Banner Ngày 15/1/2025
Thông báo về việc xúc tiến tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện năm 2025 ( 14/01/2025 )

Chiều 10/3, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức Hội thảo “Tác động của ô nhiễm môi trường đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người”.

 

Tham dự Hội thảo có khoảng 200 đại biểu đến từ các Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, các chuyên gia trong và ngoài nước, các hội viên của VACNE.

 

Hội thảo này là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch của Chương trình “Hỗ trợ phát triển chính thức cho các nước thuộc diện thu nhập trung bình và thấp để xử lý ô nhiễm và giảm thiểu tác động của ô nhiễm, đặc biệt là các tác động đến đa dạng sinh học”.

 

Chương trình do Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh và Ủy ban Bảo tồn Thiên nhiên chung đồng thực hiện nhằm mục tiêu chính là đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học (ĐDSH), xây dựng khả năng phục hồi hệ sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và cải thiện sức khỏe con người.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền phát biểu tại Hội thảo. Ảnh chụp màn hình

 

Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường

 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, khủng hoảng đối với môi trường, ĐDSH và biến đổi khí hậu. Trong một thời gian dài, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho các hoạt động phát triển đã làm cho môi trường bị ô nhiễm và các hệ sinh thái trên toàn thế giới bị suy thoái.

 

Theo Báo cáo đánh giá về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu của Diễn đàn liên chính phủ về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái được xây dựng năm 2019, ĐDSH có tầm quan trọng với con người, cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, 14 trong 18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng trên toàn cầu đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990-2015. Hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015 và 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng.

 

Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, ngày 6/3/2019, tại Nghị quyết số A/RES/73/284, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra quyết định tuyên bố Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi hệ sinh thái. Thập kỷ về Phục hồi hệ sinh thái được chính thức giới thiệu và khởi động vào Ngày Môi trường thế giới, ngày 5/6/2021 nhằm kêu gọi các quốc gia hành động khẩn trương, quyết liệt, trên tinh thần cùng chung tay nỗ lực xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch và sáng kiến ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái vì tương lai của toàn thể nhân loại.

 

Việt Nam được công nhận là nước có tính ĐDSH cao trên thế giới, ĐDSH đã góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam. Công tác bảo tồn ĐDSH thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng khích lệ: số lượng và diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên tăng lên; công tác cứu hộ, tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp được thực hiện; nhiều khu bảo tồn được công nhận có tầm quan trọng quốc tế, cụ thể là đến nay, Việt Nam đã có 9 Khu Ramsar, 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 10 Vườn di sản ASEAN. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để đảo ngược tình trạng mất mát ĐDSH đang diễn ra hiện nay.

 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, đối với Việt Nam, phát triển bền vững, giảm thiểu tổn thất về môi trường là quan điểm xuyên suốt trong quá trình hoạch định chính sách. Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ĐDSH ở vị trí quan trọng trong các nghị quyết và định hướng phát triển.

 

Luật Bảo vệ Môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 có những quy định cụ thể giúp kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn ĐDSH tốt hơn. Mới đây nhất, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTG vào ngày 28/1/2022 cũng đã xác định rõ ưu tiên của Việt Nam về công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong thời gian tới đó là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, tính kết nối của hệ sinh thái; ĐDSH được sử dụng bền vững góp phần phát triển nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Ô nhiễm môi trường làm suy giảm ĐDSH và sức khỏe con người

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều diễn giả trình bày các bài tham luận làm rõ chủ đề của Hội thảo, như: Giảm thiểu ô nhiễm thông qua quan hệ đối tác - Kết quả phân tích toàn cầu; giảm thiểu ô nhiễm thông qua quan hệ đối tác - Báo cáo phân tích ô nhiễm quốc gia thí điểm Việt Nam; đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với ĐDSH, sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại trong giai đoạn 2022-2025; đánh giá tác hại của ô nhiễm nguồn nước đối với ĐDSH, sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại trong giai đoạn 2022-2025; tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân tại thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng giải pháp bảo vệ sức khỏe người dân…

 

Theo nghiên cứu của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và TS. KTS Phạm Thị Hải Hà, Đại học Xây dựng Hà Nội, ô nhiễm không khí gây ra các tác hại nặng nề đối với các hệ sinh vật (động vật và thực vật). Cụ thể, các chất ô nhiễm đi vào khí quản của các loài động vật gây ra tắc nghẽn hô hấp, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, cũng như cản trở quá trình trao đổi chất. Các loài thực vật bị ô nhiễm bụi bám vào làm giảm quá trình quang hợp, khi bị các khí ô nhiễm tác dụng, nhất là bị khí ô nhiễm HF và SO2 tác dụng gây ra các bệnh vàng lá, rụng lá hàng loạt.

