11/04/2023 Lượt xem: 198
Đầu tư xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với nhãn hiệu mang sản phẩm, dịch vụ kinh doanh là một điều nên làm đối với các doanh nghiệp có mục tiêu phát triển lâu dài. Tuy nhiên, có hiện tượng nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu xuất phát từ ý định không trung thực đã và đang diễn ra. Vậy thực trạng các vụ việc này hiện nay được hiểu thế nào và đã có quy định pháp lý nào điều chỉnh tại Việt Nam hay không? Từng có một số vụ việc xâm phạm nhãn hiệu được xử lý. Quyết định xử phạt số 36 của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 6-6-2011 ghi Công ty ĐN bị xử phạt hành chính do hành vi sử dụng dấu hiệu “Hảo Tôm, Mì tôm chua cay và hình” – xâm phạm nhãn hiệu “Hảo Hảo, Mì tôm chua cay, ViFon Acecook và Hình” đang được bảo hộ theo đơn đăng ký nhãn hiệu số 62360 của Công ty ACECOOK Việt Nam (xem Bảng 1).
Nguồn: Viện khoa học SHTT Cũng từ Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Quyết định 06 ngày 18-1-2019 xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Dầu khí Hyundai Việt Nam vì hành vi sử dụng dấu hiệu “HYUNDAI OIL, hình” trên tem nhãn hàng dầu nhờn, trên trang web (phương tiện kinh doanh). Theo quyết định này, Công ty dầu khí Huyndai nói trên đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “HYUNDAI” đang được bảo hộ cho Hyundai Corporation, theo Đăng ký nhãn hiệu số 85068 cấp ngày 30-7-2007. Ngoài dấu hiệu “HYUNDAI OIL, hình” bị xử phạt nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận rất nhiều các nhãn hiệu được nộp đơn đăng ký có chứa dấu hiệu HYUNDAI như trong Bảng 3.
Điểm chung trong các vụ việc trên là các doanh nghiệp đều kinh doanh cùng một dòng sản phẩm, dịch vụ giống và liên quan đến nhau. Do vậy, các doanh nghiệp này chắc chắn không thể không biết đến danh tiếng của các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ trước và trở nên phổ biến với đại đa số người (xem Bảng 2). Như vậy, nếu cho rằng các nhãn hiệu này chỉ tương tự một cách ngẫu nhiên là hoàn toàn không có cơ sở. Tuy là hai công ty nói trên đã chấp hành quyết định xử phạt, hủy bỏ các dấu hiệu vi phạm và nộp phạt nhưng hành vi sao chép, bắt chước nhãn hiệu đã có trước trong các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra.
Nhãn hiệu và logo của các công ty, như Exxon Mobil Corporation (nhãn hiệu Mobil và logo hình con ngựa) bị sao chép một phần hay gần toàn bộ cũng được ghi nhận trên thực tế. Nhãn hiệu brother cho các sản phẩm máy khâu, máy may của Công ty Brother Industries, Ltd. (Nhật Bản) được bảo hộ tại Việt Nam theo các đăng ký số 14815, 62863, 210719, 345682 nhưng gần đây có đơn (số 4-2021-19315) yêu cầu đăng ký nhãn hiệu brotlner cho cùng một loại sản phẩm là máy khâu, máy dùng trong công nghiệp dệt. Hai chữ brother và brotlner chỉ khác nhau ở cặp ký tự ở cùng một vị trí của từ “h” và “l”-“n”, còn phông chữ và kiểu dáng giống hệt nhau. Do đó người tiêu dùng gần như không thể nhận ra hay phân biệt được hai dấu hiệu này. Đăng ký nhãn hiệu với “Dụng ý xấu” Tại Vương quốc Anh hay Mỹ, các quốc gia có lịch sử hình thành cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) lâu đời trên thế giới, các vụ việc như nói trên có thể được đưa ra tranh chấp với thuật ngữ được nhắc đến là “bad-faith” (tạm dịch là “Dụng ý xấu”). Tại Việt Nam tính đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa chính thức về “dụng ý xấu” nào trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ. Các vụ việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu, xử lý xâm phạm quyền mới chỉ được diễn giải là “có ý đồ, có hành vi không trung thực hay cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh”. Thay vì tự sáng tạo một dấu hiệu có tính phân biệt, có khả năng phân biệt hàng hóa của mình so với của chủ thể khác thì cá nhân, doanh nghiệp lại lựa chọn sao chép, bắt chước nhãn hiệu gần giống hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã có trước, được biết đến rộng rãi hoặc đã trở nên nổi tiếng cho cùng loại, dòng sản phẩm. Mục đích trước hết có thể là để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí làm thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu mới, chưa được người tiêu dùng biết đến. Việc đốt cháy giai đoạn kiểu này có thể giúp doanh nghiệp mới đó nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đạt doanh thu mong muốn nhưng lợi nhuận phát sinh từ “dụng ý xấu” đó cũng chính là thiệt hại của các doanh nghiệp, cá nhân là chủ sở hữu quyền của các nhãn hiệu bị sao chép, bắt chước phải chịu. Chưa kể đến việc họ còn lừa dối người tiêu dùng. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có cơ chế nộp đơn nhãn hiệu theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên – first to file, tức ưu tiên chủ thể nộp đơn trước (khác một số nước như Mỹ hay Úc theo nguyên tắc ưu tiên chủ thể sử dụng nhãn hiệu trước – first to use) nên rất có thể còn có dụng ý xấu của việc đầu cơ. Nghĩa là cá nhân, doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu gần giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu nổi tiếng hoặc được biết đến rộng rãi ở Việt Nam nhưng chưa được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Sau đó, họ sẽ tìm cách chuyển nhượng hoặc bán lại cho chủ sở hữu thực sự của các nhãn hiệu này để kiếm lợi nhuận vật chất. Đã có công cụ xử lý “Dụng ý xấu” trong đăng ký, sử dụng nhãn hiệu là một trong những hành động khởi đầu của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế, nhiều chủ sở hữu quyền đã phải chịu thiệt hại cả về danh tiếng cũng như giá trị vật chất, lợi nhuận kinh doanh. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ trong 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp là trên 50.000 đơn mỗi năm. Các vụ việc về xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu được các cơ quan chức năng xử lý rất lớn, lên đến cả ngàn vụ mỗi năm.
