Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có một số thay đổi về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai so với luật hiện hành. Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về tòa án, không còn thẩm quyền của UBND nữa…

Sua doi luat dat dai

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về tòa án, không còn thẩm quyền của UBND nữa. Ảnh: H.P

Bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND

Theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh và huyện là cơ quan quản lý đất đai, cho nên quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đối với trường hợp tranh chấp đất chưa có giấy chứng nhận và giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất là phù hợp. Tuy nhiên, quy định giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính đã dẫn một số bất cập. Kết quả giải quyết tranh chấp đất đai được thể hiện trong quyết định giải quyết tranh chấp của chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền, lại là một quyết định hành chính. Vì thế, Luật Đất đai hiện hành quy định, nếu không đồng ý với quyết định này các bên tranh chấp được quyền “khiếu nại”, nhưng Nghị định 01/2017/NĐ-CP lại quy định được quyền “gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp” đến cơ quan có thẩm quyền. Việc xác định đối tượng “khiếu nại” và “gửi đơn yêu cầu giải quyết” là hoàn toàn khác nhau. Thực tiễn hiện nay, các địa phương ban hành quy trình giải quyết tranh chấp đất đai của UBND không thống nhất. Có địa phương quy định theo hướng các bên tranh chấp được gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp, tức là xem xét mâu thuẫn ban đầu giành nhau quyền sử dụng đất giữa người sử dụng đất với nhau. Có địa phương lại quy định “quy trình giải quyết tranh chấp đất đai được áp dụng theo quy định tại Chương IV Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại”(1), tức là xem xét quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về tòa án, không còn thẩm quyền của UBND nữa. Trong điều kiện việc cấp giấy chứng nhận lần đầu đã đạt gần 97,36%(2) đối với diện tích đất cần cấp trên cả nước, không cần quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho cơ quan quản lý đất đai, mà cơ quan này chỉ nên giữ vai trò cung cấp thông tin địa chính cho chủ thể khác giải quyết tranh chấp. Điều này sẽ đảm bảo cơ chế kiểm soát việc áp dụng pháp luật đất đai được tốt hơn, hạn chế tình trạng cơ quan giải quyết tranh chấp xong lại chính là cơ quan có quyền cấp giấy chứng nhận. Đồng thời để tranh chấp dân sự không bị rẽ ngang sang áp dụng thủ tục khiếu nại của hành chính thì việc xây dựng thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án trong dự thảo luật hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

Hòa giải tại UBND cấp xã trong dự thảo luật chưa khẳng định rõ là thủ tục tiền tố tụng bắt buộc hay không

Quy định về hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã cần khẳng định rõ là thủ tục hòa giải tiền tố tụng bắt buộc hay không, vì hiện nay khoản 2 điều 224 của dự thảo luật chỉ đề cập “tranh chấp đất đai mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.

Có quan điểm cho rằng nên duy trì hòa giải tại xã/phường là thủ tục bắt buộc (như quy định của Luật Đất đai hiện hành), cũng có quan điểm đề xuất chuyển sang tự nguyện. Thủ tục hòa giải này có ưu điểm là người dân không tốn án phí và có thể áp dụng thủ tục công nhận hòa giải thành ngoài tòa. Nếu chuyển sang tự nguyện, cần quy định rõ trường hợp một trong các bên tranh chấp gửi đơn yêu cầu hòa giải tại xã/ phường, một bên gửi đơn ra tòa thì lựa chọn thụ lý thế nào.

Mặt khác, cũng có thể xem xét bỏ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã vì những lý do sau:

Thứ nhất, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã còn tồn tại một số bất cập:

(i) Thành phần hội đồng hòa giải được quy định có “người biết rõ vụ, việc; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó”. Xét về mục đích cơ cấu thành phần này thì đây là ưu điểm trong hòa giải tại cấp xã. Tuy vậy, trong các quyết định thành lập hội đồng hiện nay không có thành phần này vì những đối tượng này khi đi xác minh có thể lấy thông tin nhưng họ từ chối tham gia vì ngại mâu thuẫn với bên tranh chấp.

(ii) Pháp luật đất đai không quy định rõ trường hợp không được tham gia hội đồng hòa giải, ví dụ một trong các bên đương sự là người thân, họ hàng của thành viên hội đồng, nên thiếu quy định đảm bảo tính khách quan, gây nên sự mất lòng tin trong nhân dân về kết quả hòa giải.

(iii) Vì là thủ tục bắt buộc trong luật hiện hành nên theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, chỉ trường hợp có biên bản hòa giải không thành thì tòa mới thụ lý giải quyết tranh chấp. Do vậy, khi triệu tập các bên lên hòa giải đến lần thứ 2 mà có bên vẫn vắng mặt thì hội đồng lại lập biên bản hòa giải không thành, mặc dù chưa tiến hành được cuộc hòa giải.

(iv) Về việc thực hiện biên bản hòa giải thành, dự thảo luật sửa đổi và luật hiện hành đều quy định trường hợp hòa giải thành mà có điều chỉnh hiện trạng ranh giới thửa đất thì nộp hồ sơ đến cơ quan tài nguyên môi trường để được cấp giấy chứng nhận mới. Bên cạnh đó, có thể áp dụng quy định về công nhận hòa giải thành ngoài tòa trong Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo việc thực hiện biên bản hòa giải thành. Tuy nhiên, trong thủ tục hành chính về hòa giải tại cấp xã (ban hành kèm theo Quyết định 1686/QĐ-BTNMT ngày 30-8-2021) không quy định việc thực hiện đo đạc để có mảnh trích đo địa chính, nên bên cạnh những trường hợp có hồ sơ đo đạc thì còn trường hợp hồ sơ hòa giải khi xin công nhận chỉ có biên bản và giấy tờ xác minh do cán bộ xác minh thực hiện. Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ thủ tục hòa giải cần được quy định chặt chẽ hơn về nội dung xác minh và hồ sơ hòa giải, làm cơ sở cho việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa và có thể thi hành án được.

(v) Nếu duy trì quy định hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục tiền tố tụng bắt buộc như hiện nay thì nhất thiết phải làm rõ khái niệm và phân loại “tranh chấp đất đai”. Theo dự thảo “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Định nghĩa này tương tự với khái niệm trong luật hiện hành. Nhưng do tranh chấp quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất có thể là quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, ngoài hợp đồng, hoặc cũng có thể là quyền sử dụng đất, tức là có sự đạp chân với tranh chấp hợp đồng dân sự nên các nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự qua các thời kỳ đều phải phân loại tranh chấp đất đai gồm tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp liên quan. Chỉ khi nào tranh nhau quyền sử dụng đất mới hòa giải bắt buộc.

Thứ hai, dự thảo luật sửa đổi đã có bổ sung thủ tục hòa giải tại tòa án nên thiết nghĩ không cần thiết duy trì quy định hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã. Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020, việc hòa giải tại tòa án mặc dù do hòa giải viên thực hiện nhưng đều có thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại. Kết quả hòa giải theo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng có thể được tòa án công nhận theo luật này.

Thanh Xuân/KTSG

 

(1) Điều 26 quy định về xử lý đơn, trách nhiệm tham mưu và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ban hành kèm theo Quyết định số 58/2022/QĐ-UBND ngày 24-10-2022 của UBND tỉnh Ninh Thuận.

(2) https://dangcongsan.vn/phap-luat/ca-nuoc-dat-tren-97-36-ty-le-cap-giay-chung-nhan-dat-lan-dau-602370.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 42
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,873