22/09/2023 Lượt xem: 219
Người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng – một trong các phương án cơ quan quản lý vừa đề xuất khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của phần lớn người lao động. Giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội thay vì chọn rút một lần là vấn đề khó nhưng phải tìm cách giải ngay để tránh bất ổn.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 năm nay. Vài ngày trước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý. Liên quan đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án. Một là, giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng thì được rút một lần. Hai là, cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này khi đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo bổ sung một số chính sách nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Cụ thể: (1) giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, không áp dụng với người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; (2) người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu không rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng và được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả. Hai phương án đề xuất đều có ưu và nhược điểm. Phương án 1 sẽ làm hài lòng người lao động, vì họ được rút toàn bộ quá trình đóng nếu muốn. Song tình trạng như hiện nay sẽ tiếp diễn: quá nhiều người lao động rút bảo hiểm ở “thì hiện tại” sẽ đe dọa hệ thống an sinh xã hội ở “thì tương lai”. Phương án 2 – là phương án mới được đề xuất, giúp giảm được số tiền chi trả ban đầu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội, giảm bớt được rủi ro cho lưới an sinh của người lao động khi về già. Dù vậy người lao động có thể sẽ phản ứng bởi việc nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng dường như không đáp ứng được nhu cầu tài chính ngắn hạn của họ. Một khảo sát do VnExpress thực hiện phần nào cho thấy quan điểm của người lao động về vấn đề này(1). Trong số hơn 16.000 người tham gia trả lời, gần 15.000 người chọn phương án 1, chiếm 92%. Diễn biến này có vẻ tương đồng với tình huống gần chục năm trước. Năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó điều 60 quy định người lao động không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Quyết sách này đi theo thông lệ quốc tế và là bước tiến khuyến khích người lao động ở lại với lưới an sinh. Tuy nhiên, nhiều công nhân không đồng ý và đã ngừng việc tập thể để phản đối. Sau đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa điều 60, cho phép người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Sau những tranh luận “nảy lửa” trên nghị trường, Quốc hội rốt cuộc cũng thông qua đề xuất của Chính phủ. Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hay chờ nghỉ hưu là quyết định của mỗi người và lựa chọn nào chắc chắn đều có lý lẽ riêng. Cũng vậy, con số 92% số người tham gia cuộc khảo sát nói trên chọn rút bảo hiểm một lần ẩn chứa nhiều điều sau đó. Có thể nhiều người đang trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, rồi bệnh tật, con cái cần tiền học hành… mà không thể xoay xở ở bất cứ nguồn nào khác nên buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Cho dù lo lắng về một tương lai bấp bênh khi không có lương hưu nhưng điều quan trọng hơn là phải sống qua ngày hôm nay đã! Và “gặt lúa non” như vậy có lẽ còn an toàn hơn so với việc phải “vay nóng” hoặc dính dáng vào tín dụng đen. Có thể, mức rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là ít quá, cũng chưa đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của người lao động – qua đó cho thấy thu nhập và an toàn tài chính của lao động vẫn còn mong manh. Sau cùng, có thể con số 92% là chỉ dấu rằng niềm tin của người lao động vào việc đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu khi về già có thể đang lung lay, xói mòn. Chính sách liệu có đủ hấp dẫn, hay vì sự bất định của tương lai – liệu các định chế có được thực thi đúng và đảm bảo quyền lợi tương xứng cho họ trong tương lai? Tất nhiên những khả năng trên chỉ là suy đoán. Muốn có câu trả lời cụ thể, rõ ràng thì phải tiến hành khảo sát, điều tra kỹ lưỡng, chính xác và khách quan. Từng chính sách phải được đánh giá tác động bằng phương pháp định lượng thay vì định tính, chung chung như thường thấy lâu nay. Quá trình thiết kế chính sách bảo hiểm một lần cần cho người lao động thấy rõ lợi ích của họ. Đây là việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) – cần làm, để tìm ra lời giải phù hợp nhất. Giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội là vấn đề khó nhưng phải tìm cách giải ngay. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất ổn lớn hơn khi dân số nước ta đang già đi và lực lượng lao động tự do ngày càng tăng. Cuối cùng, cũng phải nói thêm rằng, gánh nặng này cần được chia sẻ bởi nhiều bộ ngành trong Chính phủ, thay vì chất lên vai Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chẳng hạn, nếu người lao động có thể dễ dàng tiếp cận với tín dụng vi mô an toàn và thuận lợi, liệu rút bảo hiểm xã hội một lần có là lựa chọn của họ không? An Nhiên/KTSG (1) https://vnexpress.net/de-xuat-hai-phuong-an-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-4577730.html
Mong muốn được hưởng đầy đủ chính sách ( 15/10/2024 )
75 tuổi nhưng ông Trần Văn Hồng - nguyên Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn chăm chỉ làm việc bằng tất cả trách nhiệm và sự nhiệt huyết. Ông muốn góp phần công sức của mình để có thêm nhiều anh em cựu tù chính trị được hưởng chế độ người có công theo quy định của Nhà nước....
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: "6 điểm tựa Việt Nam" ( 19/09/2024 )
STO - Trong Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, tối ngày 15/9/2024 về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết về 6 điểm tựa của Việt Nam. Báo Sóc Trăng trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính...
“Làm thế nào để sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả tại doanh nghiệp” ( 06/09/2024 )
Đó là chủ đề buổi tọa đàm nằm trong Chương trình Hội nhập quốc tế và kết nối doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào chiều ngày 28/8, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh. Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh....
Đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội ( 30/07/2024 )
Từ tháng 1/2011 đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta xây dựng nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :158
Tổng lượt truy cập : 15,870
|