Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội kể từ khi thành lập Đảng, trí thức luôn đóng vai trò quan trọng trong khối liên minh công - nông – trí, nhiều trí thức tên tuổi đã giác ngộ cách mạng và đã có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc kháng chiến như Bác sĩ Nông học Lương Định Của, Gs. Trần Đại Nghĩa,...Trong quá trình đổi mới đất nước, đội ngũ trí thức tiếp tục tham gia và có nhiều đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực từ hoạch định chính sách, đường lối phát triển đất nước; tư vấn, phản biện và giám đính xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giáo dục và đào tạo; bảo vệ môi trường....

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm không gian trưng bày sản phẩm, thành tựu công nghệ của VUSTA

 Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” là một dấu mốc quan trọng trong các chủ trương của Đảng về đội ngũ trí thức trong xây dựng, sử dụng và trọng dụng nhân tài. Các quan điểm chỉ đạo, giải pháp xây dựng, phát triển, sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức tiếp tục được phát triển tại các kỳ Đại hội XI, XII của Đảng và đã được khẳng định trong Kết luận số 52/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X).

 

Trong những đóng góp chung của đội ngũ trí thức, không thể không nhắc đến các tổ chức đại diện cho trí thức, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - tổ chức lớn nhất, tập hợp đông đủ nhất, nhiều lĩnh vực nhất, nhiều chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu nhất của Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

 

Sau nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động, hệ thống Liên hiệp Hội từ trung ương đến địa phương từ một tổ chức xã hội tự nguyện, từng bước củng cố, phát triển, trở thành và được Bộ Chính trị công nhận là tổ chức chính tri - xã hội không thể thiếu trong toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam[1] . Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố tiếp tục kiện toàn, phát triển mạnh, toàn diện từ sau Chỉ thị 42-CT/TW[2], như sau:

 

(1) Tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố từng bước được kiện toàn, mở rộng khắp các tỉnh/thành trong nước.

 

Khi mới thành lập (1983), Liên hiệp Hội Việt Nam có 15 hội thành viên. Năm 2010 (trước khi có Chỉ thị 42-CT/TW) đã có có 125 hội thành viên (gồm 55 Liên hiệp Hội địa phương và 70 hội, tổng hội ngành). Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, hệ thống Liên hiệp Hội đã phát triển ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước[3], tạo thành hệ thống đầy đủ từ Trung ương đến địa phương. Mối liên kết, hỗ trợ từ Liên hiệp Hội Việt Nam và các Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố ngày càng được tăng cường. Tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố được thành lập đáp ứng từng bước yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với từng địa phương, đặc biệt từ sau khi có Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương (Đề án 327 năm 2011) của Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ. Cán bộ của Cơ quan Liên hiệp Hội các tỉnh /thành phố từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả

 

(2) Công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, trí tuệ của trí thức vì sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước ở hầu hết các Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố đã được quan tâm thực hiện

 

Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố thực hiện chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tổ chức thường xuyên các hội nghị học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luât của Nhà nước, các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy và chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần cũng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

 

(3) Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố được triển khai thường xuyên, phổ biến nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiển giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xem xét, quyết định các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, chính sách đối với trí thức, các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội.

 

(4) Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cùng với hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố đã được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao dân trí, phổ biến áp dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống dân sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.

 

(5) Tích cực và có trách nhiệm trong vai trò thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh/thành phố; tích cực cùng các thành viên khác tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân. Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố cùng các hội thành viên trực thuộc tích cực tham gia các cuộc vận động, các phòng trào thi đua, phòng trào an sinh xã hội do Mặt trật Tổ quốc Việt Nam tỉnh/thành phát động; cử đại diện lãnh đạo tham gia vào cơ cấu lãnh đạo của Mặt Trận Tố quốc Việt Nam tỉnh/thành phố; lựa chọn, giới thiệu các nhà khoa học có uy tín tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Bước đầu tổ chức nhiều hình thức diễn đàn khoa học để tạo điều kiện cho trí thức đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 

Tuy nhiên, so với những yêu cầu, nhiệm vụ, kỳ vọng của cấp đảng, chính quyền đặt ra cho Liên hiệp Hội các tỉnh/thành với vị thế là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ, chúng ta cùng nhìn nhận còn nhiều vấn đề hạn chế, bất cập:

 

- Liên hiệp Hội các tỉnh/thành phố (kể cả Liên hiệp Hội Việt Nam) vẫn chưa là tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh như quan điểm của Đảng đã kỳ vọng; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động còn mang tính hành chính, hiệu quả hoạt động chưa cao

 

+ Từ nhận thức đến hành động về vai trò, vị trí là tổ chức chính trị - xã hội của tổ chức tập hợp trí thức là Liên hiệp Hội là quá trình còn gian nan, chưa có sự nhất trí về quan điểm của Trung ương Đảng và Chính phủ. Đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn được xác định là hội đặc thù theo Quyết định 68/QĐ-TTg và thuộc đối tượng điều chỉnh theo Nghị định số 45/NĐ-CP.

