tiểu luận, bài tập lớn, đồ án, khóa luận tốt nghiệp. 

 

Thay đổi hồ sơ học lái xe từ ngày 01/6/2024

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.

Trước đây, theo Điều 9 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, hồ sơ học lái xe của người Việt Nam cần có bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn.

Tuy nhiên theo quy định mới sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05, các giấy tờ trên đã được lược bỏ. Đồng thời, các mẫu đơn cũng có sự thay đổi.

Cụ thể, người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ để nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

-  Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư 05.

- Bản sao thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

- Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Người học lái xe nâng hạng lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo và chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe. Hồ sơ bao gồm:

-  Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư 05.

- Bản sao thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

- Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);

- Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu mới tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 05.

Người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ chỉ cần có giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

 

Đường cao tốc có tối thiểu 4 làn xe, tốc độ tối đa 120km/h

Ngày 31/3/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã ra Thông tư 06/2024/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc QCVN 115:2024, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 04 làn xe chạy (02 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).

Mặt cắt ngang đường bộ cao tốc có thể được bố trí trên cùng một nền đường hoặc hai chiều xe chạy được bố trí trên hai nền đường riêng biệt.

Số làn xe chạy được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 02 làn xe cho mỗi chiều. Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,50 m đối với đường cấp 80.

Làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3,00 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,50 m đối với đường cấp 80.

Bố trí dải giữa để phân chia hai chiều xe chạy đối với trường hợp mặt cắt ngang đường cao tốc được bố trí trên cùng một nền đường. Chiều rộng của dải an toàn tối thiểu là 0,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,50 m đối với đường cấp 80. Dải phân cách giữa được thiết kế để bảo đảm an toàn.

Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 03 cấp là 120 km/h, 100 km/h và 80 km/h. Đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.

Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá 20 km/h, phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 02 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120 km/h. Tốc độ tối đa cho phép và tốc độ thiết kế không được chênh nhau quá 20 km/h; tốc độ tối đa cho phép của 02 đoạn tuyến liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h.

 

Tiếp tục cắt giảm đơn vị sự nghiệp công lập

Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 02/4/2024 của Chính phủ về Chương trình thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương trình hành động phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.

Đồng thời, bảo đảm các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm, phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ.

Đối với các Bộ, ngành, phấn đấu giảm 13,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành so với năm 2021, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước 31/12/2024.

Các Bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2021 thì tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.

Các Bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2025 thì tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sắp xếp để thu gọn đầu mối, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 theo yêu cầu tại Kết luận 62-KL/TW.

Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Đối với các Bộ, ngành, phấn đấu đạt trên 60% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.

 

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII

Ngày 01/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) .

Theo đó, danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030 bao gồm:

- Tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW. Danh mục các dự án đầu tư xây dựng mới và tiến độ vận hành tại Bảng 1 Phụ lục III.

- Tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW. Danh mục các dự án đầu tư xây dựng mới và tiến độ vận hành tại Bảng 2 Phụ lục III.

- Tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW. Danh mục các dự án đầu tư xây dựng mới và tiến độ vận hành tại Bảng 3 Phụ lục III.

- Tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW. Danh mục các dự án cần đầu tư xây dựng mới và tiến độ vận hành tại Bảng 5 Phụ lục III.

- Tổng công suất thủy điện là 29.346 MW. Danh mục dự án thủy điện vừa và lớn cần đầu tư xây dựng mới và tiến độ vận hành tại Bảng 6 Phụ lục III.

- Tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW. Danh mục dự án cần đầu tư xây dựng mới và tiến độ vận hành tại Bảng 7 Phụ lục III.

Về công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030:

- Tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW. Công suất điện gió ngoài khơi theo vùng tại Bảng 1, Phụ lục II.

- Tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW. Danh mục các dự án điện gió trên bờ tại Bảng 9, Phụ lục III.

- Tổng công suất thủy điện là 29.346 MW. Danh mục các dự án thủy điện nhỏ xây dựng mới tại Bảng 10, Phụ lục III.

- Tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW. Danh mục các dự án điện sinh khối xây dựng mới tại Bảng 11, Phụ lục III.

- Tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW. Danh mục các dự án điện sản xuất từ rác xây dựng mới tại Bảng 12, Phụ lục III.

- Tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW. Kết quả phân bổ điện mặt trời mái nhà theo tỉnh tại Bảng 6, Phụ lục II. 

- Tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW. Danh mục dự án đầu tư xây dựng mới tại Bảng 8 Phụ lục III. 

Ngọc Tú

Lưu ý:

Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :158
Tổng lượt truy cập : 15,870