Banner Ngày 15/1/2025
Thông báo về việc xúc tiến tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện năm 2025 ( 14/01/2025 )

Sự chựng lại hay thậm chí có thể suy thoái của nền kinh tế toàn cầu; rủi ro bất ổn của hệ thống tài chính, thậm chí dẫn đến khủng hoảng; và khó khăn trong việc sử dụng công cụ chi tiêu ngân sách là ba thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Kinh te VN 2023

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở một số địa phương rất thấp. Trong ảnh: Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Ảnh: LÊ VŨ

Khả năng rơi vào suy thoái của nền kinh tế thế giới

Theo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới vào tháng 10-2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 là 3,2% và năm 2023 còn 2,7%. Khó khăn, thậm chí là suy thoái của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023 là cảm nhận chung và là tâm điểm trong các thảo luận hiện nay trên thế giới.

Với tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Ukraine, số lượng các nhà kinh tế và lãnh đạo cao cấp các doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế thế giới đang rơi vào một cuộc suy thoái ngày một gia tăng. Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 12-2022 trên đài CBS của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nói rằng bà sẽ làm tất cả mọi thứ trên cương vị của mình để tránh một cuộc suy thoái cho nền kinh tế Mỹ (và đương nhiên là cả kinh tế thế giới).

Đối với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam, tác động của nền kinh tế thế giới là rất lớn. Trên thực tế, tình hình từ nửa quí 3-2022 đã rất không thuận lợi, số lượng đơn hàng của rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã giảm đi đáng kể. “Trong khoảng ba thập niên qua, tình hình chưa bao giờ khó khăn như hiện nay” là điều mà một số chủ doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày nói với tôi. Tình trạng sa thải người lao động, thậm chí tình trạng doanh nghiệp dừng hoạt động đã trở nên phổ biến. Với xu hướng hiện tại, rất khó cho các doanh nghiệp Việt Nam có đơn hàng mới.

Sự bất ổn của hệ thống tài chính ngân hàng

Hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam đang đứng trước một rủi ro rất lớn. Tình trạng lần này rất giống với những cuộc khủng hoảng trước đó. Một số doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận được nguồn vốn lớn và mang đi đầu tư (đúng hơn là đầu cơ) vào các tài sản không sinh lời.

Để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần vốn ở các dạng gồm: (1) vốn chủ sở hữu, (2) vay ngân hàng, (3) phát hành trái phiếu (nợ), và (4) các khoản phải trả (nợ) các đối tác. Trong một nền kinh tế, tổng nhu cầu vốn cho các hoạt động kinh tế luôn tăng. Như vậy, một khoản nợ nào đó đến hạn thì cần một khoản khác bù vào.

Nhưng trong bối cảnh hiện tại, trục trặc ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm cho việc huy động vốn qua kênh này gần như bất khả thi. Thông thường, các khoản vay qua trái phiếu đến hạn thì doanh nghiệp cần phát hành đợt mới để thay thế. Giờ đây doanh nghiệp không thể phát hành tiếp trái phiếu để quay vòng, trong khi cổ phiếu cũng khó và nợ thêm từ các đối tác khác cũng không thể gia tăng. Rất có thể có những khoản tín dụng trá hình nằm trong các khoản phải thu không thể tiếp tục quay vòng. Như vậy, tín dụng ngân hàng coi như chiếc phao cuối cùng.

 

Tình trạng căng thẳng thanh khoản hiện nay có một phần nguyên nhân đến từ việc một nguồn vốn lớn đã đầu tư vào các tài sản không tạo ra dòng tiền để trả nợ và lãi vay (mua bán tài sản và có thể có các yếu tố đầu cơ). Trong bối cảnh lãi suất tăng làm gia tăng độ vênh giữa dòng tiền phải trả (lãi và một phần gốc) và dòng tiền mà những người đang dùng vốn để đầu tư tài sản.

 

Giải pháp ở thời điểm hiện tại là tập trung nguồn vốn cho những hoạt động kinh tế tạo ra các dòng tiền gắn với giá trị, và khoanh vùng các khoản đầu tư/đầu cơ không tạo ra dòng tiền để xử lý sau. Tuy nhiên, động cơ của nhiều doanh nghiệp là ngược lại.