 

+ Cơ cấu tổ chức của các Liên hiệp Hội các tỉnh/thành phố (Văn phòng, các ban chuyên môn) chưa thống nhất; mô hình nhân sự lãnh đạo chủ chốt còn nhiều khác biệt, có nơi xem Liên hiệp Hội như các cơ quan hành chính khác, nên lãnh đạo chủ chốt phải trong độ tuổi làm việc, có nơi cho phép lãnh đạo đã nghĩ hưu giữ chức năng lãnh đạo Liên hiệp hội; biên chế (số lượng vị trí việc làm) có khác nhau nhiều ở các tỉnh, có tỉnh chỉ cấp 5-6 biên chế, có tỉnh cấp 13-14 biên chế; nơi thì công chức được điều động sang Liên hiệp Hội làm việc vẫn được hưởng phụ cấp công vụ, nhưng có nơi thì không. Cán bộ làm việc tại Cơ quan Liên hiệp Hội chưa có sự thống nhất về chức danh là công chức, viên chức, hay hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế....

 

+ Phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh/thành chưa mang tính chuyên nghiệp; chưa phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nội dung hoạt động chưa thực sự hấp dẫn trí thức trẻ, trí thức tại các doanh nghiệp. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động còn mang nét hành chính, hiệu quả hoạt động chưa cao.

 

+ Các hội thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi nên nhiều hội thành viên, hội viên chưa gắn bó, tâm huyết với tổ chức mình và với hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố.

 

- Liên hiệp Hội địa phương còn lúng túng về hình thức tổ chức phù hợp để trí thức bày tỏ và đóng góp ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội;

 

+ Công tác chính trị - tư tưởng đối với đội ngũ trí thức chưa được các Liên hiệp Hội địa phương quan tâm thực hiện đúng mức, một bộ phận trí thức chưa tâm huyết khi tham gia các hoạt động của Liên hiệp Hội;

 

+ Ngoài các hội nghị, hội thảo tư vấn, phản biện, chưa tổ chức được các diễn đàn có tính chuyên nghiệp về các vấn đề được xã hội, địa phương quan tâm để đội ngũ trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến; chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa trí thức với cấp ủy, chính quyền địa phương.

 

+ Nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức trong tư vấn, phản biện, hoạch định chính sách và cả trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học của cấp ủy Đảng, chính quyền ở phấn lớn các tỉnh/thành chưa được đánh giá cao. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV,PB&GĐXH) ở một số Liên hiệp Hội địa phương hạn chế, có sự khác biệt. Một số địa phương đã ban hành quy chế TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội nhằm cụ thể hóa Quyết định 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ quy định hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam, một số địa phương vẫn chưa ban hành quy chế này. Có nơi ban hành quy chế dưới dạng văn bản quy phạm, có nơi ban hành theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; các địa phương chưa ban hành quy chế thì gần như chưa triển khai được hoạt động này. Tuy nhiên, một số địa phương mặc dù có quy chế nhưng việc triển khai cũng rất khó khăn, thậm chí chưa triển khai được.

 

+ Chưa chủ động kết nối, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để nắm tình hình cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.

 

Trong thời đại công nghiệp 4.0, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...Việt Nam đang chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững đất nước tới việc ứng phó với những tác động của tình hình thế giới. Vì vậy, vai trò của đội ngũ trí thức trong khối liên minh công – nông – trí càng cần phát huy; cùng với đó là vai trò của tổ chức đại diện trí thức trong đó có Liên hiệp Hội nhằm tạo môi trường thuận lợi để tập hợp, đoàn kết, phát huy trí thuệ của trí thức tham gia công cuộc phát triển kinh tế - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để làm được điều đó, cần có những điều chỉnh kịp thời, những chính sách đột phát liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; các cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính; xác định các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao cho Liên hiệp Hội, cụ thể:

 

- Quán triệt sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tính chất chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội; đề xuất, phối hợp với các cơ quan tham mưu cho cấp ủy đảng trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức và Liên hiệp Hội; tham mưu tổng kết thực tiễn, đề xuất những chủ trương, chính sách phù hợp tình hình mới.

 

- Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện quy định pháp luật vể tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính để Liên hiệp Hội tỉnh/thành thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; xác định rõ các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho Liên hiệp Hội; nghiên cứu, đề xuất cơ chế để Liên hiệp Hội được chủ động tham gia ý kiến về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định vể hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam, vấn đề chủ động đặt hàng của các cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương, cơ chế tiếp nhận, sử dụng, phản hồi ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

 

- Nghiên cứu, xây dựng các diễn đàn khoa học chuyên nghiệp với hình thức phù hợp để phát huy dân chủ, tạo môi trường thuận lợi cho trí thức phát biểu chính kiến của mình trên tinh thần xây dựng và phát triển đất nước; chủ động, thường xuyên truyền thông, quảng bá vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, của Liên hiệp Hội; đẩy mạnh việc truyền thông, phổ biến kiến thức, tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống; phát huy sự năng động, sáng tạo của đội ngũ trí thức, các hội nghề nghiệp, Liên hiệp Hội về những giải pháp công nghệ trước những thách thức của thời đại như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...; phát huy vai trò là tổ chức chính trị – xã hội của trí thức khoa học và công nghệ, đấu tranh với những thông tin đa chiều với vỏ bọc phản biện gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chính trị - tư tưởng cho đội ngũ trí thức./.

 

Trần Minh Thành

 

Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên hiệp Hội Sóc Trăng

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 19
Truy cập trong 7 ngày :132
Tổng lượt truy cập : 12,720