27/01/2023 Lượt xem: 217
Biến đổi khí hậu, như tên gọi của chính cụm từ ấy, chỉ sự thay đổi của khí hậu. Nhưng cũng chính vì cách gọi và cách nghĩ hết sức hợp lý đó mà biến đổi khí hậu thường được gắn với những yếu tố tự nhiên và xem như trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, bản chất gốc rễ của hiện tượng này lại xuất phát từ tác động của con người vào môi trường là chủ yếu.
Hạn mặn năm 2020 tại Tiền Giang. Ảnh: LÊ THẾ THẮNG Biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở việc trái đất nóng lên, băng tan ở hai cực hay mực nước biển dâng cao mà còn có tính lan tỏa nhanh và mạnh lên mọi mặt kinh tế – xã hội. Do đó, để thích ứng với thực trạng này, giải pháp phải đến từ sự hợp tác của cả một cộng đồng lớn bao gồm các bên liên quan chứ không phải chỉ của một nhóm đối tượng nào. Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nề nhất trên thế giới, chính vì thế, tác động của hiện tượng này có tính nhận diện cao hơn và thường dễ cụ thể hóa bằng hình ảnh. Tuy nhiên, các hình ảnh thường gắn với đồng ruộng nứt nẻ, con sông nhiễm mặn hay hiện tượng bão lũ ít chuyển tải vai trò cộng đồng. Trong những năm gần đây, khô hạn và nhiễm mặn do biến đổi khí hậu đang gây trục trặc lớn cho ngành nông nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến đối tượng làm nông nghiệp, thường là những người nghèo và dễ bị tổn thương trong xã hội. Vấn đề này ngỡ chỉ là câu chuyện của một vùng hay một nhóm người nhưng đã thực sự len lỏi đến mọi ngóc ngách đời sống của người dân cả nước. Hiệu ứng domino của biến đổi khí hậu phức tạp hơn cách suy nghĩ thông thường rất nhiều. Câu chuyện dòng người di dân do thiếu sinh kế Nhiều năm nay, vấn đề di dân ồ ạt trở thành đề tài được quan tâm, nhưng ít ai biết rằng phần lớn câu chuyện đằng sau dòng người rời bỏ quê hương đi lập nghiệp lại bắt nguồn từ biến đổi khí hậu.
Gần đây hiện tượng bão lũ xảy ra thường xuyên, nước biển dâng cao xâm lấn vào nguồn nước ngọt, phù sa không còn màu mỡ nhiều như trước và đất đai bắt đầu nhiễm mặn khiến hoạt động nông nghiệp vốn là ngành nghề chủ yếu ở nông thôn nay đã trở nên khó duy trì. Khi sinh kế không còn như trước, công việc và thu nhập ở nông thôn trở nên thiếu thốn và bấp bênh hơn bao giờ hết và điều này đã tạo động cơ khiến rất nhiều người dân quyết định rời bỏ vùng đất nơi mình gắn bó từ lâu để đi tìm miền đất hứa mới. Cơ hội ở các thành phố lớn và đô thị công nghiệp tuy nhiều nhưng không vô hạn. Không ít trường hợp di dân khó tìm công việc ổn định và thu nhập không đủ trang trải chi phí ở một đô thị có mức sống đắt đỏ. Chính vì vậy, chất lượng sống của nhóm người di cư thường không cao, thậm chí có nhiều trường hợp dưới chuẩn cơ bản. Câu chuyện không chỉ là vấn đề đảm bảo nhu cầu cuộc sống cho di dân mà còn ảnh hưởng đến giáo dục, hạ tầng văn hóa và an sinh cho cả những người ở lại. Đa phần di dân đến thành phố lớn là người trẻ, trong độ tuổi lao động với mong muốn có công việc thu nhập cao để vừa trang trải cuộc sống vừa gửi về cho gia đình ở quê. Khi thu nhập không như kỳ vọng, họ phải sống tiết kiệm để dư ra số tiền ít ỏi chuyển cho người nhà, nhiều trường hợp không đủ kinh phí về thăm quê hương vào dịp lễ, Tết. Trong những người trẻ rời quê hương, rất nhiều trường hợp có gia đình nhưng phải bỏ con trẻ ở lại quê cho ông bà chăm sóc. Thực trạng những đứa trẻ ở với ông bà và thiếu tình thương của cha mẹ báo hiệu sự đi xuống về chất lượng môi trường giáo dục gia đình và hạ tầng văn hóa. Ngay cả những trẻ được cha mẹ quyết định cho cùng di cư cũng khó đảm bảo được điều kiện sống tốt khi tài chính thiếu thốn và hạ tầng giáo dục, y tế quá tải. Những yếu tố kể trên có tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, trở thành vấn đề xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro khi những đứa trẻ thiếu thốn về vật chất và tinh thần ngày hôm nay lớn lên sẽ nắm giữ những trọng trách quan trọng trong tương lai. Đô thị hóa gây quá tải hạ tầng xã hội và tình trạng sạt lở Năm 2020 và 2021, ngoài tác động của đại dịch Covid-19, dòng người ồ ạt rời khỏi thành phố lớn để quay về quê hương cũng là một câu chuyện nhận được sự quan tâm chú ý của công chúng. Cuộc khủng hoảng ấy đã hé lộ một bức tranh về mức sống dưới chuẩn của đối tượng nhập cư. Những di dân thường khó ổn định cuộc sống và không thể gắn bó lâu dài với một nơi nào khi có rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo thống kê thì ngay cả khi quay về quê hương, những di dân lại một lần nữa đối diện với thực trạng khó tìm được cơ hội việc làm và họ sẽ có