Banner Ngày 15/1/2025
Thông báo về việc xúc tiến tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện năm 2025 ( 14/01/2025 )

Đối với sáng tạo của trí tuệ nhận tạo, thì câu trả lời chỉ có thể nằm trong việc sửa đổi luật về bản quyền, mà người ta dự đoán là ngày sẽ càng trở nên khác biệt so với tinh thần buổi đầu của nó.

 AI - quyen nhan than

Quyền nhân thân là một loại quyền dân sự, như quyền có họ, tên, quốc tịch, quyền được khai tử, quyền tự do đi lại, tự do cư trú, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín…, mà bất cứ ai cũng không được phép xâm phạm. Đặc điểm chính của quyền nhân thân là gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác (trừ một số trường hợp ngoại lệ). Có thể nói, quyền nhân thân là quyền của cá nhân đối với các giá trị nhân thân của mình, cho phép cá nhân tồn tại với tư cách là một thực thể, một chủ thể độc lập trong cộng đồng. Có thể nói, quyền nhân thân bảo vệ những giá trị tinh thần thiêng liêng, không định giá được, có liên quan mật thiết đến những nhu cầu của mỗi cá nhân để có thể tồn tại và phát triển trong xã hội.

Ngoài ra, trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, quyền nhân thân còn được công nhận trong mối quan hệ giữa tác giả và kết quả sáng tạo (như tác phẩm hay sáng chế). Ở Việt Nam, theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền nhân thân được công nhận đối với tác giả của tác phẩm (điều 29), của sáng chế (điều 122.2) cũng như đối với người biểu diễn (điều 29.2). Tuy nhiên, nếu như tác giả sáng chế chỉ được hưởng quyền ghi tên, hay người biểu diễn chỉ được hưởng quyền ghi tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, thì quyền nhân thân của tác giả tác phẩm được coi là đầy đủ nhất (bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, đứng tên trên tác phẩm, công bố tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm).

“Ngoại lệ” này cho thấy xã hội đặc biệt coi trọng vai trò của tác giả và sáng tạo – một hình thức thể hiện sự “ngưỡng mộ” của công chúng với tác giả. Khi được áp dụng trên thực tế, quyền nhân thân bảo đảm tác giả được công nhận tên tuổi, đồng thời kiểm soát cách tác phẩm ra mắt công chúng (như thời điểm, hình thức, trạng thái tác phẩm…). Có thể nói, quyền nhân thân của tác giả (moral rights) là một quyền khá đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, đồng thời cũng mang đến cho tác giả một số “quyền lực” đặc biệt. Một số học giả quốc tế coi rằng quyền nhân thân là “sợi dây nhau” nối liền tác giả với tác phẩm – kết quả sáng tạo là một phần gắn liền với con người tác giả.

Tuy rằng quyền nhân thân đối với sản phẩm sáng tạo còn là một khái niệm mới mẻ, thậm chí xa lạ với nhiều người Việt Nam, một số tác giả cũng đã không ngần ngại kiện ra tòa những hành vi vi phạm quyền nhân thân của bản thân. Ví dụ, năm 2019, tại phiên phúc thẩm, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TPHCM đã kết luận rằng việc Công ty Phan Thị làm tác phẩm phái sinh đã dẫn đến việc sửa chữa tác phẩm gốc thuộc về họa sĩ Lê Phong Linh, và vì thế đã vi phạm quyền nhân thân của tác giả này.

