Banner Ngày 15/1/2025
Thông báo về việc xúc tiến tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện năm 2025 ( 14/01/2025 )

Bài viết phân tích khái quát về nguyên tắc “lấy con người làm trung tâm” trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bàn luận về việc thực hiện nguyên tắc này trong quá trình phát triển theo định hướng bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) hiện nay. Qua đó, đề xuất một số khuyến nghị có liên quan.

Ảnh minh họa

Khái quát về nguyên tắc lấy con người làm trung tâm và vấn đề lấy con người làm trung tâm trong phát triển bền vững

 

“Lấy con người làm trung tâm” là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn khoa học mà còn trong thực tiễn hoạch định, thực thi chính sách kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương. Lấy con người làm trung tâm không những là một nguyên tắc mà còn được xem là một triết lý phát triển. Đơn cử như:Tổ chức UNDP thường hay đề cập đến triết lý tổng quát: “Con người giữ vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội”[1].

 

Như vậy, khi nói đến nguyên tắc lấy con người làm trung tâm - tức con người phải là nguồn lực quan trọng nhất, là nhân tố mang tính quyết định chính yếu nhất trong tiến trình phát triển. Các chính sách kinh tế - xã hội được ban hành và triển khai trên thực tế đều phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là vì sự phát triển của con người.

 

Trong vấn đề phát triển bền vững[2], nguyên tắc lấy con người làm trung tâm càng có thêm ý nghĩa và giá trị sâu sắc, gắn liền với mối tương quan, hài hòa giữa ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Giá trị cốt lõi, nền tảng mà mối quan hệ này hướng đến chính là có thể tạo ra một môi trường sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, nhân văn hơn.

 

Mỗi một quốc gia, vùng/khu vực hay một địa phương nào đó muốn phát triển bền vững thì luôn phải đặt mục tiêu phát triển con người lên hàng đầu. Ngược lại, khi đã dành sự ưu tiên cho mục tiêu phát triển con người, lấy con người làm trung tâm thì tính bền vững của tiến trình phát triển sẽ ngày càng chắc chắn hơn, toàn diện hơn. Vì vậy, thời đại ngày nay không thể chấp nhận một sự phát triển “méo mó”, đánh đổi giữa bất kỳ một yếu tố nào trong ba trụ cột nói trên, lại càng không thể phát triển một cách quán tính mà không quan tâm đến mục tiêu cuối cùng là vì phát triển con người. Do đó, có thể khẳng định: lấy con người làm trung tâm chính là hạt nhân không thể tách rời trong tiến trình phát triển bền vững.

 

Lấy con người làm trung tâm trong phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long

 

Thời gian qua ở Việt Nam, vấn đề phát triển bền vững và lấy con người làm trung tâm rất được quan tâm, chú trọng. Những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đều hướng đến mục tiêu là vì lợi ích chung của xã hội, sự ấm no, hạnh phúc và tiến bộ của Nhân dân. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã chỉ rõ: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội[3].

 

Riêng ở khu vực ĐBSCL, vấn đề lấy con người làm trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững đã được định hình ngày một rõ nét hơn, thông qua những định hướng, chiến lược phát triển của khu vực này. Đơn cử như: TheoNghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, đã nêu ra quan điểm phát triển ĐBSCL theo hướng: “Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người”[4].

 

Đồng thời, Nghị quyết số 120/NQ-CP cũng đã đề raphương hướng xây dựng mô hình phát triển ĐBSCL phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan,.v.v.. Ngày 18/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Qua đó, có thể thấy: lấy con người làm trung tâm trong phát triển bền vững ĐBSCL bước đầu đã được coi trọng, đây được xem như nguyên tắc hành động xuyên suốt trong quá trình phát triển của khu vực này. Trên cơ sở định hướng đó, các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã không ngừng nổ lực, phấn đấu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phươngvới những bước tiến đáng ghi nhận. Cụ thể: kinh tế ĐBSCL nói chung đang trên đà tăng trưởng, cơ cấu kinh tế có những chuyển dịch bước đầu, môi trường đầu tư, kinh doanh đang có nhiều khởi sắc; việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong sản xuất ngày một tiến bộ hơn; thu nhập bình quân đầu người có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước đây; an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mang tính bao trùm hơn. Bên cạnh đó, các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã tích cực thực thi các chính sách về thích nghi với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn trong tình hình mới đạt kết quả khá tốt,.v.v.. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Những kết quả đó chính là cơ sở, động lực để tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc lấy con người làm trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững ĐBSCL.

 

Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, nguyên tắc lấy con người làm trung tâm chưa thật sự có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Bên cạnh đó, với nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nguyên tắc lấy con người làm trung tâm đôi khi chưa được đảm bảo tốt như mong đợi, chẳng hạn như: Một bộ phận dân cư trong độ tuổi lao động ở ĐBSCL đã di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ với tỷ lệ không nhỏ so với tổng số dân cư của toàn vùng[5]. Trong khi đó, tỷ lệ người dân trong độ tuổi đi học và học sinh phổ thông bỏ học ở mức cao nhất cả nước; hạ tầng phục vụ cho phát triển còn khá bất cập, chưa được khơi thông kịp thời; đời sống của một bộ phận dân cư cũng như năng lực tiếp cận các dịch vụ của người dân còn nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ. Cùng với đó, vấn đề biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều tác động tiêu cực đối với sinh kế của người dân ở khu vực này,.v.v..

 

Một số khuyến nghị

 

Một là,tiếp tục làm rõ nội hàm của thuật ngữ “lấy con người làm trung tâm” và cốt lõi của “mô hình phát triển ĐBSCL phải lấy con người làm trung tâm”. Đồng thời, cần làm rõ những yếu tố cơ bản cấu thành nên những giá trị mang tính “trung tâm” trong bối cảnh mới là gì. Ngoài ra, cần quán triệt sâu rộng tinh thần của nguyên tắc lấy con ngườilàm trung tâm trong đời sống xã hội, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

Hai là, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhanh chóng thúc đẩy kinh tế ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng hiện đại và hiệu quả; kiến tạo lại nền nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung giảm khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển, nhất là kết nối giao thông giữa ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Thêm vào đó, các địa phương cần có giải pháp giúp người dân có động lực học tập mạnh mẽ hơn, nâng cao dân trí, thu hút nhân tài; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc,.v.vv..

 

Ba là, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải luôn đề cao tinh thần phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình thực thi công vụ; tập trung hoạch định và thực thi tốt các chính sách mang tính đột phá, chiến lược, tạo tiền đề phát triển bền vững; nhanh chóng vực dậy tiềm năng và thế mạnh, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển thịnh vượng thông qua việc định hình cụ thể hơn các quan điểm và mô hình phát triển mới[6].

 

Bốn là, huy động tổng hợp các nguồn lực cho tiến trình phát triển bền vững ĐBSCL. Chính quyền địa phương phải cùng với người dân và doanh nghiệp song hành trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.

 

Trương Thế Nguyễn 

 

(Học viện Chính trị khu vực IV)

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 24
Truy cập trong 7 ngày :144
Tổng lượt truy cập : 17,202