Banner Ngày 7/10/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )
 09/01/2023 Lượt xem: 205

Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội kết thúc và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa được thông qua như dự kiến. Đây là quyết định hợp lý của Quốc hội khi dự thảo luật này chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi của ngành y, song cũng cho thấy việc nghiên cứu, phân tích chính sách cần được làm kỹ lưỡng trước khi bắt tay soạn luật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) càng phải tuân thủ điều này!

Chuyen lam luat

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được sửa đổi trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 và sai phạm của một loạt lãnh đạo các bệnh viện công bị phanh phui đã làm suy yếu ngành y tế. Bởi vậy, kỳ vọng đặt ra với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) rất lớn, không chỉ gói trong phạm vi giải quyết bất cập của luật hiện hành mà còn phải xử lý được mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công…

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong kỳ họp vừa qua sau khi đã được thảo luận tại kỳ họp tháng 5-2022 và hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 9-2022. Tuy nhiên đến nay, nhiều vấn đề lớn chưa được dự thảo luật giải quyết thỏa đáng, nổi lên là vấn đề tự chủ bệnh viện; xã hội hóa y tế; việc tính đúng, tính đủ chi phí khám, chữa bệnh…

Cụ thể, dự thảo luật đã quy định về các hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực y tế nhưng chỉ dừng lại ở đó, không làm rõ cơ chế thực hiện; thành ra xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải. Các hình thức xã hội hóa chưa thuyết phục, ví dụ “vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế” có vẻ là câu chuyện tín dụng thì đúng hơn và tính khả thi không cao. Các bất cập về cơ chế tự chủ của bệnh viện công chưa có giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, quy định về chi phí và giá khám, chữa bệnh sau nhiều thay đổi lần này theo hướng bám sát pháp luật chung về giá nên khó đáp ứng được những đặc thù của ngành và vai trò quản lý nhà nước về giá khám, chữa bệnh của Bộ Y tế khá mờ nhạt. Dự thảo luật cũng giao quá nhiều nội dung cho Chính phủ quy định chi tiết (37/121 điều), trong đó có những vấn đề lớn và chưa rõ ràng, ví dụ về hệ thống cơ sở y tế; xã hội hóa; cơ chế tài chính y tế; Hội đồng Y khoa quốc gia; thử nghiệm lâm sàng…

Trước thực tế này, Quốc hội quyết định chưa thông qua dự thảo luật để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Đây là lựa chọn hợp lý song việc trải qua hai kỳ họp Quốc hội và một hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách mà các chính sách lớn, quan trọng vẫn ngổn ngang, chưa tìm được giải pháp, là điều rất đáng tiếc!

Trong hoạt động lập pháp, nhiều chính sách thực sự là bài toán hóc búa và chỉ sáng tỏ nhờ vào quá trình thảo luận. Tuy nhiên, nhận biết vấn đề, nghiên cứu, phân tích và đề ra chính sách để xử lý vấn đề là điều bắt buộc.

Có thể thấy chính sách tự chủ đối với các bệnh viện công đã được thực hiện trong thời gian đủ lâu, nhiều bất cập đã lộ rõ nhưng đến giờ vẫn chưa có tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình thí điểm để tìm ra hướng xử lý phù hợp.

Chuyện bệnh viện sợ trách nhiệm đến mức không dám đấu thầu, không dám mua thuốc, mua vật tư y tế, hay những “biến chứng” xã hội hóa y tế… xét tới cùng cũng chỉ là “triệu chứng” bên ngoài của “cơn bạo bệnh” ngành y. Nguyên nhân nằm ở tầng sâu hơn, đó là chính sách, cụ thể là quan niệm về dịch vụ công y tế và vai trò, mô hình vận hành thiết chế y tế công lập. Những vấn đề cải cách mang tính “lõi” và phức tạp về quan hệ công – tư như vậy cần được đưa ra thảo luận sớm và kỹ lưỡng mới mong kê đúng đơn thuốc chữa được những căn bệnh trầm kha hiện nay của ngành y.

Với tầm quan trọng của mình, tiến trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cũng cần tránh rơi vào cảnh buổi thảo luận qua đi, vấn đề còn ở lại như thế.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vốn cũng động chạm đến quan hệ công – tư, vai trò Nhà nước – vai trò thị trường. Việc tách bạch rõ để quy định vào luật này quan hệ đất đai mang tính chất công (quan hệ quản lý nhà nước về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xác định giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…) và quan hệ đất đai mang tính chất tư (giao dịch góp vốn, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất…) rất quan trọng và cũng rất phức tạp.

Bởi vậy, nghiên cứu sớm và kỹ lưỡng cho những vấn đề chính sách cốt lõi như vậy là vô cùng cần thiết. Nói như TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, soạn luật trước khi nghiên cứu, phân tích chính sách giống như kê đơn mà bỏ qua khâu khám bệnh và rất có thể sẽ làm con bệnh trầm trọng thêm.

An Nhiên/KTSG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 22
Truy cập trong 7 ngày :122
Tổng lượt truy cập : 15,434