21/12/2022 Lượt xem: 200
Quy định yêu cầu về trách nhiệm kết nối kỹ thuật của chủ quản hệ thống thông tin (trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi) chồng chéo với các luật hiện hành, can thiệp sâu vào hoạt động và làm tăng chi phí doanh nghiệp…
Theo dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước theo quy định. Đây là một quy định mới được đưa vào dự thảo, hoàn toàn chưa có trong Luật Giao dịch điện tử hiện hành. “Chủ quản hệ thống thông tin” là ai? Theo quy định tại điều 3.3 và điều 3.5 Luật An toàn thông tin mạng, đó là những chủ thể có thẩm quyền trực tiếp quản lý phần cứng, phần mềm, hoặc cơ sở dữ liệu phục vụ việc truyền đưa thông tin trên mạng. Ngày nay, ai kinh doanh mà không “lên số”? Theo định nghĩa vừa nêu, bất cứ doanh nghiệp nào có sử dụng công nghệ thông tin để xử lý thông tin trong quá trình kinh doanh đều là “chủ quản hệ thống thông tin” cả. Tại buổi khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa qua, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hệ thống thông tin của các ngân hàng thương mại không phải là hệ thống có thể tự động can thiệp bằng cơ chế như luật nêu. Từ ý kiến trên có thể có hai giả định. Thứ nhất, về phía nhà làm luật dường như chưa có sự thông hiểu về cách thức mà hệ thống thông tin của các ngân hàng thương mại vận hành. Thứ hai, nếu điều vừa nêu không phải sự thật, có lẽ nhà làm luật đang cố gắng đặt ra quy định bắt buộc các ngân hàng thương mại phải cho phép sự can thiệp liên tục của cơ quan giám sát vào hệ thống thông tin của ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Rào cản kinh doanh phi truyền thống Ở vị thế các ngân hàng thương mại, một khi quy định nói trên được thông qua, ngân hàng sẽ phải tiêu tốn nhân lực, chi phí để “mở” hệ thống thông tin nội bộ ra cho cơ quan giám sát. Đó là chưa kể, ngân hàng không có cơ chế nào để đảm bảo mình sẽ thực hiện tốt những nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo mật thông tin kinh doanh của các bên khác… theo quy định tại những đạo luật khác có liên quan. Nghị quyết 02/2022 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nêu nhiệm vụ trọng tâm là phải phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các báo cáo gần đây của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra, giới kinh doanh kỳ vọng cơ quan hữu trách phải cải thiện môi trường kinh doanh song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành kinh tế số. Để làm được điều này, bên cạnh việc giảm thiểu số lượng thủ tục hành chính của chủ thể kinh doanh, cần rất lưu ý đến những quy định pháp luật mà sự tuân thủ chúng sẽ gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm suy giảm ý chí khởi nghiệp và tăng rào cản vận hành trong kinh doanh. Chi phí tuân thủ của doanh nghiệp sẽ đội lên sau quy định này. Bên cạnh các ngân hàng, còn vô vàn những ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh khác có sử dụng thông tin khách hàng, mà sẽ phải chịu tác động của quy định này một khi nó được thông qua. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, chi phí ban đầu bỏ ra sẽ nhiều hơn. Đối với doanh nghiệp đang vận hành với hệ thống sẵn có, sửa luật sẽ buộc doanh nghiệp phải bỏ ra những chi phí tuân thủ ngoài dự đoán. Trở lại với các ngân hàng thương mại, ở mức độ tối thiểu, họ cũng phải bỏ tiền ra để cập nhật hệ thống thông tin thành loại có thể sẵn sàng kết nối – chi phí này chắc chắn không rẻ. Trên hết, các doanh nghiệp cũng đối mặt với rủi ro đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành, nghề cần xử lý lượng lớn thông tin người dùng như ngân hàng, du lịch, viễn thông… Rủi ro này đi ngược hoàn toàn với chủ trương xây dựng niềm tin người dùng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm Quyết định 411/TTg vào đầu năm nay. Chồng chéo và phân mảnh Thực tế, những nghĩa vụ mà chủ quản hệ thống thông tin phải thực hiện đã được quy định cụ thể trong điều 22, điều 23 và điều 24 của Luật An toàn thông tin mạng. Bên cạnh những nghĩa vụ về an toàn, bảo mật mà chủ quản hệ thống thông tin phải thực hiện ở bước thiết lập hệ thống và nhập dữ liệu đầu vào, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo theo quy định và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ và đánh giá hiệu quả của các biện pháp bảo mật, giám sát an toàn hệ thống thông tin. Như vậy, cơ chế ràng buộc của pháp luật là các chủ quản hệ thống thông tin thực hiện đánh giá an toàn, bảo mật trước và trong suốt quá trình xử lý thông tin. Với vai trò là luật quy định về hiệu lực hình thức của các giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử cần tập trung vào các vấn đề kỹ thuật xoay quanh giao dịch điện tử (vốn là một nhóm của giao dịch dân sự). Nguyên tắc chung liên quan đến luật giao dịch điện tử được Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế đề ra là quan tâm đến hình thức và các vấn đề kỹ thuật xoay quanh tính pháp lý của giao dịch được tiến hành bằng phương tiện điện tử. Vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin nên được điều chỉnh bằng những đạo luật khác chuyên biệt hơn, đây chính là điều mà Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng đã làm, và sắp tới, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được kỳ vọng sẽ đi sâu vào chi tiết. Việc đặt yêu cầu liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin trong đạo luật về giao dịch điện tử dường như chưa thực sự hợp lý. Bảo vệ quyền tự do kinh doanh Từ góc độ quản lý nhà nước, cơ quan quản lý đang phải nỗ lực hơn bao giờ hết để vừa đạt mục tiêu chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, lại vừa phải giữ hành lang pháp lý thông thoáng cho môi trường kinh doanh. Cân bằng trong tình thế này không phải điều dễ dàng. Giải pháp là gì? Người viết không mạo muội đi sâu hơn, vì suy cho cùng đây là địa hạt của những nhà soạn thảo chính sách. Tuy nhiên, thời đại mới, tư duy lập pháp phải thay đổi linh hoạt để theo kịp thực tiễn chuyển đổi số, song nhà làm luật và thực thi chính sách cần phải kiên định các nguyên tắc nòng cốt trong việc kiến tạo môi trường tự do kinh doanh. Thiên Tứ/KTSG
Mong muốn được hưởng đầy đủ chính sách ( 15/10/2024 )
75 tuổi nhưng ông Trần Văn Hồng - nguyên Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn chăm chỉ làm việc bằng tất cả trách nhiệm và sự nhiệt huyết. Ông muốn góp phần công sức của mình để có thêm nhiều anh em cựu tù chính trị được hưởng chế độ người có công theo quy định của Nhà nước....
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: "6 điểm tựa Việt Nam" ( 19/09/2024 )
STO - Trong Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, tối ngày 15/9/2024 về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết về 6 điểm tựa của Việt Nam. Báo Sóc Trăng trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính...
“Làm thế nào để sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả tại doanh nghiệp” ( 06/09/2024 )
Đó là chủ đề buổi tọa đàm nằm trong Chương trình Hội nhập quốc tế và kết nối doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào chiều ngày 28/8, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh. Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh....
Đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội ( 30/07/2024 )
Từ tháng 1/2011 đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta xây dựng nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 26
Truy cập trong 7 ngày :148
Tổng lượt truy cập : 17,201
|