Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Bài viết ghi nhận ý kiến của các chuyên gia khi bàn về việc xây dựng “ngân hàng cát” ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đang thực hiện.

Ngan hang Cat

Sà lan đang khai thác cát trên sông Hậu ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

“Cát là “đôi chân” của ĐBSCL”, TS. Dương Văn Ni, giảng viên trường Đại học Cần Thơ, đã nói như vậy. Vị tiến sĩ người miền Tây Nam bộ này ví von rằng, người dân ở ĐBSCL không kêu dòng sông mà kêu con sông. Bởi vì người ta hiểu nó như một sinh vật sống có đầu mình, giò cẳng để đi và cần ăn, ngủ, nghỉ ngơi. Trong sáu ngàn năm qua, đồng bằng này đã đi được mười mấy mét ra biển thì có thể khẳng định cát dọc theo biển là đôi chân của đồng bằng. “Chúng ta chặt đôi chân rồi mai mốt cơ thể chúng ta có lớn mạnh cũng không có chân mà đi”, ông Ni nói.

TS. Ni nói điều này khi ông phản biện ý kiến cho rằng có thể khai thác cát biển như một nguồn cát cho các công trình đường cao tốc ở ĐBSCL tới đây. TS. Ni đề xuất một giải pháp khác: cồn cát.

Cồn cát: giải pháp cấp bách cho xây dựng ĐBSCL

Về mặt địa chất, cồn là do cát bồi lên từ từ, đến lúc nào đó nó nhô lên khỏi mặt nước, cây cỏ phát triển gọi là cồn. Cồn hoàn toàn khác cù lao – vì cù lao vốn là đất liền, do dòng nước chảy một thời gian tách một mảng đất liền ra sông mà thành. Đất cù lao thì giống đất liền.

Theo TS. Ni, nếu xem cát như một năng lượng thì dòng sông tích trữ dinh dưỡng (cát) thừa như là phần mỡ của cơ thể. Trên các con sông đồng bằng, cái phần mỡ này là các cồn cát. Như vậy khi dòng sông đói ăn vì không có phù sa về như bây giờ, chắc chắn những cồn cát này sẽ biến mất trong tương lai gần. “Vì vậy, người dân không nên đổ thêm tiền để sửa chữa hay xây nhà ở mé sông, cồn cát nữa vì rất nguy hiểm”, TS. Ni nói.

 Theo WWF Việt Nam, đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 ki lô mét. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127 ki lô mét, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193 ki lô mét. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500 héc ta đất. Trong ba năm (2018-2020), sạt lở đã gây thiệt hại hơn 200 tỉ đồng tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở này xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức, chuyện xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng.

Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5 mét; giai đoạn 2009-2016 độ sâu này tăng thêm 5-10 mét và kéo theo 68% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

Riêng các nhà khoa học ở Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nên khảo sát các cồn cát và hãy coi đó như là nguồn cát cung cấp tốt nhất cho các công trình xây dựng cấp bách.

Nếu trong quá trình khảo sát sông Tiền, sông Hậu mà phát hiện có cái cồn cát nào hình thành nhờ dòng sông giàu năng lượng tích trữ cát thành cồn thì chúng ta có thể giải quyết cái cồn cát đó (trước khi nó tự biến mất – NV) như là một giải pháp cấp bách cho sự phát trển kinh tế của đồng bằng. Dĩ nhiên, sẽ phải tính toán cho việc đền bù cho người dân ở cồn cát đó sao cho hợp lý.

“Ví dụ, có cái cồn có hai chục hộ dân, chúng ta nên có chính sách di dời cho họ rõ ràng. Còn nếu chúng ta vẫn tiếp tục khai thác cát, móc cát sâu thêm thì sẽ làm mất đáy sông; nước sẽ kéo hết các con sông, kinh rạch, sẽ làm sạt lở khắp đồng bằng, không biết đâu mà giúp đỡ. Lúc đó tự nhiên mình mất cát trên sông Hậu nhưng lại có ông ở dưới Bạc Liêu, Cà Mau bị sạt lở”, TS. Ni nói.

Cảnh báo: hụt nguồn cát chân cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ

Về Dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL để xây dựng “ngân hàng cát”, ông Hà Huy Anh, người quản lý dự án này, cho biết qua khảo sát, đo đạc trong mùa khô 2022 thì cách cầu Mỹ Thuận 1,2 ki lô mét về phía thượng nguồn đang có một hố sâu 50 mét.

Ông Huy Anh cũng cho hay, khi khảo sát ở các điểm trên sông Tiền và sông Hậu, đã không tìm thấy đụn cát ở đáy đạt tiêu chuẩn để nghiên cứu tại khu vực Mỹ Thuận. Tại đây chỉ có sóng cát ngắn và thấp. Đồng thời qua phân tích trầm tích bề mặt đáy sông khi lấy 34 mẫu tại Mỹ Thuận thì có tám mẫu hoàn toàn không có cát.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho biết tương lai cát sẽ không về ĐBSCL. Theo ông, cát di chuyển từ thượng nguồn, trải qua hàng ngàn cây số và hàng chục năm để về đến ĐBSCL. Cát là vật liệu nặng, di chuyển ở đáy sông và chỉ di chuyển khi có dòng nước lũ mạnh cuốn đi.