khuynh hướng đổ về các vùng đô thị của quê nhà hoặc gần đó. Tính dịch chuyển liên tục là một thách thức lớn đối với chính quyền các địa phương do không kịp chuẩn bị sẵn về nguồn lực và hạ tầng xã hội cơ bản để đáp ứng nhu cầu sống khi dân số biến động. Đô thị hóa là một xu hướng tất yếu diễn ra khi nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa và các đô thị là những hạt nhân hình thành từ sự tăng trưởng nổi trội, nơi có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn dễ thu hút người dân đến lập nghiệp. Tuy nhiên, đô thị hóa đến từ nguyên nhân biến đổi khí hậu lại không tương thích với sự phát triển của nền kinh tế, người dân chủ yếu di chuyển do lực đẩy hơn là lực hút, điều này để lại một khoảng trống lớn về vấn đề việc làm và an sinh xã hội. Thường nhu cầu đô thị hóa theo cách gượng ép này sẽ nảy sinh nhu cầu phát triển hoạt động xây dựng các công trình rất lớn và từ đó cũng cần phải khai thác cát là nguồn vật liệu chính. Thực trạng khai thác cát quá mức đang gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở các bờ sông và gây sụt lún, nứt gãy các công trình, đặc biệt là các tuyến đường giao thông. Sự tham gia tìm kiếm giải pháp từ cộng đồng, đặc biệt là người trẻ Trên đây chỉ là một trong vô vàn câu chuyện biến đổi khí hậu gây tác động diện rộng đến các thực trạng mang tính chất kinh tế – xã hội và tính dây chuyền của những ảnh hưởng khiến ngoại tác tiêu cực len lỏi đến toàn xã hội và cả nước. Do đó, nếu chỉ xem đây là vấn đề thuộc về tự nhiên và chỉ can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật thì nhóm các giải pháp đưa ra khó giải quyết tận gốc và bao quát tất cả trục trặc. Biến đổi khí hậu hiện nay vẫn là một bài toán khó giải quyết rất cần huy động sự tham gia tìm kiếm giải pháp từ cộng đồng là những người đang trực tiếp bị ảnh hưởng. Tuy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là nghiêm trọng và có tính bao phủ nhưng lại từ từ và độ nhận diện không cao nên khó thu hút sự chú ý và hành động của dư luận. Việc ngập nước, kẹt xe hoặc vấn đề an ninh ở các thành phố lớn khó được liên tưởng với nguyên nhân đến từ biến đổi khí hậu và các thiệt hại gây ra của hiện tượng này cũng không thể đo lường chính xác bằng tiền và xác định ai là người phải chi trả do đó không thể hiện được tính khẩn cấp để tạo động lực cho cộng đồng cùng tham gia tìm kiếm giải pháp. Cách hay nhất nhưng đang có tác động rất yếu đó là tuyên truyền, vận động vẫn chưa đủ khả năng phát huy. Trong giai đoạn sắp tới, việc thúc đẩy kêu gọi sinh viên, học sinh và người lao động trẻ tham gia cùng tìm kiếm và thực thi các giải pháp giúp cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tác động tích cực, ít nhất là nâng cao được sự quan tâm và khả năng hiểu rõ về biến đổi khí hậu của người dân. Người trẻ là lực lượng có tiềm năng đột phá và sáng tạo cao nhất trong xã hội, kế thừa và giữ trọng trách xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai nên việc nâng cao trách nhiệm đối với vấn đề biến đổi khí hậu là điều tất yếu. Hơn nữa, đây là nhóm có sự tương tác cao với các thế hệ và các nhóm người còn lại trong xã hội nên kỳ vọng sẽ có nhiều khả năng tạo tác động lan tỏa bền vững. Hương Giang/KTSG
Mong muốn được hưởng đầy đủ chính sách ( 15/10/2024 )
75 tuổi nhưng ông Trần Văn Hồng - nguyên Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn chăm chỉ làm việc bằng tất cả trách nhiệm và sự nhiệt huyết. Ông muốn góp phần công sức của mình để có thêm nhiều anh em cựu tù chính trị được hưởng chế độ người có công theo quy định của Nhà nước....
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: "6 điểm tựa Việt Nam" ( 19/09/2024 )
STO - Trong Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, tối ngày 15/9/2024 về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết về 6 điểm tựa của Việt Nam. Báo Sóc Trăng trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính...
“Làm thế nào để sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả tại doanh nghiệp” ( 06/09/2024 )
Đó là chủ đề buổi tọa đàm nằm trong Chương trình Hội nhập quốc tế và kết nối doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào chiều ngày 28/8, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh. Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh....
Đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội ( 30/07/2024 )
Từ tháng 1/2011 đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta xây dựng nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 24
Truy cập trong 7 ngày :144
Tổng lượt truy cập : 17,202
|