Ở các nước khác, quyền nhân thân của tác giả cũng được công nhận rộng rãi, tuy rằng mức độ bảo vệ có thể khác nhau. Ở Pháp, Đức, quyền nhân thân được đặc biệt coi trọng (chính vì thế, các học giả thường coi quyền nhân thân là đặc tính của hệ thống luật bản quyền “droit d’auteur”). Ở các nước này, quyền nhân thân thường xuyên được viện dẫn trong nhiều vụ kiện giữa tác giả và bên khai thác tác phẩm. Ví dụ, gần đây thẩm phán Tòa án Nancy, Pháp, đã kết luận rằng quyền nhân thân của tác giả đã bị xâm phạm khi một phần tác phẩm “Cội nguồn cuộc sống” của họa sĩ Alain Mila bị người mua tranh… sơn lại thành màu xanh. Đặc biệt, theo luật của Pháp, vi phạm “tinh thần của tác phẩm” cũng bị coi là vi phạm quyền nhân thân, và việc dùng một tác phẩm nghệ thuật để quảng cáo các sản phẩm ăn uống, hay trưng bày tác phẩm ở một địa điểm thiếu “nghiêm túc” mà không có sự cho phép của tác giả cũng bị coi là vi phạm quyền nhân thân của tác giả. Trong trường hợp vi phạm quyền nhân thân, tòa án không ngần ngại xử phạt rất nghiêm (từ đền bù tác giả với số tiền khổng lồ tới bị phạt tù giam).

Ngược lại, ở một số nước khác như Mỹ, Anh, quyền nhân thân đóng vai trò khiêm tốn hơn rất nhiều. Hệ thống quyền tác giả “copyright” thường đề cao khai thác thương mại tác phẩm, và vì thế tác giả có quyền lực ít hơn trong mối quan hệ với nhà sản xuất hay khai thác tác phẩm. Ban đầu, quyền nhân thân không tồn tại trong luật về bản quyền Mỹ, nó chỉ được đưa vào hệ thống luật Mỹ sau khi nước này tham gia vào Công ước Berne về quyền tác giả vào năm 1988. Tuy nhiên hiện nay ở Mỹ, chỉ có tác giả các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật “thị giác” như tranh, ảnh, tượng… mới được hưởng quyền nhân thân, và ở một mức độ cũng khá hạn chế (tác giả có thể từ bỏ quyền nhân thân, chẳng hạn).

Nếu như quyền nhân thân là “thiêng liêng” với nhiều người, thì ngược lại, cũng có một trường phái luật cho rằng sự tồn tại của quyền nhân thân cản trở việc khai thác thương mại sáng tạo. Kể từ đầu thế kỷ 21 trở đi, câu hỏi về sự hợp lý của quyền nhân thân lại được đặt ra, khi chúng ta đi vào kỷ nguyên số hóa. Những tiến bộ công nghệ cho phép công chúng thay đổi tác phẩm chỉ bằng một cú nhấn chuột đơn giản, đồng thời sự  hiện diện của máy tính trong quá trình sáng tạo cũng ngày càng phổ biến hơn.  Đặc biệt gần đây, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI – artificial intelligence) đã làm đảo lộn thế giới sáng tạo. Các tác phẩm do AI tạo ra làm không ít nghệ sĩ lo lắng một ngày kia AI có thể cạnh tranh với con người cả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. Ở thời điểm hiện nay, quyền tác giả hầu như chưa được tòa án nào công nhận với tác phẩm do AI tạo ra (gần đây nhất là quyết định từ chối bảo hộ của Cục Bản quyền Mỹ với những hình ảnh minh họa truyện Zarya of the Dawn do MidJourney – một phần mềm AI – thực hiện). Một trong những lý do chính của việc từ chối bảo hộ quyền tác giả này chính là… quyền nhân thân. Rõ ràng là, một khi quyền tác giả của AI được công nhận, thì luật cũng sẽ phải công nhận quyền nhân thân của… chương trình máy tính. Trong khi đó, quyền nhân thân là quyền gắn liền với con người, gắn liền với những giá trị tinh thần của con người, chúng ta hẳn khó có thể chấp nhận rằng AI cũng có những giá trị tinh thần tương tự như con người. Thật khó có thể chứng minh được rằng việc sửa đổi tác phẩm có thể gây phương hại đến danh dự và uy tín của… AI. Tính thống nhất, hợp lý trong luật không cho phép công nhận quyền tác giả của AI mà không có những sửa đổi căn bản và rộng lớn trong chính lĩnh vực này.

Đối với sáng tạo của AI, thì câu trả lời chỉ có thể nằm trong việc sửa đổi luật về bản quyền, mà người ta dự đoán là ngày sẽ càng trở nên khác biệt so với tinh thần buổi đầu của nó.

Thiên Hương/KTSG

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 21
Truy cập trong 7 ngày :149
Tổng lượt truy cập : 17,193