Banner Ngày 15/1/2025
Thông báo về việc xúc tiến tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện năm 2025 ( 14/01/2025 )
 21/12/2022 Lượt xem: 273

Năng lượng sạch đang đối mặt với nhiều rào cản từ chính sách ưu đãi chưa rõ ràng cho đến nguồn tín dụng, trái phiếu bị siết chặt.

Ngược lại với kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió bất ngờ đối diện với nguy cơ giảm tốc vì một loạt bất hợp lý đến từ thực trạng đầu tư còn phân mảnh, chính sách ưu đãi chưa rõ ràng, đi cùng viễn cảnh khô hạn của nguồn vốn tín dụng, trái phiếu.

Năm 2018, làn sóng tư nhân tham gia đầu tư điện mặt trời và điện gió bắt đầu nóng lên với việc Chính phủ ra nghị định ưu đãi về giá bán điện (FIT) của các dự án năng lượng sạch. Lý do cho chính sách này là để thu hút các nhà đầu tư và tránh rủi ro thiếu điện do một số nhà máy điện than và khí đốt lên kế hoạch trước đó không đảm bảo tiến độ. 

 Loi thoat cho nang luong sach 1

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số các dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch là 175 dự án với tổng công suất 19.126 MW. Với điện gió, tính đến cuối năm 2021, có 88 dự án điện gió với tổng công suất 4.119,9 MW đi vào vận hành.

Tỉ trọng sản lượng năng lượng tái tạo nhanh chóng tăng từ mức 5% vào năm 2020 lên đến 15% năm nay. Việt Nam cũng lọt vào Top 20 quốc gia sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới và đứng đầu Đông Nam Á.

Thị trường năng lượng tái tạo từ đó dần định hình với một số gương mặt vượt lên dẫn đầu cuộc đua. Đứng đầu đang là Tập đoàn Trung Nam với công suất đang phát triển gần 1,6 GW. Thứ 2 là Tập đoàn Xuân Thiện (1,1 GW). Quỹ đầu tư Bamboo Capital đứng thứ 3 với công suất gần 600 MW. Danh sách các nhà đầu tư lớn vào điện gió và điện mặt trời còn có TTC, BIM, REE, Sao Mai, VinaCapital...

Tiềm năng của mảng năng lượng tái tạo trong thời gian tới được đánh giá khá lạc quan. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ước tính tăng trưởng kép hơn 8% giai đoạn 2022-2030, thậm chí có thể lên đến 9,5% trong kịch bản cao hơn.

Phát triển năng lượng xanh là xu thế tất yếu. Các nhà máy gần đây như dự án tại Bình Dương của hãng đồ chơi Đan Mạch Lego là một minh chứng khi kết hợp giữa sản xuất truyền thống và sử dụng năng lượng xanh, phù hợp với xu thế ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) trong kinh doanh và đầu tư. Hiện nhiều tổ chức tài chính như HSBC, JP Morgan, Deutsche Bank, IFC hay các quỹ đầu tư tư nhân đang xem thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam là điểm đến tiềm năng.

Hướng tới Net Zero vào năm 2050, Quy hoạch điện VIII của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh phát triển nguồn năng lượng xanh. Công suất điện gió dự kiến sẽ tăng trưởng kép 16% giai đoạn 2022-2045, trong khi công suất điện mặt trời (tính cả điện mặt trời mái nhà) dự kiến tăng trưởng 8% trong cùng giai đoạn.

Loi thoat cho nang luong sach 2

Muốn đầu tư năng lượng xanh hiệu quả, các nhà đầu tư cần phải đảm bảo công thức: “công nghệ + quy mô + giải pháp tài chính”.

Trong đó, cần công nghệ hiện đại, hiệu suất phát điện cao với tuổi thọ kéo dài. Các dự án cần diện tích, công suất phát lớn để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ưu tiên hơn trong kế hoạch huy động. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi vốn lớn nên đơn vị nào có giải pháp tài chính phù hợp, huy động được nguồn vốn ổn định, dài hạn sẽ chiếm ưu thế.

Theo bà Đỗ Tú Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, trong mỗi dự án, Tập đoàn đều cố gắng vạch ra kế hoạch tiếp cận công nghệ, thiết bị, kiểm soát chi phí, đấu thầu và giải pháp tài chính cụ thể nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. “Mục tiêu tăng trưởng doanh thu bán điện của Trung Nam từ mức 200 triệu USD năm 2021 sẽ lên tới 1 tỉ USD vào năm 2026, biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt khoảng 90%”, bà Đỗ Tú Anh chia sẻ với NCĐT.

Do chi phí vận hành thấp, lại không tốn nguyên liệu như nhiệt điện than hay khí nên dự án điện gió, mặt trời cứ bán được điện là chắc chắn có lãi. Tuy vậy, thực tế lại là câu chuyện khác do hạ tầng chưa phát triển đồng bộ và vai trò vẫn còn quá lớn của “khách mua” EVN. Mới đây, EVN gây tranh cãi khi bất ngờ dừng huy động 172 MW điện mặt trời của Trung Nam khi các bên chưa thống nhất được giá mua bán.

Trước thách thức này, một số chủ đầu tư như REE cho biết sẽ tập trung chiến lược phát triển điện mặt trời cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vốn có vào chính sách huy động và phát điện của EVN.

 

Muốn đầu tư năng lượng xanh hiệu quả, các nhà đầu tư cần phải đảm bảo công thức: “công nghệ + quy mô + giải pháp tài chính”

Tín dụng trong nước thắt chặt, chính sách kiểm soát kênh phát hành trái phiếu và lãi suất vay vốn không ngừng tăng là rủi ro khác mà các chủ đầu tư năng lượng tái tạo phải đối mặt. Do dùng đòn bẩy tài chính rất lớn nên chỉ một sự thay đổi nhỏ về lãi suất hay doanh thu bán điện sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tài chính và khả năng trả nợ của dự án. Thách thức này sẽ đặt ra bài toán về khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước lẫn quốc tế với chi phí rẻ cho các chủ đầu tư.

Một vấn đề khác là thị trường vẫn còn khá phân mảnh với nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ cùng tham gia. Hơn nữa, cơ chế giá ưu đãi FIT sẽ đến thời điểm kết thúc. Vì vậy, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, thời gian tới, xu thế M&A giữa các dự án có thể diễn ra. Từ đó hình thành một nhóm nhỏ tập trung thị phần, chỉ khoảng 10-20 doanh nghiệp lớn. Ở đó, các doanh nghiệp có lợi thế về quy mô công suất, năng lực vận hành và tiếp cận nguồn vốn sẽ có ưu thế.

Chính sách thắt chặt tín dụng hiện nay đang ảnh hưởng đến nhiều nhà phát triển trong nước, đồng thời mở ra cơ hội cho bên mua nhanh chóng gia nhập ngành. VinaCapital nhận định hiện có nhiều dự án tái tạo lớn đang chờ để mua lại và Quỹ đang đánh giá các lựa chọn với một số danh mục đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Nguyễn Sơn/nhipcaudautu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 26
Truy cập trong 7 ngày :148
Tổng lượt truy cập : 17,201