Hình ảnh các vụ việc xâm phạm, giả mạo nhãn hiệu được ghi nhận trên Cơ sở dữ liệu thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học Công nghệ. Lâu nay, việc xử lý các đơn đăng ký nhãn hiệu với “dụng ý xấu” còn khá mờ nhạt. Căn cứ pháp lý trực tiếp để xử lý vấn đề này là không có. Do vậy, nếu các chủ sở hữu biết đến việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu đối với nhãn hiệu được bảo hộ của mình thì chỉ có thể nộp công văn phản đối và đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ không cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu. Trong đó, việc chỉ ra hành vi “dụng ý xấu” gián tiếp dựa trên căn cứ về cạnh tranh không lành mạnh. Đối với các đăng ký nhãn hiệu được xác lập mà có “dụng ý xấu” trước đây, bên thứ ba cũng chỉ có thể nộp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký trên căn cứ pháp lý là “sự không trung thực của người nộp đơn” trong thời hạn năm (05) năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, chứ không có một căn cứ pháp lý trực tiếp nào cho vấn đề này. Tin vui là việc xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu với “dụng ý xấu” tại Việt Nam đã có căn cứ pháp lý rõ ràng quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có hiệu lực vào ngày 1-1-2023. “Dụng ý xấu” trở thành một căn cứ pháp lý trực tiếp (điều 96 và điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022) cho phép từ chối cấp giấy chứng nhận cho đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc hủy bỏ hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu. Các căn cứ pháp lý này là một công cụ hiệu quả và có ý nghĩa đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định, xử lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ gắn liền với nhãn hiệu cũng như đối với chủ sở hữu quyền trong việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, danh tiếng và uy tín trong kinh doanh của họ. Một gợi ý nhỏ là các chủ sở hữu quyền, doanh nghiệp nên thường xuyên rà soát thông tin, tra cứu và để mắt tới những đơn đăng ký nhãn hiệu mà Cục Sở hữu trí tuệ công bố hàng tháng trên Công báo trực tuyến, nhằm giúp doanh nghiệp có hành động kịp thời ngăn chặn “dụng ý xấu” (nếu có) đối với tài sản sở hữu trí tuệ đã được xác lập gắn với nhãn hiệu của mình, từ đó giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh trong tương lai đối với danh tiếng, uy tín và giá trị doanh nghiệp. Nguyễn Lý/KTSG Hogan Lovells International LLP Vietnam
Mong muốn được hưởng đầy đủ chính sách ( 15/10/2024 )
75 tuổi nhưng ông Trần Văn Hồng - nguyên Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn chăm chỉ làm việc bằng tất cả trách nhiệm và sự nhiệt huyết. Ông muốn góp phần công sức của mình để có thêm nhiều anh em cựu tù chính trị được hưởng chế độ người có công theo quy định của Nhà nước....
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: "6 điểm tựa Việt Nam" ( 19/09/2024 )
STO - Trong Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, tối ngày 15/9/2024 về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết về 6 điểm tựa của Việt Nam. Báo Sóc Trăng trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính...
“Làm thế nào để sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả tại doanh nghiệp” ( 06/09/2024 )
Đó là chủ đề buổi tọa đàm nằm trong Chương trình Hội nhập quốc tế và kết nối doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào chiều ngày 28/8, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh. Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh....
Đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội ( 30/07/2024 )
Từ tháng 1/2011 đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta xây dựng nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 26
Truy cập trong 7 ngày :148
Tổng lượt truy cập : 17,201
|