Trên sông Mêkông, cát di chuyển về hạ lưu trong ba tháng đầu mùa lũ, với hành trình từ 100-200 ki lô mét/năm tùy theo dòng lũ lớn hay nhỏ. Đến tháng 10, hành trình này sẽ dừng lại, chờ đến mùa lũ năm sau cát sẽ tiếp tục trôi xuôi. Nhưng, cả chục đập thủy điện trên thượng nguồn đang làm giảm lượng cát di chuyển xuống hạ lưu và số lượng thủy điện sắp xây dựng sẽ còn tăng. Trong đó, nhiều đập không được thiết kế để trầm tích lưu thông về hạ lưu làm ảnh hưởng đến tự do dòng chảy và vận chuyển trầm tích.

Nhắc lại vụ sạt lở ở cù lao Minh (Vĩnh Long) vào chiều 5-12-2022 với chiều dài 350 mét, rộng 160 mét làm 12 nhà dân bị chìm hoàn toàn nhưng không hề có dấu hiệu cảnh báo trước nào, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng điều này chứng tỏ đáy sông nơi đó đã rỗng từ lâu. Mà cù lao Minh thì đối diện với Vĩnh Long, không xa cầu Mỹ Thuận.

“Khi làm các cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, người ta đổ thêm cát ở khu vực đó. Câu hỏi đặt ra, bây giờ phía trên và dưới cầu Mỹ Thuận có hố sâu. Như vậy, chân cầu Mỹ Thuận có được “tha” hay không, cát có nằm yên ở chân cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ hay không? Các cơ quan chức năng cần chú ý đến những cây cầu này, nên đo lượng cát đổ thêm trước khi xây cầu nay có còn ở đó không hay”, ông Thiện cảnh báo.

“Ngân hàng cát” và vật liệu thay thế?

Xây dựng “ngân hàng cát” là nội dung chính của Dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện. Dự án kéo dài từ tháng 7-2019 đến tháng 5-2024 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro do tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Dự án có bốn hợp phần: (i). Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL; (ii). Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của khai thác cát không bền vững; (iii). Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát không bền vững; và (iv). Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.

Sau đợt khảo sát mùa khô vào các tháng 4, 10 và đầu tháng 11 vừa qua, đoàn khảo sát thuộc dự án nói trên đã cùng các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức đo đạc lượng bùn và cát từ sông Mêkông đổ về ĐBSCL ở 12 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Điểm đầu ở trạm thủy văn Tân Châu – Châu Đốc, điểm cuối trước Ngã 3 sông Hậu đổ ra biển.

Theo ông Hà Huy Anh, kết quả các đợt khảo sát này là dữ liệu quan trọng để xây dựng “ngân hàng cát” cho ĐBSCL. Qua đó, sẽ đưa ra các khuyến cáo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác với khối lượng cụ thể. “Ngân hàng cát” sẽ cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về ĐBSCL từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác (cả hợp pháp và bất hợp pháp), và lượng cát đổ ra biển.

Kết quả tính toán ngân hàng cát sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.

Cũng theo dự án, vật liệu thay thế cát sông phổ biến nhất hiện nay ở nước ta là cát nghiền từ đá vôi, đá granite để sản xuất bê tông đúc hoặc để xây dựng đập ở các công trình thủy điện. Một số doanh nghiệp ở TPHCM cũng đang sử dụng thạch cao thay cát để trát tường, hoặc sử dụng xốp đặc biệt thay một phần cát để đổ bê tông trần nhà cao tầng. Thực tế là nguồn vật liệu thay thế cát sông ở miền Nam và riêng ĐBSCL rất hạn chế, nên cần có thêm giải pháp về công nghệ xây dựng để giảm lượng cát tiêu thụ song song với phát triển vật liệu thay thế.

Với chuyện khai thác cát biển, dự án này cho biết kinh nghiệm toàn cầu chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng với việc khai thác cát ngoài khơi vì sự ổn định của bờ biển, xói mòn và các vấn đề về mất da dạng sinh học. Nhiều nước đã cấm khai thác cát ngoài khơi. Hơn nữa, cát biển phải được rửa mặn rước khi sử dụng nếu không sẽ gây ăn mòn bê tông.

Dự án khuyến nghị, trong bối cảnh hơn 68% bờ biển đang đối mặt với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu trầm tích sông cho các bờ biển, việc khai thác cát biển cần được nghiên cứu và đánh giá thận trọng trước khi khai thác phục vụ phát triển hạ tầng ở ĐBSCL.

Huỳnh Kim/KTSG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :135
Tổng lượt truy cập : 12,724