 

Ngoài ra, các chất khí ô nhiễm SO2, NOx dưới tác dụng của bức xạ mặt trời và hơi nước sẽ tạo ra mưa axit và lắng đọng khô axit. Lắng đọng axit có khả năng giết chết các loài vi sinh vật, sinh vật trong môi trường đất và môi trường nước, làm thay đổi chất lượng nguồn nước, phá hoại rừng và mùa màng. Mưa axit nặng có thể làm chết hàng loạt động vật và thực vật. Ô nhiễm khí CO2, khí CH4 (khí “nhà kính”) sẽ gây ra BĐKH, làm cho trái đất ngày càng nóng hơn và biến đổi khí hậu dị thường, gây ra suy thoái tất cả các loài động vật và thực vật.

 

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường không khí cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Theo số liệu của WHO, ô nhiễm không khí xung quanh ở cả thành phố và nông thôn ước tính gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới vào năm 2016; tỷ lệ tử vong này là do tiếp xúc với bụi mịn có đường kính từ 2,5 µm trở xuống (PM2.5), gây ra bệnh tim mạch và hô hấp, và các bệnh ung thư. Trong đó những người sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chịu gánh nặng ô nhiễm không khí xung quanh chiếm đến 91% trong số 4,2 triệu ca tử vong sớm này, và các nước chịu gánh nặng lớn nhất là Đông Nam Á và các khu vực Tây Thái Bình Dương.

 

Cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước cũng tác động nghiêm trọng đến ĐDSH và sức khỏe con người. Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khi ô nhiễm nguồn nước xảy ra, sự gia tăng của các chất dinh dưỡng mới có trong nguồn nước sẽ kích thích sự phát triển của cây và tảo, làm giảm đáng kể oxy trong nguồn nước. Sự thiếu oxy này sẽ làm chết các loài thực vật và động vật có trong nguồn nước và tạo ra vùng chết, nơi mà các nguồn nước không có sự sống của sinh vật. Ngoài ra, hóa chất và kim loại nặng từ nước thải công nghiệp, đô thị cũng làm ô nhiễm nguồn nước, gây độc hại đối với sinh vật có trong nguồn nước, làm giảm khả năng sinh sản cũng như tuổi thọ của sinh vật.

 

Các số liệu thống kê cũng cho thấy, mỗi năm, có đến 9.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, 100.000 trường hợp ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Khảo sát 37 xã mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.

 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

 

Nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với ĐDSH, sức khỏe con người, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí, trước hết là xây dựng và ban hành Luật Không khí sạch, hoàn thiện và thực thi triệt để các chính sách pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quy định pháp luật về BVMT không khí. Đặc biệt là triển khai hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí.

 

Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương, như là thành lập các phòng 169 quản lý môi trường không khí thuộc Chi cục BVMT ở các tỉnh/thành, tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra môi trường không khí. Đồng thời, tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới, cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về BVMT; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, đi xe đạp; phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện.

 

Cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra các nguồn thải công nghiệp, bảo đảm đạt quy chuẩn quốc gia

 

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và TS.KTS Phạm Thị Hải Hà cho rằng, cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra các nguồn thải công nghiệp, bảo đảm đạt quy chuẩn quốc gia, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý nguồn thải phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh các khu, cụm công nghiệp. Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển vật liệu rời về ban đêm.

 

Bảo vệ và phát triển trồng rừng, phủ xanh các vùng đất trống, đồi núi trọc, triệt để phòng ngừa cháy rừng, suy thoái rừng, nâng tỷ lệ đất rừng lên 45% vào năm 2050. Phát triển mạnh mẽ phong trào trồng cây xanh trên phạm vi toàn quốc, nhất là các hệ thống cây xanh trong các đô thị và trên các mạng lưới giao thông vận tải. Vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị (nội thành và ngoại thành), áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị và các KCN.

 

Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, Nhà nước, chính quyền các cấp cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định hướng dấn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt tập trung.

 

HV

 

Thanh Tùng/TN&MT

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 26
Truy cập trong 7 ngày :148
Tổng lượt truy cập : 17,201