Việc bỏ bê một chút các hoạt động kinh doanh tạo ra dòng tiền sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, trong khi các hoạt động đầu tư tài sản nếu không sắp xếp được nguồn vốn để quay vòng thì có khả năng ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, một cách tự nhiên, nhiều doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn vốn cho nhóm không nên ưu tiên.

Với đà như hiện tại, khả năng rủi ro tiếp tục tích tụ và sẽ bộc phát sớm là rất cao. Nếu không có những giải pháp hợp lý, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, dẫn đến rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.

Trong tình huống tích cực, Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn, không đổ vỡ, thì nợ xấu của hệ thống tài chính cũng sẽ tăng lên đáng kể. Thách thức trong tình huống hiện nay là cách thức ứng xử với trái phiếu các doanh nghiệp đã phát hành riêng lẻ thông qua các ngân hàng. Trên thực tế, người mua trái phiếu hiểu mơ hồ giữa trái phiếu, tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi. Rủi ro số đông nổi giận dẫn đến các hệ lụy khôn lường là rất lớn.

Khó khăn trong việc sử dụng công cụ chi tiêu ngân sách

Khi hệ thống tài chính gặp trục trặc và nền kinh tế rơi vào suy thoái, kích cầu đầu tư và tiêu dùng thông qua chi tiêu ngân sách của Nhà nước là một công cụ hữu hiệu. Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11-2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Chỉ có 16 cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, còn 27 cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, thậm chí TPHCM, địa phương có số đầu tư công thuộc nhóm cao nhất cả nước (cùng với Hà Nội), tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 25%.

Các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước thường phải thông qua rất nhiều thủ tục. Nếu triển khai theo trình tự dựa vào các quy định và chức năng của các cơ quan liên quan thì thường kéo dài và trong không ít trường hợp là không thể triển khai. Vận dụng những vấn đề thuộc vùng xám và linh hoạt là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh cần phải triển khai nhanh chóng để vốn được giải ngân và tạo ra chuỗi các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại sẽ rất khác so với những lần trước đây. Nguyên nhân là do tác động không mong đợi của cuộc chiến chống tham nhũng. Chống tham nhũng là cần thiết và là việc buộc phải làm. Tuy nhiên, tâm lý sợ sai, không muốn vận dụng và sáng tạo đang khá phổ biến trong đội ngũ công chức hiện nay. Phát biểu “Cán bộ thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận, cho thấy rất rõ điều này.

Một số khuyến nghị

Năm 2023 sẽ là rất thách thức cho Việt Nam. Giảm sốc và giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho nền kinh tế nên là trọng tâm chính sách trong thời gian tới. Nhà nước, các doanh nghiệp và những bên liên quan, theo vị trí của mình, có thể xem xét các vấn đề sau:

Đối với các doanh nghiệp, cố gắng giữ được đơn hàng và các khách hàng hiện tại nên là ưu tiên hàng đầu. Đây là việc khó, nhưng vẫn khả thi hơn cả vì việc tìm được khách hàng hay lĩnh vực kinh doanh mới sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong bối cảnh rủi ro ở mức rất cao, đảm bảo thanh khoản và khả năng trả nợ là nhân tố hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp. Do vậy, quản trị rủi ro, đảm bảo khả năng thanh khoản cần là một ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Phòng thủ và thận trọng là chiến lược hợp lý đối với các doanh nghiệp trong năm 2023.

Đối với người dân, khả năng việc làm dồi dào vào năm 2023 là không cao; thu nhập khó có thể tăng đáng kể. Do vậy, thận trọng với kế hoạch thay đổi việc làm và một chiến lược chi tiêu vừa phải là lựa chọn cho năm 2023.

Đối với Nhà nước, tránh đổ vỡ cần là ưu tiên hàng đầu đối với việc đưa ra các chính sách ứng phó với những bất ổn của hệ thống tài chính ngân hàng hiện nay. Điều quan trọng hơn cả là lãnh đạo cao nhất của quốc gia nên đưa ra thông điệp một cách rõ ràng để khuyến khích đội ngũ phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để ứng phó với những khó khăn và thách thức hiện tại. Trong đó, một thông điệp rõ ràng về chiến dịch chống tham nhũng, giảm thiểu sự thấp thỏm của đội ngũ hiện nay là vấn đề có tính then chốt và tiên quyết.

Thế Du/KTSG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 24
Truy cập trong 7 ngày :144
Tổng lượt truy cập : 17,202