Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Từ tháng 1/2011 đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta xây dựng nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 VN di len CNXH

 

Sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

 

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ: “Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã nêu rõ những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng  ta là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta trong những thập kỷ tới. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, đất nước ta nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.

 

Do đó, để đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết lại: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

 

Mặt khác, Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó”.

 

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Bài viết nhấn mạnh Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta sẽ “phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

 

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay

 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

VN di len CNXH

 

Năm 2023, GDP Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.300USD năm 2023. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.

 

Việt Nam là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến để kinh doanh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

 

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cuba), 7 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia), 11 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.

 

Việt Nam đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại kỳ họp lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 7 - 22/11/2023); thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025; thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 – 2017 và 2023-2027... Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

 

Là một thành viên của UNESCO từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Vào năm 2020, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Michael Croft đã đánh giá: “Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”. Bên cạnh đó, với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng và hấp dẫn, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành du lịch vào các năm 2019, 2020, 2022, 2023. Bên cạnh đó, năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.

 

Đặc biệt, hiện nay, tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hằng năm giai cấp công nhân Việt Nam đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách Nhà nước.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đặt ra mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Nguyễn Văn Toàn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 48
Truy cập trong 7 ngày :157
Tổng lượt truy cập : 15,869