Banner Ngày 15/1/2025
Thông báo về việc xúc tiến tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện năm 2025 ( 14/01/2025 )

Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX, cứ tưởng là chuyện tận đâu đâu, không liên quan gì đến Việt Nam. Thế nhưng theo tường thuật của các báo, có ít nhất hàng ngàn người Việt đã sử dụng sàn này để mua tiền mã hóa cũng như sử dụng nó làm nơi cất trữ ví tiền kỹ thuật số của họ. Nay sàn FTX tuyên bố phá sản, tiền của họ cũng tan biến và chưa biết lúc nào đòi lại được!

Bitcoin

Quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước lâu nay là không xem tiền mã hóa là phương tiện thanh toán, không xem chúng là tiền, nhưng cũng chưa xây dựng một hành lang pháp lý để điều chỉnh chúng như tài sản hay một sản phẩm của thị trường chứng khoán. Đây chính là một lỗ hổng về mặt luật pháp cần sớm lấp đầy, bởi các sàn giao dịch tiền mã hóa dù không được ai cấp phép, cũng không bị cấm đoán nên chúng cứ hoạt động nửa kín nửa hở, lại quảng bá khắp nơi để chiêu dụ người dùng. Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới là Binance có nguyên trang tiếng Việt, người tham gia mở tài khoản có thể mua tiền mã hóa một cách dễ dàng bằng nhiều cách, như sử dụng thẻ tín dụng chẳng hạn.

Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta dứt khoát nói không với các loại tiền mã hóa cũng như các sàn giao dịch liên quan để bảo vệ người đầu tư trong nước. Không phải đợi đến lúc FTX phá sản, bitcoin mất giá, chúng ta mới đặt vấn đề giá trị thật của tiền mã hóa. Nội chuyện chúng tiêu thụ một lượng điện khổng lồ để ghi nhận các giao dịch cũng đủ cho người có ưu tư về biến đổi khí hậu từ chối chấp nhận các loại tiền như bitcoin rồi.

Quan trọng nhất, tiền mã hóa ra đời được xem như một cuộc cách mạng xóa bỏ các định chế tài chính trung gian để người dùng khỏi bị ngân hàng ở giữa ăn phần trăm hoa hồng hay bị kiểm soát. Thế nhưng cứ nhìn lại mà xem, các sàn giao dịch FTX hay Binance chính là một định chế trung gian chứ gì nữa – người dùng cũng phải dựa vào chúng để giao dịch với nhau, cũng phải trả hoa hồng cho chúng và tệ hại hơn, chúng không chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt mà chính quyền các nước đã từng dành cho các định chế trung gian truyền thống như hệ thống ngân hàng thương mại hay các sàn giao dịch chứng khoán.

Thậm chí với tiền pháp định, chúng ta có thể bỏ vào túi để cất giữ, nhưng với tiền mã hóa, rất khó an tâm tạo một ví điện tử rồi bỏ hết bitcoin hay ether vào đó vì rủi ro đánh mất điện thoại có cài ví hay làm thất lạc máy tính lưu ví tiền. Nếu đem hết tiền gửi cho những nơi như FTX, chúng ta đang gửi “trứng cho ác” mà nào đâu có hay.

Giới chủ trương tiền mã hóa thường ca ngợi công nghệ blockchain như một cách loại bỏ niềm tin, cứ để máy tính toán với nhau và giải các bài toán phức tạp để ghi nhận giao dịch. Thế nhưng thực tế, giới đầu tư tiền mã hóa đang giao dịch với nhau bằng niềm tin là chính – và khi có kẻ lợi dụng niềm tin này để khai thác khe hở, làm lợi riêng cho mình, trước sau gì cũng xảy ra các vụ như đồng TerraUSD, đồng Luna sụp đổ, sàn FTX phá sản, tỉ phú tiền số hóa ra trắng tay.

Đã đến lúc cần có thái độ dứt khoát với các loại tiền mã hóa, lập ra một hành lang pháp lý rõ ràng. Bởi một khi chưa có hành lang pháp lý, muốn cấm rửa tiền thông qua các loại tiền số hay tài sản ảo cũng chưa thể đưa ra điều luật để cấm. Sau đó cần các chiến dịch truyền thông rộng rãi để cảnh báo cho người dân đừng rơi vào bẫy của giới tiền mã hóa đầy từ ngữ đao to búa lớn quyến dụ mất tiền.

(Theo KTSG)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 26
Truy cập trong 7 ngày :146
Tổng lượt truy cập : 17,201